Tam quốc diễn nghĩa: Việc Lưu Bị thà chết cũng không làm
Lưu Bị (161 – 223) tự Huyền Đức, là một vị thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, khi Từ Thứ nhận xét con ngựa của Lưu Bị là ngựa sát chủ, khuyên Lưu Bị không nên cưỡi nữa nếu không sẽ gặp họa đổ máu, Lưu Bị liền hỏi có cách nào tránh được họa này không, Từ Thứ khuyên đem con ngựa đổi cho kẻ thù nào đó, để nó hại kẻ thù rồi lấy về là có thể hóa giải được. Tuy nhiên Lưu Bị không nghe theo. Ông đã khẳng khái nói rằng: “Chuyện lợi mình hại người trái với đạo trời thà chết cũng không làm”.
Câu nói này của Lưu Bị thể hiện tầm nhìn, tư tưởng và nguyên tắc đạo đức của ông. Từ câu nói này, ta thấy rằng Lưu Bị tôn trọng đạo lý hơn là lợi ích cá nhân. Ông không chấp nhận hành động làm hại người khác để đạt được mục tiêu của mình. Ngay cả khi đối diện với tình thế khó khăn hay nguy hiểm đến tính mạng Lưu Bị cũng sẽ không bao giờ làm điều gì đó trái với đạo lý và lương tâm.
Câu nói của Lưu Bị không chỉ là một lời nhắc nhở về việc giữ vững nguyên tắc, đạo đức trong cuộc sống, mà còn là một bài học về lòng trung thực, sự hy sinh sẵn sàng chấp nhận tổn thất cá nhân hơn là vi phạm đạo đức và giá trị nhân văn.
Lưu Bị là hoàng đế khai quốc của nhà Thục Hán, thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Tên tuổi ông được người đời sau biết đến rộng rãi thông qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung.
Không giống như Tào Tháo và Tôn Quyền xuất thân từ tầng lớp quý tộc và có nhiều tài sản để “làm vốn” trên đường gây dựng phát triển sự nghiệp, Lưu Bị tuy có danh nghĩa là dòng dõi nhà Hán nhưng ông xuất thân từ một gia đình nghèo, thuở nhỏ phải đan giày cỏ kiếm sống, tay trắng làm nên cơ nghiệp. Vì vậy, quá trình phát triển thế lực của Lưu Bị trong thời loạn cũng vất vả, gian truân hơn, lâu dài hơn. Tuy gặp nhiều thất bại nhưng ông vẫn kiên định, không nản lòng, tỏ ra có chí khí lớn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhiều người cho rằng Lưu Bị nhu nhược, không có tài đánh trận, nhờ may mắn có các nhân tài giỏi đi theo mà ông mới dựng được cơ nghiệp.
Trên thực tế, theo sử liệu Lưu Bị là một vị tướng có tài, có nhiều kinh nghiệm quân sự, đã từng tự cầm quân đánh thắng nhiều trận. Ngay cả Tào Tháo cũng đánh giá rất cao về Lưu bị.
Clip: Việc Lưu Bị thà chết cũng không làm.
Quốc Tiệp (Nguồn: Ảnh, video trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010)