Tâm sự nghề bác sĩ tâm thần: Bài 1 - Nghề chọn người, phải giấu nhẹm khi đi... tán gái
6 năm học đa khoa đủ để sinh viên ngành y 'né' chuyên khoa tâm thần nếu không có tình yêu hay cơ duyên đặc biệt. Lý do không hẳn đến từ môi trường làm việc luôn rình rập hiểm nguy mà còn từ những định kiến lệch lạc của xã hội.
Nghề y vốn nhiều gian nan thậm chí nguy hiểm. Bác sỹ khoa tâm thần khó khăn lại càng gấp bội.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Gia đình Việt Nam đăng tải tuyến bài viết ghi nhận những tâm sự, câu chuyện của các bác sĩ đang hàng ngày miệt mài chăm sóc "bệnh nhân đặc biệt" với mong muốn qua những chia sẻ này độc giả sẽ hiểu và cảm thông, trân trọng hơn đối với các chiến sĩ ngành y.
Bài 1 - Nghề chọn người, phải giấu nhẹm khi đi... tán gái
Gần 40 năm gắn bó với chuyên khoa tâm thần, còn 3 tháng nữa sẽ nghỉ hưu nhưng bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Thành - Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Thanh Hóa cho biết, ít nhất 2 lần ông có ý định chuyển sang chuyên khoa khác nhưng không dứt ra được vì có lẽ hình như nghề đã chọn người.
Lần đầu tiên khi bác sĩ Thành đang là sinh viên năm cuối Đại học Y Hà Nội và “bị” phân học định hướng chuyên khoa tâm thần. Ông đề nghị được chuyển sang ngành khác nhưng không được chấp nhận.
Lần thứ 2 khi về công tác tại bệnh viện tâm thần Thanh Hóa, được cử đi học chuyên khoa 1 ông đã… cố tình học chuyên khoa về thần kinh nhưng cuối cùng vẫn gắn bó với bệnh nhân tâm thần.
Lần học chuyên khoa 2 sau đó, ông quyết định lựa chọn chuyên khoa tâm thần và gắn bó đến giờ.
Đi “tán gái” giấu nhẹm mình là bác sĩ tâm thần
Bác sĩ Thành kể, trong số 15 sinh viên người Thanh Hóa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1985, duy chỉ có ông theo ngành bác sĩ tâm thần.
Thời điểm đó, nhắc đến bác sĩ tâm thần, hay làm việc tại bệnh viện tâm thần người ta thường dè dặt, xem như một môi trường làm việc nhạy cảm, trong thế giới của người điên.
“Đi tán gái không dám giới thiệu là bác sĩ tâm thần mà hay nói tránh sang một chuyên khoa gần là bác sĩ thần kinh. Xã hội lúc đó hình dung bệnh viện tâm thần là… trại tâm thần, nơi nhốt giữ người điên dại chứ không phải là nơi khám, điều trị các bệnh lý tâm thần. Vì thế, ngay cả chúng tôi lúc bấy giờ đi đâu ít khi nói mình làm ở bệnh viện tâm thần”, bác sĩ Thành nhắc lại ký ức buồn.
“Tâm thần” theo bác sĩ Thành là một thuật ngữ khoa học rất nghiêm túc nhưng hay bị biến thành một từ lóng, dùng để xách mé, nguyền rủa một người nào đó. Nhiều gia đình khi có người thân có dấu hiệu, biểu hiện bị tâm thần thì mặc cảm, giấu diếm, không đưa đi khám, điều trị kịp thời dẫn đến bệnh ngày càng nặng.
Điều này có nguyên nhân sâu xa từ tâm lý xã hội. Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của xã hội, ở các nước tiên tiến, chuyên khoa tâm thần, bác sĩ tâm thần rất được coi trọng.
“Ở nước ta, nhất là tại các thành phố lớn, ngày càng có nhiều sinh viên y khoa lựa chọn học định hướng, học chuyên khoa và theo đuổi nghề bác sĩ tâm thần. Bởi tại đó, nhu cầu khám, điều trị các bệnh lý tâm thần rất lớn, do người dân nhận thức khá đầy đủ các nguy cơ, dấu hiệu của bệnh này.
