Tâm tình người lính trong tâm dịch

Sẵn sàng vượt qua khó khăn, vất vả, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã và đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19, góp phần cùng các địa phương vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Những người lính cặm cụi sơ chế thực phẩm để nấu bữa ăn miễn phí “chi viện” cho tuyến đầu.

Những người lính cặm cụi sơ chế thực phẩm để nấu bữa ăn miễn phí “chi viện” cho tuyến đầu.

Sức mạnh mới để đối đầu với COVID

Có thể nói, trong những tháng qua, cả nước đã dành mọi nguồn lực hướng về các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Ngay trong lúc diễn biến dịch hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế của các địa phương, Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) đứng chân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã cùng với nhiều đơn vị trong toàn quân “chi viện” lực lượng cho tuyến đầu. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị xác định, giúp nhân dân chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình, “chống dịch như chống giặc”, giúp nhân dân bằng trách nhiệm, tình cảm của người quân nhân.

Khoảnh khắc 12 giờ trưa ngày 23/8/2021 có lẽ khó mà quên được trong tâm trí mỗi cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 309. Giữa khán đài - nơi diễn ra Lễ xuất quân tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, bài Quốc ca đã rền vang. Gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ hướng về Quốc kỳ, thể hiện tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 giao.

Trong lễ xuất quân, Đại tá Lê Khắc Huy - Chính ủy Sư đoàn đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đồng lòng quyết tâm phòng chống dịch COVID-19” với 5 nội dung, chỉ tiêu phấn đấu. Đồng chí nhấn mạnh: “Những khó khăn có thể gặp phải là thực hiện nhiệm vụ dài ngày, nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm cao, công tác đảm bảo của địa phương có thể chưa kịp thời. Từ đó mỗi cán bộ, chiến sĩ phải xác định tốt tư tưởng gắn với các biện pháp cụ thể thực hiện thắng lợi phong trào thi đua”.

Các anh gõ cửa từng nhà mang thực phẩm, thuốc men đến phát, tặng miễn phí cho bà con.

Các anh gõ cửa từng nhà mang thực phẩm, thuốc men đến phát, tặng miễn phí cho bà con.

Vừa đặt chân xuống “vùng đỏ” là các Quận 8, 11, Tân Bình của TP Hồ Chí Minh, như tác phong thường nhật của người quân nhân, mỗi đồng chí nhanh chóng ổn định nơi ăn ở. Tuy nhiên, trên mặt trận hết sức cam go này, dù đã được chuẩn bị tâm lý hết sức kỹ lưỡng, thế nhưng thật khó tránh khỏi sự lo lắng ở đâu đó trong tâm trí, nét mặt của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là các chiến sĩ mới với tuổi đời còn rất trẻ.

Còn với các đồng chí lớn tuổi, sự lo lắng được gọi tên rõ hơn, đó là sợ bản thân bị nhiễm bệnh, sẽ trở thành gánh nặng cho địa phương. Nhưng những điều đó nhanh chóng vụt tắt khi lực lượng của Sư đoàn nhìn thấy ánh mắt mỏi mệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương sau những ngày dài căng mình cùng nhân dân chống dịch. Quân đội tới đã mang đến cho lực lượng chức năng địa phương sức mạnh mới để đối đầu với COVID.

Quân phục màu xanh thân quen với dân

Không quản ngại ngày đêm, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ trên các hướng mũi làm tất cả mọi công việc với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Sư đoàn 309 đã thành lập 18 tổ tuyên truyền đặc biệt có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương chống dịch, đặc biệt là Chỉ thị 16 của Chính phủ và quy định “5K”. Tham gia trực chốt kiểm soát trên địa bàn cùng với lực lượng công an với 72 điểm chốt; tiến hành hơn 2.000 lượt tuần tra trên địa bàn 3 quận.

Trung tá Trần Văn Hiền, trợ lý tuyên huấn Sư đoàn dù hơn 50 tuổi rồi vẫn tình nguyện gia nhập lực lượng chống dịch. Vì được rèn luyện thường xuyên trong quân ngũ nên dù công việc bốc xếp hàng hóa nặng nhọc, liên tục cả ngày nhưng đồng chí Hiền vẫn đảm đương tốt, ai cũng nể phục. Nhìn đồng chí kín mít trong bộ đồ bảo hộ, thân hình to cao, tích cực khiêng vác nhu yếu phẩm, khó ai đoán được đó là một quân nhân đã có cháu ẵm bồng rồi. Ở nhà, vợ của đồng chí cũng đang tham gia chống dịch với vai trò là một nhân viên y tế của địa phương.

Những người lính thắp hương cho đồng đội, đồng bào của mình đã ngã xuống vì COVID.

Những người lính thắp hương cho đồng đội, đồng bào của mình đã ngã xuống vì COVID.

Trung tá Hiền kể, có khi 10, 11 giờ đêm còn khiêng gạo của các nhà hảo tâm chuyển đến địa phương. Chợp mắt được ba tiếng rồi thức dậy để trực chốt trên các trục đường chính. Có nhiều lúc rất mệt mỏi, nhưng nhìn thấy tất cả lực lượng từ chính quyền, đoàn thể địa phương, nhân viên y tế, tình nguyện viên hối hả dốc mọi sức lực để dập dịch, thì bản thân như có thêm động lực để tiếp tục làm việc.

Trong gần hai tháng, Sư đoàn đã cũng với lực lượng địa phương vận chuyển hơn 250.000 túi an sinh; 10.000 túi thực phẩm đi chợ hộ; 61.000 túi thuốc F0; bốc xếp 12.000 tấn lương thực, hàng hóa, rau, củ, quả.

