Tâm tư giáo viên biệt phái: Nhẹ nhàng và gian khổ

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay thật đặc biệt với chị.

Cô trò Trường THCS Sơn Kim hân hoan đón ngày mới. Ảnh: NVCC

Cô trò Trường THCS Sơn Kim hân hoan đón ngày mới. Ảnh: NVCC

Chị nghĩ suy nhiều hơn về nghề mình, về các đồng nghiệp của mình, đặc biệt là về các thầy cô giáo được điều động, biệt phái đến với những ngôi trường xa xôi.

Vậy là đã hơn hai tháng chị đến với môi trường làm việc mới, một ngôi trường vùng biên giới cách nhà 40 km. Chị đã khá thích nghi với thời khóa biểu dậy sáng sớm và về muộn cuối ngày. Các con chị cũng quen dần với sự vắng mặt của mẹ vào ban ngày; muốn tâm sự hay hỏi thêm bài chỉ đợi vào buổi tối.

Sau 4 năm học đại học, chị may mắn được phân công về công tác tại ngôi trường gần nhà. Sau đó, chị lập gia đình, lần lượt sinh 3 đứa con, thấm thoắt cũng đã hơn 15 năm trong ngành. Khoảng gần 5 năm trở lại đây, huyện nhà có chương trình biệt phái, điều động giáo viên đến công tác ở vùng sâu, vùng xa để giải quyết bài toán thiếu nhân sự.

Các anh chị, bạn bè đồng nghiệp lúc đầu hơi bất ngờ, nhưng sau đó đều đồng lòng hưởng ứng, sẵn sàng đến với những ngôi trường vùng biên, cách nhà gần nhất là 15 km, xa nhất 40 km. Chị rất ngưỡng mộ nhiều anh chị hoặc tình nguyện, hoặc sẵn sàng và vui vẻ thực hiện công lệnh điều động của cấp trên. Nhưng lúc đó, con gái thứ 2 của chị vừa mới sinh nên chị vẫn chưa đi.

Năm nay, con trai út của chị mới chỉ 31 tháng, tất nhiên chị cũng chưa thuộc trong danh sách điều động đi xa. Nhưng hiểu những khó khăn của cấp trên, chia sẻ với những trăn trở của ngành, chị quyết định sẽ xung phong đi tăng cường ở nơi xa nhất của cấp học THCS.

Khi chị vừa ngỏ ý với chồng, anh lập tức phản đối, vì cả ba đứa con còn nhỏ, đứa út lại chưa đến tuổi đến trường, hai bên nội ngoại đều cha già, mẹ yếu. Tất nhiên, chị hiểu được nỗi lòng của anh. Với một người vợ, người mẹ với ba đứa con nhỏ, sáng sớm hơn 5 giờ sáng ra khỏi nhà, về nhà gần 6 giờ chiều thì có bao vấn đề phải lo.

Một mình anh với công việc, với các con ăn, đón đưa con đến trường có chu toàn được không. Chị kiên trì nói chuyện để chồng hiểu, chia sẻ những khó khăn chung. Thực ra, đi làm xa chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với ở gần. Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh và đều phải thay đổi, thích nghi với khó khăn của công việc.

Chị vốn là người ưa hoạt náo nên rất hay tham gia các phong trào. Ở nhà thờ, ở thôn xóm hay ở nhà trường, mỗi khi có dịp, chị đều tham gia vào đội văn nghệ hay người dẫn chương trình. Sân khấu cùng ánh đèn lung linh, lời ca, điệu múa, kịch bản, lời dẫn đã trở nên rất quen thuộc, nhưng hôm nay chị có cảm giác rất lạ.

 Thật hạnh phúc khi được đến với điểm trường biên giới. Ảnh: NVCC

Thật hạnh phúc khi được đến với điểm trường biên giới. Ảnh: NVCC

Trong lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, chị vừa làm MC, vừa tham gia vào đội múa ở đây, nơi có hơn 40 đồng nghiệp và 700 học trò vùng biên giới tại ngôi trường cách nhà 40 cây số chị vừa nhận công tác. Bài hát “Một đời người, một rừng cây” vang lên, trong tim chị dạt dào bao cảm xúc khó diễn tả thành lời:

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng

Gian khổ biết dành phần ai

……………………

Chân lý thuộc về mọi người

Không chịu sống đời nhỏ nhoi

Xin hát về bạn bè tôi

Những người sống vì mọi người”.

Chị nghĩ về rất nhiều những anh chị đồng nghiệp của mình trên mọi miền Tổ quốc đang ngày ngày trèo đèo, lội suối, băng rừng bám lớp, bám trường. So với họ, chị cảm thấy mình và các anh chị, bạn bè đồng nghiệp trong huyện nhà vẫn còn thuận tiện hơn.

Dù phải công tác xa hơn một chút, nhưng cuối ngày vẫn có thể về với chồng con. Chị nghĩ về các em học sinh, có thể cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, vẫn đang miệt mài trên hành trình đi tìm ánh sáng tri thức. Từ đó, chị nhận ra rằng, chương trình điều động, biệt phái của huyện nhà thật hợp lý.

Suốt 5 năm, các điểm trường Sơn Kim, Sơn Hồng, Sơn Tây, Tây Sơn, Sơn Lĩnh xa xôi nhất trong huyện không còn cảnh thiếu hụt giáo viên. Các em học sinh đến trường được học đầy đủ các môn, với những thầy cô tâm huyết, sẵn sàng đưa hết chuyên môn, lương tâm và trách nhiệm.

Trong đó, có không ít anh chị đồng nghiệp cốt cán, vừa phải đảm nhận trách nhiệm nặng nề với chất lượng mũi nhọn bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh, nhưng vẫn sẵn sàng đi liên trường tăng cường ở những ngôi trường bạn còn thiếu hụt.

Chị ngẫm ra rằng, sự lựa chọn của mình thật đúng đắn. Xung phong đến công tác một ngôi trường vùng biên, chị cảm thấy hạnh phúc khi được cùng các đồng nghiệp chia sẻ những khó khăn của chính quyền cấp trên, của ngành Giáo dục huyện.

Đặc biệt, chị được đồng hành cùng các em học sinh miền biên giới còn không ít khó khăn nhưng luôn khát khao được học, được khám phá nguồn tri thức. Giờ đây, chị chỉ mong cho bản thân và các đồng nghiệp của mình sức khỏe để luôn cháy hết mình cho lòng yêu nghề, để cống hiến nhiều nhất, hiệu quả nhất cho sự nghiệp giáo dục, đưa đến những gì tốt đẹp nhất cho các em học sinh thân yêu.

Nguyễn Thị Hà (Giáo viên Trường THCS Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tam-tu-giao-vien-biet-phai-nhe-nhang-va-gian-kho-post707667.html