Tấm thẻ nhỏ, ý nghĩa lớn

Bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ là 'lá chắn' tài chính khi người dân không may bị ốm đau, bệnh tật, mà còn là nền tảng của hệ thống an sinh xã hội bền vững.

Bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, bị suy thận mạn chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: H.Dung

Bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, bị suy thận mạn chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: H.Dung

Tham gia BHYT giúp người dân chủ động chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng viện phí, nhất là khi bị bệnh nặng, bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời.

Chia sẻ gánh nặng khi ốm đau

Nhận thấy tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, từ nhiều năm nay, cả 6 người trong gia đình bà Phan Thị Gia (ngụ ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến) đã tham gia BHYT.

Bà Gia cho biết, vợ chồng bà đã lớn tuổi, thường xuyên phải đến bệnh viện thăm khám, điều trị với kinh phí từ 1-2 triệu đồng/tháng. Mặc dù đây là số tiền không lớn nhưng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại ở vùng sâu, vùng xa như gia đình bà, để có được số tiền đó không phải dễ. Nhờ tham gia BHYT mà vợ chồng bà Gia không phải quá lo lắng về khoản chi phí này.

Năm 2025, tỉnh Đồng Nai được Chính phủ giao dự toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT hơn 4,4 ngàn tỷ đồng. Kết quả 6 tháng đầu năm đã sử dụng hơn 2,2 ngàn tỷ đồng, đạt 51,6% tổng dự toán.

Tương tự, gần 15 năm nay, ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ xã Đồng Phú) được các con chủ động mua BHYT để chăm sóc sức khỏe, phòng khi ốm đau. Năm 2017, ông Tiến không may bị tai nạn giao thông, sau đó xuất hiện nhiều chứng bệnh do tuổi cao, sức yếu. Bình quân mỗi năm, ông Tiến điều trị bệnh hết khoảng 50 triệu đồng, nhưng nhờ tham gia BHYT, được Quỹ BHYT chi trả phần lớn nên ông Tiến chỉ tốn một khoản chi phí không đáng kể.

Cách đây hơn một tháng, ông H.Đ.K. (46 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp) trải qua cơn “thập tử nhất sinh” vì bị bệnh nhồi máu cơ tim nặng. Mặc dù ông K. được đưa đến bệnh viện trễ nhưng với đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao, máy móc trang thiết bị hiện đại, các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đã hợp sức cứu sống ông K. bằng kỹ thuật ECMO. Tổng viện phí điều trị bệnh của ông K. trong hơn một tháng là hơn 700 triệu đồng. Nhờ tham gia BHYT mà ông K. được quỹ BHYT chi trả hơn 300 triệu đồng, còn lại gia đình chi trả.

“Tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày bị nhồi máu cơ tim nặng như vậy, vì trước đó sức khỏe của tôi bình thường. Rất may, nhờ tham gia BHYT nhiều năm liên tục nên tôi được quỹ chi trả số tiền lớn, lớn hơn nhiều lần so với số tiền tôi bỏ ra mua BHYT hàng năm” - ông K. tâm sự.

Còn bà P.T.N. (ngụ xã Xuân Lộc) bộc bạch, bà bị suy thận mạn suốt 7 năm qua. Bác sĩ cho biết bà phải chạy thận suốt đời để đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, nếu không tham gia BHYT, gia đình bà không thể gánh vác nổi khoản viện phí này.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực XXVIII, tính đến nay, toàn tỉnh có gần 4 triệu người tham gia BHYT, đạt 91,6% dân số trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2025, có nhiều bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả số tiền từ 100 triệu đồng trở lên. Như bệnh nhân N.H.A. (17 tuổi, ngụ xã Cẩm Mỹ, bị rối loạn tri giác, nhiễm trùng huyết, tăng ure huyết, tổn thương thận cấp, phải thở máy) được chi trả hơn 414 triệu đồng; ông L.V.Đ. (94 tuổi, ngụ phường Tân Triều, bị viêm phổi, suy hô hấp cấp, hạ kali máu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) được chi trả hơn 391 triệu đồng…

100% cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã triển khai đăng ký khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID, VssID. Qua đó nhằm tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

Hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân

Phó giám đốc BHXH khu vực XXVIII Nguyễn Thị Quy cho biết, hiện có 145 cơ sở y tế trong tỉnh (gồm 41 cơ sở công lập, 104 cơ sở ngoài công lập) tham gia khám, chữa bệnh BHYT. 6 tháng qua, Quỹ BHYT đã chi trả hơn 2,2 ngàn tỷ đồng cho hơn 4,7 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT trong toàn tỉnh.

Lãnh đạo BHXH khu vực XXVIII nhấn mạnh, BHYT là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định đời sống người dân, giảm thiểu những bất ổn xã hội do ốm đau, bệnh tật gây ra, đặc biệt với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn.

“Trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng mong muốn bản thân và gia đình mình luôn khỏe mạnh. Nhưng khi rủi ro ốm đau, tai nạn bất ngờ ập đến thì BHYT sẽ là “người bạn đồng hành” giúp san sẻ nỗi lo về tài chính để chữa bệnh cho người dân. Đã có những trường hợp được Quỹ BHYT chi trả lên đến hàng tỷ đồng/năm. Đây là số tiền không tưởng đối với rất nhiều gia đình” - bà Nguyễn Thị Quy nhấn mạnh.

Nhằm hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, thời gian qua, ngành bảo hiểm đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ những lợi ích to lớn của việc tham gia BHYT và tích cực tham gia. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh có thẻ bảo hiểm.

Đặc biệt, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Đến nay, đã có hơn 135,8 ngàn người thuộc các đối tượng như: người dân tộc thiểu số, người mắc bệnh hiểm nghèo, người từ 70-79 tuổi, học sinh khuyết tật học hòa nhập và học sinh tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai… được cấp thẻ BHYT theo nghị quyết trên.

BHXH khu vực XXVIII đang xây dựng phương án tham mưu các sở, ngành, UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ đóng BHYT cho người dân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Hạnh Dung - Vũ Thuyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202506/tam-the-nho-y-nghia-lon-a851b24/