Tầm soát sớm để chiến thắng ung thư
Với xu thế ngày càng gia tăng cả về số ca mắc mới cũng như số ca tử vong, gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra ngày càng lớn.
Số liệu được Globocan (dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) công bố năm 2020, trên thế giới ước tính có khoảng 19,3 triệu ca mới và 9,9 triệu ca tử vong, cao hơn nhiều so với khoảng 14 triệu ca mới và 8,2 triệu ca tử vong vào năm 2012.
Cũng theo Globocan, năm 2020 Việt Nam có khoảng 182.563 ca ung thư mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Đáng lưu ý, năm 2020, Việt Nam xếp hạng 91/185 nước có số mắc mới ung thư và số tử vong xếp hạng 50/185 nước (so với 99/185 và 56/185 năm 2018). Điều này chứng tỏ sự tăng nhanh số ca mắc mới và tử vong do ung thư.
Một nghiên cứu được công bố năm 2021 cho thấy, nếu không nỗ lực cải thiện việc phòng ngừa, sàng lọc phát hiện sớm và điều trị ung thư, số ca mắc mới và ca tử vong ở các nước châu Á sẽ tăng từ 50% đến 60% từ năm 2020-2040.
Đáng chú ý, gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại nước ta ước tính đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990, và các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian.
GS.TS Mai Trọng Khoa - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại nước ta, xu hướng gia tăng thể hiện ở cả ca mắc mới và số tử vong hàng năm. “Đây thực sự là gánh nặng, thách thức cho công tác phòng chống ung thư, thậm chí gánh nặng về kinh tế, chi phí cho xã hội” - ông Khoa nhấn mạnh.
Đáng nói hơn nữa khi nhiều người bệnh đi khám muộn, phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối và khó khăn trong tiếp cận kịp thời với các liệu pháp điều trị tiên tiến. Theo thống kê của Bệnh viện K, có khoảng 25% bệnh nhân phát hiện ra ung thư khi đang nhập viện cấp cứu tại bệnh viện vì một triệu chứng nào đó. Hầu hết các bệnh nhân này có cơ hội sống thấp hơn so với các bệnh nhân khác, vì khi đó tình trạng bệnh đã trở nên quá nặng.
Anh V.D.M. (47 tuổi, Hưng Yên) chia sẻ: “Gia đình tôi có bố mắc ung thư phổi đã mất. Nỗi buồn chưa nguôi ngoai, hai anh trai của tôi cũng đồng thời phát hiện bị ung thư phổi, tuy nhiên, khối u được phát hiện muộn và đã di căn não. Hai anh ra đi lần lượt vào năm 2020 và 2021. Đó là cú sốc lớn nhất của gia đình tôi. Lúc này, niềm hối hận lớn nhất xuất hiện trong suy nghĩ của gia đình tôi là tại sao lại chủ quan và không tầm soát phát hiện bệnh sớm hơn”.
Hệ quả của thực tế nói trên, đó là chi phí điều trị tăng cao, nguy cơ sống thấp và những tổn hại về sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người bệnh và người thân gia tăng. Theo các bác sĩ, một bệnh nhân ung thư ở giai đoạn nặng có thể tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi năm cho chi phí điều trị bệnh. Điển hình như các phương pháp xạ trị, hóa trị và đặc biệt điều trị đích ung thư (sử dụng thuốc làm hạn chế sự tăng trưởng và lan rộng của khối u) rất tốn kém, không phải người bệnh nào cũng có khả năng chi trả. Bởi vậy, nhiều gia đình phải phó mặc tính mạng cho số phận mà không thể tiếp tục lộ trình điều trị.
Chị N.T.M. (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: Mẹ tôi phát hiện ung thư một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe. 1 năm nay, chứng kiến mẹ đau đớn về thể xác, tóc rụng, nôn ói, không thể ăn uống trong những đợt xạ trị, lòng tôi đau như cắt, tinh thần suy kiệt, chẳng thể tập trung làm việc gì được. Trong khi đó, khả năng chi trả của gia đình tôi cũng hạn hẹp dần.
Theo thống kê của Bệnh viện K Trung ương, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/năm. Trong đó Bảo hiểm Y tế chi trả khoảng 51,87 triệu đồng (chiếm 29,3% chi phí điều trị). Điều đáng buồn là có tới 33,8% bệnh nhân ung thư hiện nay không thể chi trả tiền thuốc men.
BS Vũ Anh Tuấn - Trưởng phòng Hóa sinh, Trung tâm Xét nghiệm Medlatec cho biết: Trong cuộc chiến chống ung thư cam go, thắng hay thua nằm ở hai chữ “sớm”, “muộn”. Chính vì vậy, chủ động tầm soát ung thư sớm là cực kỳ quan trọng, bởi tầm soát phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp kéo dài thời gian sống và thậm chí có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, nhận biết ung thư ở giai đoạn sớm giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn, giảm thiểu thời gian điều trị, từ đó, chi phí điều trị đỡ tốn kém hơn rất nhiều khi phát hiện ở giai đoạn muộn và phải sử dụng đến các phương pháp điều trị phức tạp kéo dài.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tam-soat-som-de-chien-thang-ung-thu-5714257.html