Tấm thổ cẩm đa năng

Ngoài khố, váy và áo, đồng bào Tây Nguyên có tấm khoác/choàng bằng thổ cẩm. Đây là y phục tối cổ đặc trưng cho hầu hết các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Nó là một tấm vải màu chàm đậm, trang trí hoa văn, dùng cho cả nam lẫn nữ lúc trời lạnh và trong một số nghi thức.

Trang phục truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên khá đơn giản. Trong những ngày thường và khi lao động, đàn ông đóng khố, cởi trần; đàn bà mặc những chiếc váy che quấn và váy ống che từ ống chân lên đến thắt lưng. Vào dịp lễ hội, trang phục của đồng bào thường có hoa văn và màu sắc đẹp hơn kèm theo là những chiếc vòng bằng bạc hoặc đồng. Ngoài ra, đồng bào Tây Nguyên có tấm khoác/choàng bằng thổ cẩm đặc trưng với màu chàm đậm, trang trí hoa văn, dùng trong những lúc trời lạnh và một số nghi thức.

Tấm khoác của đàn ông thường rộng và dài hơn nhiều lần so với tấm khoác của phụ nữ, được quấn thành những lớp dày, che kín thân thể, đặc biệt là khu vực vai và ngực. Tấm khoác của phụ nữ hẹp và ngắn hơn, được khoác lên vai, thả dài xuống lưng, buộc cố định về trước ngực để giữ ấm vai, lưng và một phần phía ngực. Ở những gia đình khá giả, vào những ngày lễ, Tết, hội hè, các thành viên thường sử dụng những chiếc váy, khố, tấm khoác có nhiều hoa văn trang trí bằng sợi màu, mới và đẹp hơn ngày thường.

Các cô gái dân tộc Xê Đăng với tấm khoác thổ cẩm trong cuộc trình diễn trang phục truyền thống. Ảnh: Tấn Vịnh

Các cô gái dân tộc Xê Đăng với tấm khoác thổ cẩm trong cuộc trình diễn trang phục truyền thống. Ảnh: Tấn Vịnh

Trong khi khố là trang phục không thể thiếu của người đàn ông thì tấm choàng lại là một loại trang phục bổ sung được dùng như một “dụng cụ đa năng”. Nó có thể quấn thay khố, gấp nhỏ lại buộc quanh lưng thành thắt lưng và quấn quanh đầu thành tấm khăn, choàng qua vai thành tấm choàng, gập đôi khoét lỗ thành áo chui đầu. Đó là một mảnh vải biến hóa và mang nhiều chức năng. Tương truyền rằng, trong đoàn quân Tây Sơn theo Nguyễn Huệ vào Thăng Long đại phá quân Thanh, có nhiều người Thượng làm quản tượng. Họ mặc trên mình tấm choàng theo kiểu chiến binh vừa theo lối truyền thống ở quê nhà vùng Tây Sơn Thượng đạo. Các gru ở Buôn Đôn cũng thường khoác tấm choàng này để bảo vệ cơ thể khi đi săn voi trong rừng sâu.

Đối với người Giẻ Triêng ở Bắc Tây Nguyên, tấm khoác là một phần rất quan trọng. Những khi trời ấm và tham gia lao động, sinh hoạt trong gia đình chỉ có những người thân quen ở xung quanh, họ chỉ quấn váy che từ ống chân lên tới thắt lưng như các tộc người khác. Nhưng khi trời lạnh hoặc tham gia lao động, sinh hoạt với cộng đồng, nơi có sự tham gia của người lạ, họ quấn váy che từ gót chân lên tới nách, che kín thân thể. Đây là một loại váy và cách mặc váy khá độc đáo của cộng đồng cư dân này. Đặc biệt, trong các dịp lễ hội, khi biểu diễn đinh tuk-một loại nhạc cụ làm bằng ống nứa-những người đàn ông Giẻ Triêng thường khoác tấm áo choàng kín người, chỉ chừa đầu và một tay để thổi khèn đinh tuk. Tấm khoác còn là “đạo cụ” không thể thiếu của phụ nữ khi tham gia điệu múa xoang xung quanh cây nêu trước sân nhà rông. Lúc múa, tấm khoác có thể choàng vào thân người tạo nét dịu dàng, nữ tính của các cô gái, có thể linh hoạt tháo ra cầm ở hai đầu mép vải, tấm vải nhẹ nhàng chuyển động theo nhịp điệu tạo thành dòng suối thổ cẩm tươi tắn sắc màu.

Tấm khoác là loại trang phục truyền thống mang dấu ấn riêng của các tộc người như Giẻ Triêng, Jrai, Bahnar, Xê Đăng... Với cách sử dụng linh hoạt và tính đa năng của nó, tấm khoác là di sản văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. Đó cũng là sản phẩm thổ cẩm mang hồn cốt của rừng núi đại ngàn, thích hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường sống và đa năng trong mục đích sử dụng. Tấm thổ cẩm này không những được đồng bào sử dụng phổ biến trong lễ hội mà còn được xem như đóa hoa rừng trang điểm cho các cô gái.

TẤN VỊNH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202202/tam-tho-cam-da-nang-5767167/