Tám thẩm phán sẽ quyết định số phận của Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Suk Yeol
Phiên điều trần chính thức đầu tiên trong vụ xét xử luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol đã kết thúc sau bốn phút ngày 14/1 do ông Yoon vắng mặt.
Diễn biến mới nhất
Theo hãng thông tấn Yonhap, Chánh án Moon Hyung-bae đã viện dẫn luật liên quan, thông báo phiên điều trần tiếp theo dự kiến diễn ra vào lúc 2 giờ chiều 16/1 và tòa sẽ tiếp tục phiên xét xử dù có mặt ông Yoon hay không.
Phiên điều trần ngày 14/1 diễn ra đúng một tháng sau khi Quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua đề xuất luận tội ông Yoon sau khi ông áp đặt thiết quân luật vào ngày 3/12/2024.
Luật sư của ông Yoon đã nói trước đó rằng ông sẽ không tham dự phiên điều trần. Lý do là lo ngại về an toàn cá nhân khi các nhà điều tra tìm cách bắt giữ ông vì các cáo buộc nổi dậy và lạm dụng quyền lực liên quan đến sắc lệnh thiết quân luật.
Chánh án Moon Hyung-bae cho biết tòa đã quyết định bác yêu cầu của ông Yoon về việc loại bỏ một trong tám thẩm phán (bà Chung Kye-sun) khỏi phiên xét xử. Quyết định này đã nhận được sự đồng thuận từ bảy thẩm phán còn lại.
Các luật sư của ông Yoon đã yêu cầu loại bỏ bà Chung Kye-sun với lý do lo ngại rằng công việc trước đây của bà có thể làm giảm khả năng đưa ra một phán quyết công bằng.
Luật sư của ông Yoon, ông Yun Gap-geun, nói với các phóng viên sau phiên điều trần: “Thật đáng tiếc khi yêu cầu của chúng tôi bị bác bỏ mà không có lý do rõ ràng. Tôi tin rằng một thẩm phán hiểu lẽ thường sẽ tự rút lui”.
Tòa án Hiến pháp có 180 ngày để quyết định xem có giữ nguyên hay bác bỏ vụ luận tội ông Yoon kể từ ngày tiếp nhận vụ việc vào ngày 14/12/2024.
Nếu vụ luận tội được giữ nguyên, ông Yoon sẽ bị cách chức và Hàn Quốc sẽ bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày. Nếu bị bác bỏ, ông sẽ được phục hồi chức vụ.
Khi được hỏi liệu ông Yoon có tham dự phiên điều trần vào ngày 16/1 không, luật sư Yun Gap-geun nói: “Chúng tôi sẽ quyết định sau khi xem xét toàn diện về tiến trình của phiên xét xử, các điều kiện trong tương lai và kế hoạch yêu cầu nhân chứng cũng như chứng cứ”.
Vai trò của 8 thẩm phán Tòa án Hiến pháp
Theo New York Times, Chánh án Moon Hyung-bae và bảy thẩm phán của Tòa án Hiến pháp sẽ là người quyết định cuối cùng về số phận của Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Trong bối cảnh Hàn Quốc khủng hoảng chính trị suốt 6 tuần qua, các nhóm đối lập đã tụ tập trong nhiều tuần, một số tụ tập bên ngoài tòa án, kêu gọi cách chức hoặc phục chức cho ông Yoon. Những nhân vật bảo thủ cứng rắn ở cả hai bên đã cảnh báo về nội chiến nếu tòa không đưa ra quyết định có lợi cho phe họ.
Nếu ông Yoon bị cách chức, đó sẽ là một đòn mạnh mẽ nữa giáng vào phe bảo thủ Hàn Quốc. Ông sẽ là tổng thống bảo thủ thứ ba liên tiếp bị cách chức, bị bỏ tù hoặc cả hai trước hoặc sau khi nhiệm kỳ kết thúc.
Theo ông Ha Sang-eung, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sogang ở Seoul, nếu ông Yoon được phục chức, điều đó có thể thiết lập một tiền lệ cho những nhà lãnh đạo tương lai sử dụng thiết quân luật làm công cụ chính trị
Ông Yoon đã tuyên bố sẽ chiến thắng tại Tòa án Hiến pháp. Luật sư Yun Gap-geun, nói: “Tổng thống Yoon sẽ tự bào chữa trước tòa bất cứ khi nào cần thiết”.
Tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon chỉ kéo dài sáu giờ sau khi bị các nhà lập pháp do phe đối lập dẫn đầu bác bỏ, nhưng đã gây bất ổn chính trị kéo dài.
Trong bối cảnh đó, những người có vai trò quyết định là các thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp. Quyết định của họ có thể giúp xoa dịu phần nào bất ổn hoặc có thể làm tăng thêm rối loạn nếu khiến người dân phẫn nộ.
