Tầm thế ông chủ của đại gia Tuấn 'mượt': Từ Gelex đến Viglacera...
Đại gia Nguyễn Văn Tuấn (nhiều thành viên thị trường vẫn quen gọi là Tuấn 'mượt') đã 2 lần gây chấn động thị trường với các thương vụ M&A nghìn tỷ, thâu tóm lượng lớn cổ phần ở 2 tổng công ty khủng có 'gốc' Nhà nước, là Gelex và Viglacera. Trên thị trường, ông Tuấn đang được thừa nhận như ngôi sao xuất sắc nhất thế hệ 8x, hãy nhìn cách doanh nhân trẻ này tạo lập và làm chủ cuộc chơi...
Dấu ấn tại Gelex
Năm 2019, Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (viết tắt: Gelex - Mã CK: GEX) báo lãi sau thuế cả đạt 857,4 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với năm trước, dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng tới 11,7%.
Kết quả kinh doanh của Gelex năm ngoái nhiều khả năng sẽ bớt phần ảm đạm hơn nếu không có sự cố nước sạch Sông Đà khiến công ty con của tập đoàn là CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco - Mã CK: VCW) phát sinh chi phí khắc phục và miễn thu tiền nước 1 tháng đối với khách hàng.
Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Gelex đạt mức 21.258,4 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2015 - thời điểm mà Bộ Công thương thoái toàn bộ số cổ phần chi phối (78% vốn điều lệ) tại Gelex để nhường bước cho nhóm nhà đầu tư có liên quan đến vị doanh nhân trẻ tuối Nguyễn Văn Tuấn (Tuấn “mượt”, SN 1984).
Dưới sự chèo lái của vị doanh nhân thế hệ 8x Nguyễn Văn Tuấn (trên cương vị Tổng Giám đốc từ tháng 9/2016 và Chủ tịch HĐQT từ tháng 1/2018), Gelex trở thành tập đoàn đa ngành với loạt thương vụ M&A đình đám tại Sotrans, Sowatco, Viwasupco,…
Cũng phải nói thêm rằng, nếu không có sự cố nước sạch Sông Đà xảy ra tại Viwasupco, phần đông công chúng vẫn khó hình dung được tài năng và bản lĩnh của vị doanh nhân trẻ tuổi, vốn đình đám trên thương trường nhưng lại có phần kín tiếng trên truyền thông.
Quá trình tái cấu trúc Gelex được ông Tuấn thúc đẩy với 4 lĩnh vực chính, bao gồm: sản xuất kinh doanh thiết bị điện, kinh doanh bất động sản, năng lượng và logistics.
Trong lĩnh vực bất động sản, năm 2018, Gelex thành lập Công ty TNHH MTV Gelex Land để làm đầu mối, tối ưu hóa quỹ đất của tổng công ty và các đơn vị thành viên.
Được biết, Gelex thực hiện đầu tư vào các dự án bất động sản đáng chú ý như: Tòa nhà 52 Lê Đại Hành, dự án số 10 Trần Nguyên Hãn hay việc nắm giữ cổ phần tại Khách sạn Melia.
Quy mô tài sản, hiệu quả kinh doanh hợp nhất của Gelex giai đoạn 2014 - 2019 (Nguồn: PV Tổng hợp)
(*) Số liệu năm 2019 chưa kiểm toán
Mối quan tâm của doanh nhân Tuấn “mượt” tới lĩnh vực bất động sản còn thể hiện qua thương vụ thâu tóm cổ phần tại Tổng Công ty Viglacera (Mã CK: VGC) cũng không kém phần ồn ào.
Chiếc “ghế” Chủ tịch Viglacera
Thông qua Gelex, từ cuối tháng 2/2019, nhóm nhà đầu tư liên quan tới ông Nguyễn Văn Tuấn đã công khai sở hữu gần 44 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 9,8% vốn của Viglacera. Tỷ lệ sở hữu của nhóm Gelex tăng mạnh lên 24,96% sau đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng tại Viglacera vào cuối tháng 3/2019.
