Tam quốc diễn nghĩa: Nhân vật khiến Gia Cát Lượng mất nhiều công thu phục nhất
Nhắc đến sự khoan dung của Gia Cát Lượng, không ít người sẽ nhớ tới điển tích 'bảy lần bắt, bảy lần thả Mạnh Hoạch', cuối cùng khiến Mạnh Hoạch phải thực lòng tâm phục vị thừa tướng nước Thục.
Sau khi trừ bỏ được những lo lắng trong nước thì những tộc người thiểu số ở Tây Nam nước Thục Hán nổi loạn, Gia Cát Lượng đã đem quân xuống phía nam để thu phục. Nhận thấy uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Mạnh Hoạch ở vùng Nam Trung, phía nam của Thục Hán (ngày nay là Vân Nam, Trung Quốc), và vì muốn giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa các dân tộc thiểu số vùng này với triều đình Thục Hán nên Gia Cát Lượng quyết định đánh vào lòng người, coi đó là chiến thuật chủ đạo. Gia Cát Lượng không thực hiện sự nghiêm khắc như trước, trái lại vận dụng một chính sách khoan dung.
Theo lời Mã Tốc, Gia Cát Lượng hạ lệnh khi đánh nhau với Mạnh Hoạch, quân Thục chỉ được phép bắt sống, không được giết chết hoặc làm bị thương. Gia Cát Lượng cùng ba quân phải chinh chiến vô cùng khổ nhọc ở nơi rừng thiêng nước độc, bao lần vào sinh ra tử mới bắt được Mạnh Hoạch, nhưng lần nào bị bắt, Mạnh Hoạch cũng cứng đầu không phục.
Lần thứ nhất, Hoạch nói: “Đường hẻm núi cao, lỡ sa vào tay ngươi, ta đâu có chịu!”.
Lần thứ hai, Hoạch nói: “Đó là thủ hạ ta muốn hại lẫn nhau, mới đến nông nỗi này, chớ không phải là tài của ngươi, sao ta có chịu!”.
Lần thứ ba, Hoạch nói: “Đó chỉ vì em ta tham ăn, tham uống, trúng phải thuốc độc, bởi thế lỡ việc. Nếu ta đến mà để cho em ta đi tiếp ứng bên ngoài thì chắc xong việc. Đó là trời không trợ ta, chớ không phải ta có dại dột gì. Đành chết thì chết, chớ ta vẫn chưa chịu!”.
Lần thứ tư, Hoạch nói: “Ta tuy là người mọi rợ, nhưng không chuyên dùng quỷ kế như thừa tướng, cho nên ta chưa phục”.
Lần thứ năm, Hoạch nói: “Ta bị bắt là không phải do tài của ngươi. Vì người trong động ta hại lẫn nhau, mới đến nỗi này! Muốn giết thì giết, chớ ta vẫn chưa chịu!”.
Lần thứ sáu, Hoạch nói: “Chuyện này thực là tự chúng ta đem thịt đến miệng hùm chớ không phải là tài của ngươi, chết thì chết chứ ta vẫn chưa chịu”.
Đến lần thứ 7, khi Gia Cát Lượng thả Mạnh Hoạch thì Mạnh Hoạch không chịu về vì ông ta nhận thấy Gia Cát Lượng quả thật là con người phi thường và trong thâm tâm không có ý thù địch với mình. Mạnh Hoạch mới vừa khóc vừa nói: “Từ xưa đến nay, chưa có ai đánh giặc, bảy lần bắt được mà bảy lần tha bao giờ. Tôi tuy là người mọi rợ, cũng hiểu đôi chút lễ nghĩa, có đâu mà lại mặt dày mãi thế được! Thừa tướng thực là thiên uy, người phương nam tôi không dám làm phản nữa!”.
Có thể thấy rằng, nghệ thuật tác chiến chính trị, tâm lý của Gia Cát Lượng thể hiện rõ rệt trong chiến dịch này. Những lần quậy phá của quân phản loạn không hề khiến Gia Cát Lượng tức giận, đánh mất tâm trí, làm ra những quyết sách vội vàng sai lầm mà ngược lại, chỉ có thể làm sáng tỏ cái tâm đại nhẫn của Gia Cát Lượng. Nhẫn là kiên trì để tỏ lòng thành kính, là nhẫn chịu để vượt qua khó khăn, là bao dung để hóa giải ân oán. Cuối cùng Mạnh Hoạch tâm phục khẩu phục, hoàn toàn chịu thần phục triều Thục Hán.
Sau khi Mạnh Hoạch chịu thần phục thì các thế lực phản loạn ở miền Nam cũng nhanh chóng lần lượt quy hàng. Mùa thu năm 225, ba cánh quân Đông, Tây và Trung hội quân ở Điền Trì (Vân Nam) ăn mừng thắng lợi của cuộc Nam tiến và giai thoại “bảy lần bắt bảy lần thả” được truyền tụng.
Video: Gia Cát Lượng thu phục Mạnh Hoạch.
Quốc Tiệp (t/h)