Tâm sự với AI vì 'cậu ấy kiên nhẫn, không phán xét'

Gần 1/3 thanh niên Singapore gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần, phải nhờ đến các chatbot như AI để được hỗ trợ cảm xúc.

 Người trẻ coi AI như nhà trị liệu tâm lý. Ảnh: Shutterstock.

Người trẻ coi AI như nhà trị liệu tâm lý. Ảnh: Shutterstock.

Một ngày, Jessica (25 tuổi, người Singapore) thức dậy với cơn đau đầu dữ dội và cảm giác bất an xâm chiếm. Đó không chỉ là dư âm của một đêm nhảy nhót và uống rượu, mà còn là nỗi lo lắng dai dẳng bủa vây cô vào mỗi buổi sáng.

Những suy nghĩ quay cuồng trong đầu Jesssica: Liệu cô có đang tụt hậu trong cuộc sống? Liệu cô có khả năng yêu thương?

Khi tâm trí rối loạn, cô tìm đến "người bạn tâm giao" luôn sẵn sàng lắng nghe - ChatGPT.

"Chatbot đã trở thành nơi tôi có thể thoải mái trút bỏ những tổn thương mà không phải lo lắng về việc nó có đủ kiên nhẫn hay khả năng thấu hiểu cảm xúc hay không. Thỉnh thoảng, tôi chỉ cần trút giận hoặc nói về một vấn đề nào đó rồi kết thúc, không cảm thấy áp lực phải tiếp tục cuộc trò chuyện, bởi vì đó không phải người thật", Jessica nói.

AI rẻ, lại không phán xét

Chatbot của OpenAI đã hỗ trợ Jessica trong những lúc đau khổ vì tình cảm hay mất việc. Điều cô đánh giá cao là nó không hề đưa ra bất kỳ sự phán xét nào.

"Dù biết nó chỉ là một AI, nhưng đôi khi, nó giúp tôi cảm thấy được lắng nghe và cảm xúc của tôi được công nhận, điều mà con người không phải lúc nào cũng làm được", cô chia sẻ.

Theo một khảo sát năm 2024 của Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore, gần 1/3 thanh niên nước này (từ 15-35 tuổi) gặp các triệu chứng trầm cảm, lo âu hoặc căng thẳng.

Đáng lo ngại hơn, trong số 2.600 người tham gia khảo sát, có tới 1/4 cho biết họ trải qua các triệu chứng lo âu nghiêm trọng hoặc cực kỳ nghiêm trọng trong tuần trước khi khảo sát diễn ra.

Nur Adam, một chuyên gia trị liệu tại Trung tâm Tư vấn The good Life, nhận định việc ngày càng nhiều người sử dụng chatbot AI cho thấy một cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần và cảm xúc đang diễn ra.

Đối với Jessica, người đang thất nghiệp, những phản hồi có cấu trúc và hợp lý từ chatbot AI mang lại cảm giác ổn định. Cô gần như yên tâm hơn so với một cuộc gọi đêm khuya cho bạn bè, trong khi chi phí lại rẻ hơn nhiều so với việc trị liệu.

Jessica không phải là trường hợp duy nhất. Khi chi phí trị liệu ngày càng tăng và sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần vẫn còn, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, tìm đến chatbot để giải quyết nhanh chóng các vấn đề cảm xúc.

Dù là đối phó với việc chia tay hay những khó khăn trong sự nghiệp, những người bạn AI này đang định hình lại cách một số người đối mặt với căng thẳng và tổn thương.

AI trở thành "tuyến phòng thủ" đầu tiên của người trẻ

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực sức khỏe tinh thần. Năm 2020, quốc gia này ra mắt chatbot Wysa để ứng phó với những thách thức do đại dịch gây ra.

Chatbot này cung cấp cho người dùng các công cụ như thiền định, bài tập thở và những lời động viên, giúp họ quản lý các vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Theo Pranav Gupta, đại diện của Wysa, hơn 90% người dùng cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm về mặt cảm xúc và có thể thay đổi cách suy nghĩ sau khi sử dụng chatbot.

Nhiều người tìm đến Wysa để được hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong công việc và các mối quan hệ, vốn trở nên trầm trọng hơn do đại dịch.

Ông John Lim, Giám đốc phúc lợi tại Trung tâm Tư vấn Singapore, cho biết những chatbot này tạo ra một không gian không phán xét để mọi người tự do bày tỏ cảm xúc của mình.

Ông đã gặp nhiều người sử dụng chatbot AI như một công cụ hỗ trợ tinh thần, thường là bước đầu tiên trước khi tìm đến sự giúp đỡ từ chuyên gia, hoặc như một sự bổ sung cho liệu pháp tâm lý.

"Đối với những người chưa từng trải qua tư vấn, chatbot AI là một bước khởi đầu nhẹ nhàng để họ hiểu rõ hơn về hình thức hỗ trợ này", ông John Lim nói.