Cho dù Bộ Xây dựng đã không còn nắm lượng cổ phần chi phối, khi giảm tỷ lệ sở hữu từ 53,97% xuống chỉ còn 38,58%, thương vụ thâu tóm Viglacera của ông Nguyễn Văn Tuấn mới chỉ hoàn tất được một phần. Bởi lẽ, ngoài phần vốn của Bộ Xây dựng (38,58%), còn hơn 12% vốn của Viglacera được nắm giữ bởi các nhà đầu tư ngoại.
Dù vậy, với việc đưa được người vào tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT, Gelex cũng phần nào thể hiện được tầm ảnh hưởng tại Viglacera. Đặc biệt là khi phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) của Viglacera (ngày 26/6/2019) diễn ra không lâu sau đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng. Những diễn biến trong phiên họp phần nào phản ánh tầm ảnh hưởng của nhóm cổ đông Gelex.
Tại thời điểm đó, do chưa nắm giữ cổ phần liên tục trong 6 tháng, nên theo quy định, nhóm Gelex không được đề cử người vào HĐQT Viglacera. Tuy nhiên, nhóm cổ đông này vẫn có 2 đại diện trong HĐQT nhiệm kỳ mới bằng “con đường” khác.
Cụ thể, với số cổ phần còn lại tại Viglacera, Bộ Xây dựng có thể đề cử 3 người theo điều lệ, nhưng chỉ đề cử 2 người là các ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Trần Ngọc Anh. Trong khi đó, ông Luyện Công Minh được một nhóm cổ đông sở hữu 23,27 triệu cổ phần (5,19% vốn) đề cử.
Hai vị trí còn lại, được HĐQT nhiệm kỳ cũ giới thiệu 2 ứng viên là ông Nguyễn Văn Tuấn (Chủ tịch HĐQT Gelex) và bà Đỗ Thị Phương Lan (Phó Chủ tịch HĐQT Gelex).
Đáng chú ý, việc giới thiệu hai ứng viên này dựa trên văn bản đề cử của nhóm cổ đông sở hữu 147,548 triệu cổ phần (chiếm 32,91% vốn) Viglacera tại ngày 19/6/2019. Cần biết rằng, văn bản này chỉ mang tính đề xuất, bởi nhóm Gelex chưa sở hữu cổ phiếu VGC đủ thời gian quy định để tự đề cử.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy, 2 đại diện của Bộ Xây dựng là ông Trần Ngọc Anh có 308 triệu phiếu, ông Nguyễn Anh Tuấn có 458 triệu phiếu, ông Luyện Công Minh có 268,3 triệu phiếu. Trong khi đó, 2 đại diện của Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn và Đỗ Thị Phương Lan có lần lượt 588,2 triệu phiếu và 193,2 triệu phiếu bầu.
Phiên họp HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 diễn ra sau đó đã bầu ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT Viglacera. Để quyết định này được thông qua, phải cần ít nhất 3/5 Thành viên HĐQT chấp thuận.
Việc nhận được sự đồng thuận từ các cổ đông tại Viglacera là tiền đề quan trọng để ông Nguyễn Văn Tuấn không những mở rộng hoạt động kinh vật liệu xây dựng, mà còn tọa điều kiện đầu tư vào các dự án bất động sản lớn, khai thác quỹ đất khủng mà tổng công ty này đang sở hữu.
Trong lĩnh vực bất động sản, theo tìm hiểu của VietTimes, nhóm chủ của Gelex cũng có sự hợp tác sâu sắc với nhóm Refico của doanh nhân Trần Quyết Thắng. Ngoài ra, nhóm Refico cũng là đối tác lâu năm với Bản Việt Group của bà Nguyễn Thanh Phượng, điển hình là dự án The Nexus tọa lạc tại số 3A-3B Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP.HCM).
Được biết, CTCP Chứng khoán Bản Việt từng là nhà đầu tư chiến lược mua vào lượng lớn cổ phần Gelex cuối năm 2015. Tuy nhiên, sau khi thời gian hạn chế giao dịch vừa dứt, nhà đầu tư này đã sang tay số cổ phần cho nhóm của ông Nguyễn Văn Tuấn.
Trở lại với Viglacera, vị thế của vị doanh nhân 8x nhiều khả năng sẽ còn được củng cố thêm khi Bộ Xây dựng vẫn đang có kế hoạch thoái hết vốn tại đây, còn nhóm Gelex đang nắm giữ nhiều lợi thế trong cuộc đua giành quyền chi phối./.