Tam quốc diễn nghĩa: Tại sao Tào Tháo không thích nhắc đến xuất thân?
Tào Đằng, ông nội nuôi của Tào Tháo vốn là một hoạn quan có thế lực trong triều, nên Tào Tháo được thăng tiến nhanh. Nhưng ông lại không muốn nhắc tới xuất thân này.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Sinh ra trong thời bình và lớn lên trong thời loạn, Tào Tháo đã chứng kiến toàn bộ quá trình hủ bại của triều đình nhà Hán.
Cuối thời Đông Hán, triều chính mục nát, ngoại thích và hoạn quan thay nhau hoành hành. Khắp nơi đều có tham quan ô lại, thêm vào đó thiên tai lụt lội, hạn hán triều miên. Hán Linh Đế buông lỏng kỷ cương, không dùng người tài. Nghe theo lời khuyên của các hoạn quan, Linh Đế tăng thuế khóa thêm 10 đồng trên mỗi mẫu ruộng khiến nhân dân phải đóng góp thêm nặng nề, nhằm có thêm tiền xây cất cung điện.
Tào Tháo đã từng là thần tử năng nổ tích cực, đã từng bất chấp nguy cơ bị giáng chức để dâng sớ tâu bày điều hay, bảo vệ người ngay, ngăn cản kẻ xấu. Chỉ tiếc là mọi nỗ lực can gián đều thất bại.
Hoạn quan tiếp tục lộng hành, làn sóng cải cách bị ngăn chặn, Hán đế thậm chí còn tuyên bố “Kẻ nào tấu trình về việc sửa sang chính trị tại các châu huyện mà không hiệu nghiệm, khiến dân chúng phao ngôn nhảm nhí đều bị bãi miễn chức vụ”.
Trong Tam quốc diễn nghĩa nhà văn La Quán Trung đưa ra quan điểm phê phán Tào Tháo đứng về phía Thục Hán - ủng hộ Lưu Bị, còn Tôn Ngô chỉ là lực lượng trung gian.
Tuy nhiên, nói là phê phán Tào Tháo nhưng ở những chương hồi đầu trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã mô tả về Tào Tháo khá tương đồng với sử liệu, đặc biệt dưới ngòi bút của ông sự xuất hiện của Tào Tháo còn ấn tượng hơn Lưu Bị.
Trong Tam quốc diễn nghĩa Tào Tháo xuất hiện khác hẳn Lưu Bị. Lúc ấy, hai tướng Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn dùng kế hỏa công phá quân Khăn Vàng.
Quân giặc tháo chạy, Trương Lương, Trương Bảo dẫn tàn quân cướp đường mà chạy thì gặp ngay Tào Tháo mang quân mã ra chặn đánh.
Tào Tháo “mình cao bảy thước, mắt nhỏ râu dài”, vốn dòng danh môn thế phiệt, đương chức kỵ đô úy. Xuất thân của người này không hề tầm thường, là con của Tào Tung quan Đại Tư nông trong triều.
Tào Tháo vốn họ Hạ Hầu, sau đổi sang họ Tào, theo họ của Tào Đằng (ông nội nuôi). Tào Đằng vốn là một hoạn quan có thế lực trong triều nên việc Tào Tháo thăng tiến nhanh cũng là dễ hiểu.
Cũng chính vì lý do này mà trong Tam quốc diễn nghĩa khác với Lưu Bị luôn tự nhận: “Tại hạ Lưu Bị, hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng”. Đi đâu Lưu Bị cũng chỉ có một cách nói như vậy. Tào Tháo lại không hề muốn nhắc đến thân thế của mình, trong phim Tam quốc diễn nghĩa 1996 khi bị Đại tướng quân Hà Tiến châm chọc về xuất thân thân thiết với hoạn quan Tào Tháo đã cảm thấy hổ thẹn.
Theo phần Ngụy chí trong Tam quốc chí của Trần Thọ, Tào Tháo vốn là dòng dõi Tướng quốc nhà Hán là Tào Tham. Tuy nhiên, theo kết quả xét nghiệm ADN của nhóm nghiên cứu Nhân chủng học và Lịch sử thuộc trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải công bố hôm 11/11/2013, họ khẳng định Tào Tháo không phải hậu duệ của Tào Tham như Tam quốc chí viết.
Cũng theo Tam quốc chí, Tào Đằng, làm đến Trung Thường Thị Đại Trường Thu, phong Phí Đình hầu. Tào Tung là con Tào Đằng, làm đến Thái úy, sinh ra Tào Tháo. Như vậy, Tào Tháo thuộc 1 gia tộc hơn 3 đời có danh vọng và quyền lực. Có ý kiến cho rằng, Tào Tung nguyên có tên là Hạ Hầu Tung, sau làm con nuôi hoạn quan Tào Đằng nên lấy họ Tào.
Tào Đằng là một trong những Thái giám có thế lực trong triều đình Đông Hán, lần lượt phục vụ 5 đời hoàng đế, do đó ông được phong chức Phí Đình hầu.
Tào Tung là con nuôi Tào Đằng, nhờ cha nên từng được giữ các chức vụ Tư Lệ hiệu úy, Đại Tư nông, kiêm nhiếp Đại hồng lư. Vì triều đình của Hán Linh Đế cho mua quan bán tước, nên sau đó Tào Tung còn mua được chức quan Thái úy trong vài tháng.
Tào Tháo lúc đầu vốn là một trung thần năng nổ, tuy nhiên triều đình Đông Hán làm Tào Tháo thất vọng. Nhưng những con người hiện tại của Hán triều mới thật sự khiến Tào Tháo tâm tàn ý lạnh.
Từ lúc đó, Tào Tháo quyết định sẽ hành động một mình. Năng thần phải có quyền lực để trấn áp gian thần. Không có quyền lực, mọi ước muốn cải cách chỉ là trên giấy. Tào Tháo, từ đó cũng trưng binh, chiếm đất, thậm chí còn “ép thiên tử lệnh chư hầu”.
Cùng với những chiến thắng về mặt quân sự, Tào Tháo cũng từng bước đi xa hơn trên con đường chính trị. Năm 213, Tháo ép Hiến Đế phong mình làm Ngụy Công, ban cho Cửu tích. Năm 216, đánh Trương Lỗ xong, Tháo được “từ tước Công thành Ngụy vương”, hưởng thụ các đặc quyền “triều bái không phải xưng danh”, “vào triều không phải rảo bước”, được “đeo kiếm lên điện”, thậm chí được “đội mũ miện có mười hai tua, đi xe sáu ngựa kéo” (những nghi thức của bậc đế vương), lại lấy Tào Phi làm Thế tử nước Ngụy. Có thể nói, nền móng cho một cuộc thoán đoạt đã được Tào Tháo chuẩn bị hết sức đầy đủ.
Năm 220, chỉ vài tháng sau khi Tào Tháo mất, Tào Phi ép Hiến đế nhường ngôi, nhà Ngụy chính thức thay thế nhà Hán.
Quốc Tiệp (t/h)