Trong khi đó, Nur Adam nhìn nhận do khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần truyền thống, mọi người tìm đến những giải pháp dễ dàng hơn, và chatbot AI cho phép họ viết ra cảm xúc và nhận được phản hồi.

Có thể thấy, chatbot AI đã trở thành "tuyến phòng thủ" đầu tiên cho một thế hệ đang vật lộn với sức khỏe tinh thần.

 Các chuyên gia nhận định AI không thể thay thế hoàn toàn liệu pháp trị liệu chuyên nghiệp. Ảnh: Shutterstock.

Các chuyên gia nhận định AI không thể thay thế hoàn toàn liệu pháp trị liệu chuyên nghiệp. Ảnh: Shutterstock.

Chatbot không thể thay thế nhà trị liệu

Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm đến chatbot để được đồng cảm. Vanessa, 32 tuổi, là một ví dụ. Cô dùng chatbot như một công cụ để sắp xếp suy nghĩ. Khi cân nhắc việc chuyển ra nước ngoài, cô đã tìm đến ChatGPT để xin lời khuyên.

"Tôi không tìm kiếm sự hỗ trợ cảm xúc từ chatbot, mà muốn có một công cụ tham khảo khách quan. Tôi đang trong quá trình tự khám phá bản thân để hiểu rõ hơn về sở thích trong công việc và các mối quan hệ", cô nói.

Cô coi ChatGPT như một trong nhiều công cụ hỗ trợ, bên cạnh trị liệu trực tiếp. Vanessa tin rằng không có gì có thể thay thế được việc trò chuyện trực tiếp với một nhà trị liệu.

Một nhà trị liệu giỏi có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết từng trường hợp, như liệu pháp EMDR để giúp giảm lo lắng.

Vanessa cho rằng dù chatbot vẫn còn những hạn chế, nhưng sự tiện lợi và giá cả phải chăng của nó là không thể phủ nhận, đặc biệt khi so sánh với các buổi trị liệu tư nhân có chi phí từ 80-300 SGD.

Jessica đồng tình với quan điểm này, nói rằng "người bạn" AI của cô gần như người thật.

"Tôi không tìm đến trị liệu tâm lý, nhưng khi trao đổi với những người đang điều trị, tôi thấy lời khuyên từ AI khá tương đồng với lời khuyên mà một nhà trị liệu đưa ra. Sự trung lập và cấu trúc rõ ràng của AI thực sự hữu ích", cô nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe tâm thần cảnh báo rằng dù chatbot AI mang đến sự hỗ trợ nhanh chóng, dễ tiếp cận và không phán xét, chúng vẫn không thể thay thế hoàn toàn liệu pháp trị liệu chuyên nghiệp.

Nur Adam so sánh chatbot với các nội dung ngắn gọn trên mạng xã hội. Chúng đều cung cấp lời khuyên dễ hiểu, sự trấn an và cảm giác được lắng nghe.

Nó mang lại sự tiện lợi và cảm giác kết nối nhất định nhưng vẫn thiếu chiều sâu, sắc thái và cảm xúc con người cần thiết cho quá trình chữa lành thực sự.

Bên cạnh đó, không ít những rủi ro tiềm ẩn như lời khuyên không chính xác, thiếu trách nhiệm giải trình, củng cố những thói quen xấu và khiến người dùng thuộc quá mức vào chatbot.

"Đã có những trường hợp chatbot đưa ra lời khuyên không hữu ích, thậm chí gây hại, chẳng hạn như khuyến khích các biện pháp đối phó tiêu cực hoặc không nhận ra tình huống khẩn cấp", ông John Lim nói.

Pranav Gupta cũng nhấn mạnh AI không nhằm mục đích thay thế trị liệu, mà là để hỗ trợ dễ tiếp cận hơn. Nó chỉ đóng vai trò bổ sung, lấp đầy khoảng trống, hỗ trợ giữa các buổi trị liệu và tiếp cận những người có thể không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ theo cách truyền thống.

"Tương lai của chăm sóc sức khỏe tinh thần không phải là sự cạnh tranh giữa AI và các nhà trị liệu, mà là sự hợp tác", Gupta nhận định.

Nur Adam đồng tình với quan điểm này, cho rằng chatbot có thể giúp bệnh nhân trút bỏ cảm xúc giữa các buổi trị liệu hoặc xử lý những cảm xúc khó khăn khi họ cảm thấy cô lập. Tuy nhiên, cô cũng cảnh báo rằng chúng ta không nên nhầm lẫn AI với sự kết nối thực sự.

"Rủi ro lớn nhất khi dựa vào AI để hỗ trợ sức khỏe tinh thần là ảo tưởng về sự kết nối. Mặc dù AI có thể tạo cảm giác như có ai đó đang lắng nghe và phản hồi, thay vì cảm giác bị bỏ rơi hay không được thấu hiểu, nhưng nó thiếu đi chiều sâu và sự tinh tế cần thiết cho quá trình chữa lành thực sự", cô nói.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tam-su-voi-ai-vi-cau-ay-kien-nhan-khong-phan-xet-post1540273.html