Tuy nhiên ở các tỉnh lẻ, người dân vẫn tỏ ra ngại ngùng khi nhắc đến bệnh tâm thần, cho đó là bệnh lý nhạy cảm. Người ta chỉ lo lắng các bệnh về thể xác mà ít quan tâm đến các bệnh về tinh thần. Nghề bác sĩ tâm thần vì thế còn chưa được coi trọng xứng đáng”, bác sĩ Thành tâm sự.
Tuy nhiên, cũng theo vị bác sĩ có gần 40 năm gắn bó với ngành tâm thần thì dù có khó khăn, vất vả, dù không “sang” bằng bác sĩ các chuyên khoa khác nhưng ông chưa bao giờ ân hận khi theo đuổi nghề này.
Cũng vì thế, với những cống hiến đó bác sĩ Thành đã được phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, là chuyên gia đầu ngành về tâm thần tại Thanh Hóa; đồng thời là Phó trưởng bộ môn tâm thần của Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa.
Tình yêu đến sau... hôn nhân
Bác sĩ Hà Thị Vân Anh tốt nghiệp Học viện Quân y nộp đơn vào 2 bệnh viện chuyên khoa: Phổi và Tâm thần.
Sở dĩ chị về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa bởi một lý do rất ngẫu nhiên là vì đơn vị này tuyển dụng trước. Được ít năm, chị được cử đi học định hướng và thạc sĩ chuyên ngành tâm thần. Tròn 10 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Vân Anh tin rằng đó là một cái duyên.
“Lớp đại học của tôi có hơn 100 bạn tốt nghiệp, chỉ duy nhất tôi theo ngành bác sĩ tâm thần. Không hẳn là đam mê, không hẳn là lựa chọn nhưng có lẽ như một cái duyên.
Hồi còn đi học, tôi rất mê môn tâm lý học nên nghĩ có thể mình sẽ hợp với chuyên khoa tâm thần. Nhưng thú thật khi mới về bệnh viện, đi thăm khám, điều trị cho bệnh nhân tâm thần cũng hơi run. Bây giờ thì thấy công việc bình thường như bác sĩ các chuyên khoa khác”, bác sĩ Vân Anh bộc bạch.
Cũng theo bác sĩ Vân Anh, thế giới của người mắc bệnh tâm thần rất phức tạp nhưng cũng có nhiều điều thú vị. Xã hội cũng chưa hiểu đúng về bệnh nhân tâm thần.
Không phải ai bị tâm thần cũng là những người điên. Nhiều người IQ rất cao, nói chuyện như chuyên gia, tranh luận nhiều lúc bác sỹ cũng phải chịu thua. Do đó, tùy từng trường hợp người bệnh, tình trạng bệnh tật mà bác sỹ có phương pháp thăm khám, tư vấn, điều trị khác nhau, trong đó mấu chốt là phải làm bạn với người bệnh.
“Đôi khi chúng tôi hay trêu nhau là làm nghề này lâu dễ mắc bệnh nghề nghiệp. Nghĩa là đôi lúc cũng phải… điên điên một chút (cười). Thực ra là mình cũng phải sắm vai người bị bệnh, lạc vào thế giới của họ, để chơi cùng họ, hiểu họ, nghe họ chia sẻ để mình sẻ chia, để bắt bệnh, điều trị đúng thuốc, trúng bài.
Nhưng mặt khác, tuyệt đối không bao giờ xem bệnh nhân là người đang mắc các bệnh lý tâm thần, là người điên, mà phải xem họ là người bình thường, người bạn của bác sĩ…”, bác sĩ Vân Anh lý giải.
Công tác 10 năm, bác sĩ Vân Anh đã thực sự yêu và gắn bó với công việc điều trị bệnh nhân tâm thần.
“Có những lần bị bệnh nhân đánh, bị đe dọa nhưng sau khi khỏi bệnh, họ lại gặp xin lỗi mình khiến mình thực sự vui, xúc động”, bác sĩ Vân Anh nói.