Quân số thực hiện nhiệm vụ đông, phân tán nhiều nơi, đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm rất cao; chính vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hết sức lo lắng. Tranh thủ thời gian quân số tập trung, thời gian nhàn rỗi, chỉ huy các đơn vị luôn quán triệt sâu kỹ cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nắm chắc diễn biến phức tạp và hậu quả khó lường của dịch bệnh; xây dựng quyết tâm cao, tinh thần chủ động khắc phục khó khăn về thời tiết, cường độ công việc cũng như nguy cơ nhiễm bệnh, từ đó có biện pháp tự phòng tránh, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật, các quy định của địa phương, thực hiện đúng 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, không để xảy ra vi phạm kỷ luật dân vận.

Trên khắp các ngả đường, tuyến phố, ngõ hẻm, khu dân cư của thành phố, hình ảnh những chàng trai mang quân phục màu xanh trở nên thân quen với người dân. Có thể nhiều bạn nhỏ mới chỉ nhìn thấy chú bộ đội qua sách giáo khoa, nay đã được tận mắt nhìn thấy chú bộ đội mặc đồ rằn ri bằng da bằng thịt, hòa đồng, cởi mở, thân thiện và lễ phép với người dân.

Vượt qua nỗi đau để hoàn thành nhiệm vụ

Nhưng, dù có bản lĩnh sắt đá đến đâu, quân nhân cũng là một người có trái tim, có tình cảm, có mái ấm gia đình của riêng mình. Những ngày đầu tháng 9/2021, Đại úy Bùi Mạnh Hà, trợ lý công tác quần chúng Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 đang làm nhiệm vụ trong cao điểm chống dịch thì nghe tin cha ở quê nhà qua đời. Không thể về chịu tang cha, đồng chí phải nén nỗi mất mát, bái vọng cha từ xa. Anh em đồng đội tổ chức lập bàn thờ để đồng chí tưởng nhớ cha ngay tại trụ sở ban chỉ huy quân sự phường 2, Quận 8.

Cùng trung đoàn với đồng chí Hà, chiến sĩ Âu Chí Hải cũng gánh chịu nỗi đau mất người thân, nỗi đau chồng chất nỗi đau vì đại dịch COVID-19. Cả nhà đồng chí Hải đều bị nhiễm, ông nội đã không qua khỏi. Vì quá đau buồn, bà nội Hải cũng đột ngột qua đời vì nhồi máu cơ tim. Đau đớn hơn, chỉ không ít ngày sau, Hải nhận được tin mẹ mình qua đời do dịch bệnh.

Ở đơn vị, Hải như gục ngã không thể gượng dậy nổi. Thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát và tình mẫu tử thiêng liêng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã gặp gỡ, động viên để gia đình và cá nhân đồng chí Hải hiểu, chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước, quân đội và nhiệm vụ của đơn vị. Đơn vị đã lập bàn thờ để Hải bái biệt người thân lần cuối, làm tròn đạo hiếu.

Và còn rất nhiều quân nhân khác nữa vừa thực hiện nhiệm vụ giúp dân chống dịch, vừa phải kìm nén nỗi đau mất mát người thân. Người lính trong thời bình có những hi sinh thầm lặng như thế.

Với sự chung tay, đồng thuận, đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chúng ta bước đầu đã đạt được kết quả rất quan trọng, hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, dần bước vào trạng thái bình thường mới. Sau gần hai tháng thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân TP Hồ Chí Minh trên tuyến đầu chống dịch, đến ngày 14/10/2021, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 đã trở về đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đại tá Dương Văn Quang, Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, người trực tiếp chỉ huy lực lượng của Sư đoàn trên tuyến đầu không khỏi bùi ngùi, xúc động khi kể về gần 60 ngày đêm gian nan chống dịch. Đồng chí cho biết: “Cuộc chiến này chúng ta thấy được nhiều điều, nhưng điều tự hào nhất đó là sự đồng lòng, đồng sức của chính quyền và nhân dân địa phương, sự hỗ trợ đắc lực của các lực lượng trên tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, trong đó có lực lượng Quân đội...

Trong cuộc chiến cam go, quyết liệt này, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 309 đã cùng với toàn quân phát huy truyền thống vẻ vang, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Thiếu úy Nguyễn Hồng Phúc, chiến sĩ Sư đoàn 309 tâm sự thêm về kỷ niệm đáng nhớ của mình. Đó là một mùa trung thu đặc biệt giữa lòng thành phố. Không tiếng trống múa lân, không tập trung liên hoan... thế nhưng hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn lại được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 cùng các lực lượng của địa phương phát lồng đèn – một biểu tượng không thể thiếu của Tết Trung thu. Các em nhỏ tỏ ra rất thích thú vì món quà tuy giản dị nhưng có ý nghĩa rất đặc biệt trong thời điểm này.

Tham gia trao quà, đồng chí Phúc cảm thấy rất xúc động vì không ít em nhỏ vừa mồ côi cha, mẹ trong đợt dịch này. Các em còn quá nhỏ để cảm nhận sự mất mát ấy. Điều đó càng khiến cho Phúc và đồng đội cảm thấy phải nỗ lực gấp nhiều lần hơn nữa, chung tay góp sức đẩy lùi giặc COVID-19 quá tàn nhẫn này. Trực tiếp chứng kiến sự mất mát về nhân mạng, mỗi quân nhân tự cảm thấy việc mình xa gia đình mấy tháng trời, hoãn cưới vợ, không thể bên vợ lúc trở dạ, sinh con để làm nhiệm vụ... là những thiệt thòi hết sức nhỏ bé.

Lương Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tam-tinh-nguoi-linh-trong-tam-dich-post439408.html