Khi tình hình phân cực chính trị ở Hàn Quốc ngày càng sâu sắc trong những năm gần đây, Tòa án Hiến pháp đã xử lý ngày càng nhiều các vụ kiện mà chỉ mình tòa này có thể giải quyết: các quan chức, công tố viên và thẩm phán bị Quốc hội luận tội. Ông Yoon là tổng thống Hàn Quốc thứ ba trong hai thập kỷ qua bị luận tội.
Năm 2004, Tổng thống Roh Moo-hyun bị luận tội vì vi phạm luật bầu cử, nhưng ông đã được Tòa án Hiến pháp khôi phục chức vụ vì phán quyết rằng hành vi của ông không nghiêm trọng. Vào năm 2017, tòa này đã cách chức bà Park Geun-hye vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Ông Jung Ji Ung, chủ tịch một hiệp hội luật sư tại Gyeonggi, bình luận: “Khi đất nước đang trôi dạt mà không có người chèo lái hoặc không biết người chèo lái là ai, Tòa án Hiến pháp sẽ đưa đất nước trở lại quỹ đạo”.
Hàn Quốc có một Tòa án Tối cao riêng, nhưng đã thành lập Tòa án Hiến pháp vào năm 1987 để bảo vệ hiến pháp. Đặt tại khu phố cổ yên tĩnh của Seoul, tòa án này thường thu hút các nhà hoạt động đối lập cầm biểu ngữ và loa khi tòa sắp đưa ra các phán quyết mang tính lịch sử.
Năm 2005, tòa này đã bãi bỏ một tập tục lâu đời hàng thế kỷ cho phép trẻ em chỉ được mang họ cha. Năm 2009, tòa đã bỏ phiếu phản đối lệnh cấm biểu tình tập thể vào ban đêm, cho phép công dân tụ tập vào thời gian này để bày tỏ bất bình, như họ đã làm trong những tháng gần đây để ủng hộ hoặc phản đối ông Yoon. Năm 2015, tòa đã bãi bỏ luật hình sự hóa hành vi ngoại tình. Năm 2019, tòa đã bãi bỏ một luật 66 năm tuổi khiến việc phá thai trở thành một tội bị phạt tới hai năm tù giam.
Khi số lượng các vụ luận tội ngày càng tăng, Tòa án Hiến pháp đã trở nên quan trọng về mặt chính trị hơn và vai trò của 9 thẩm phán của tòa cũng tăng theo. Mỗi thẩm phán sẽ phục vụ nhiệm kỳ sáu năm. Ba người được tổng thống lựa chọn, ba người được chánh án Tòa án Tối cao lựa chọn và ba người được các đảng phái chính trị lựa chọn.
Hiện tại, tòa này có tám thẩm phán và một vị trí đang để trống. Trong đó, hai người đã được ông Yoon và đảng của ông lựa chọn; ba người được các chánh án Tòa án Tối cao tiền nhiệm và hiện tại lựa chọn; ba người được người tiền nhiệm của ông Yoon là ông Moon Jae-in và đảng Dân chủ lựa chọn.
Ông Yoon có thể bị cách chức nếu ít nhất sáu thẩm phán đồng ý, nhưng ông có thể không thể dựa vào sự ủng hộ của phe phái trong tòa án để cứu mình. Trước đây, các thẩm phán không phải lúc nào cũng luôn bỏ phiếu dựa trên người đã bổ nhiệm họ: Tòa này đã ra phán quyết thống nhất để cách chức bà Park, ngay cả khi một số người trong số họ do bà và đảng của bà bổ nhiệm.
Theo ông Bang Seung-Ju, Giáo sư tại Khoa Luật thuộc Đại học Hanyang ở Seoul, quyết định của Tòa án Hiến pháp sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các vi phạm hiến pháp và pháp luật trong hành động của ông Yoon. Tòa cũng sẽ cân nhắc xem cách chức hay phục chức gây bất lợi hơn cho trật tự hiến pháp và lợi ích quốc gia.
Các công tố viên nói rằng ông Yoon đã phạm tội nổi dậy khi điều động quân đội có vũ trang vào Quốc hội, ra lệnh cho họ chiếm lấy Quốc hội và bắt giữ những đối thủ chính trị của mình. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022, ông Yoon đã bị kẹt trong thế đối đầu với Quốc hội.
Theo các công tố viên, ông Yoon cũng vi phạm Hiến pháp khi cấm tất cả các hoạt động chính trị và đặt các phương tiện truyền thông dưới sự kiểm soát của quân đội.
Luật sư Yun Kab-keun đã chỉ trích những cáo buộc đó.
Ông Noh Hee-bum, cựu thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp, dự báo rằng Tòa án Hiến pháp sẽ cách chức ông Yoon sớm nhất là vào tháng 2 để giúp giảm bớt bất ổn chính trị và vì có đủ bằng chứng chống lại ông.