Tâm tư và lợi ích của người dân phải được quan tâm hàng đầu (Bài cuối)
Lãnh đạo TP Hà Nội nhiều lần thể hiện quyết tâm thực hiện vì dự án đường Vành đai 4 không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, tâm tư và lợi ích của những người dân bị thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng phải được quan tâm hàng đầu.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với chiều dài 58,2km đúng tiến độ Trung ương giao được Hà Nội xác định là một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Lãnh đạo TP Hà Nội nhiều lần thể hiện quyết tâm thực hiện vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, tâm tư và lợi ích của những người dân bị thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng phải được quan tâm hàng đầu. Vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là còn rất nhiều hộ dân sẽ bị thu hồi đất ở chưa được biết mình sẽ được đền bù thế nào do chưa có phương án cụ thể.
Còn tình trạng chậm chi trả cho người dân
Theo chân anh Trịnh Văn Hiền, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn) xuống nhà một hộ dân có diện tích đất ruộng bị thu hồi, chúng tôi đến nhà anh Phùng Văn Lừng (thông Quán Mỹ). Anh Lừng khẳng định, bản thân anh và người dân ở trong thôn đồng thuận với chủ trương thu hồi giải phóng mặt bằng của Nhà nước để làm đường Vành đai 4. Tuy nhiên, anh cho biết, anh còn băn khoăn về giá đền bù còn thấp so với nơi khác.
"Ngoài ra, chính quyền địa phương mượn ứng đất của dân trong đó có nhà tôi để làm nơi quy tập nghĩa trang. Nhưng từ tháng 11/2022 đến nay chưa thanh toán tiền đền bù hỗ trợ. Chúng tôi mong được thanh toán sớm", anh Lừng đề nghị.
Trước thắc mắc của người dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Dân thừa nhận, do phương án quy hoạch khu nghĩa trang mới trình lần thứ 3 mới được phê duyệt nên có sự chậm trễ. "Chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của người dân, tới đây sẽ trình hội đồng và cơ quan chức năng xem xét giải quyết sớm cho người dân", anh Hiền nói. Cũng theo anh Hiền, dự án đường Vành đai 4 đi qua diện tích đất của 4 thôn trên địa bàn xã Tân Dân (Xuân Lễ, Xuân Ấp, Quán Mỹ, Ninh Cầm). Tổng diện tích đất phải thu hồi của 4 thôn là 39,3ha, của khoảng 450 hộ dân trong đó có 3 hộ dân có đất ở.
"Khó khăn là giá đền bù từ 2008 giải phóng cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 240.000đ/m2 (chưa bao gồm tiền hỗ trợ) đến thời điểm này vẫn áp thế. Tính ra tất cả các khoản hỗ trợ thì 1m2 đất ruộng đền bù cho dự án đường Vành đai 4 là 660.000đ/m2. Nếu nhà nào mất 50% đất thì được hỗ trợ 6 tháng gạo; 30% đất thì được 3 tháng; 80% đất thì được khoảng 1 năm hỗ trợ gạo", anh Hiền thông tin.
Anh Hiền cũng cho biết thêm, người dân thắc mắc nhất là về giá, thấp hơn cả huyện Mê Linh. "Vẫn là diện tích như thế nhưng huyện Mê Linh bồi thường đất ruộng lại cao hơn khoảng 280.000-290.000đ/m2 do UBND TP áp từng vùng. Các huyện bên dưới như Thường Tín lại cao hơn Sóc Sơn. Người dân phản ứng nhưng Ủy ban Mặt trận chỉ biết giải thích cho dân hiểu là do chính sách của TP.
Bên cạnh tâm lý vui mừng khi được nhận tiền đền bù của các hộ có ruộng phải thu hồi phục vụ giải phóng mặt bằng, các hộ dân nằm trong diện giải tỏa đất ở còn nhiều nỗi niềm. Bà Tạ Thị Mai (xóm 1, xã Văn Bình, huyện Thường Tín), là một trong hộ nằm trong diện mất 100% đất đang ở. Bà cho biết, hộ của bà có hơn 300m2 đất thổ cư do ông bà tổ tiên để lại, gia đình cũng đã xây nhà 2 tầng khang trang, kiên cố.
"Chính quyền thông báo có dự án đường Vành đai 4 sẽ đi qua nhà, toàn bộ gia đình sẽ phải di dời đi nơi khác. Tôi và gia đình con trai hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, nguyện vọng của gia đình là mong các cấp chính quyền hỗ trợ về chỗ ở, về tiền xây nhà sau này sao cho không bị thiệt thòi, để chúng tôi sớm ổn định, an cư để con cái yên tâm phát triển cuộc sống vững bền", bà Mai mong mỏi.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh thừa nhận với chúng tôi, đất nông nghiệp trên địa bàn huyện khi thu hồi không vướng mắc. "Cho đến thời điểm này mỗi đất thổ cư là có vướng mắc. Huyện cố gắng sớm nhất để đưa ra dự thảo để người dân nắm được. Vị trí khu tái định cư người dân đồng thuận rồi, nhưng vẫn còn thắc mắc về giá. Trước mắt, chúng tôi mới photocopy tài liệu gửi cho người dân, để bản thân họ nghiên cứu trước về các phương án đền bù", vị này thông tin.
Băn khoăn định giá đền bù đất ở
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tuấn Tú, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín cho biết, với 9,2km đường Vành đai 4 chạy qua địa phận huyện, việc giải phóng mặt bằng liên quan đến nhiều loại đất: Đất ruộng, đất phi nông nghiệp, đất thổ cư, đất của doanh nghiệp, cùng khoảng 2.000 ngôi mộ.
"Đất ruộng mà để di dời dành cho tái định cư nhà cho dân (những người bị thu nhà làm đường), chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc làm thủ tục thu hồi đất. Sau đó còn phải lên phương án làm hệ thống hạ tầng đường, trạm nước, trạm điện… để phục vụ khu tái định cư đó. Những khu vực phải thu hồi do đường Vành đai 4 đi qua, người dân mất nhà lại dễ đồng thuận hơn những hộ dân có đất bị thu hồi để phục vụ khu tái định cư. Nhiều người có ý kiến sao không thu hồi chỗ kia, mà lại thu hồi chỗ này. Ví như sao làm tái định cư cho người dân xã Văn Giáp mà không thu hồi đất xã Văn Giáp lại sang thu hồi đất xã Văn Hội….", ông Tú nêu khó khăn.
"Trước thắc mắc của người dân, chúng tôi cũng giải thích rõ, và cặn kẽ cho người dân hiểu. Thứ nhất, không phải là thích thu hồi chỗ nào thì thu, mà phải căn cứ vào các đồ án quy hoạch chung của TP, của huyện. Sau đó, xác định ranh giới thu hồi, thực hiện việc thu hồi đất để đảm bảo bố trí nguồn đất tái định cư", ông Tú nói.
Ngoài ra, theo khảo sát, mặc dù là đất ruộng, đã có hiện tượng mua đi bán lại với giá cao, vì khu vực này sát làng, đã được quy hoạch đất ở từ lâu. "Nếu bị thu hồi, thì cơ quan chức năng chỉ có thể đền bù theo giá quy định của Nhà nước về giá đất nông nghiệp. Do có sự chệnh lệch về mặt kinh tế, nên đã có sự không đồng tình của một số người dân, điều này gây khó khăn cho chúng tôi. Hiện tại, chúng tôi đang lên phương án tái định cư, cũng đã có hộ dân có ý kiến, tuy nhiên chưa đến mức phải cưỡng chế", ông Tú chia sẻ.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song huyện Thường Tín vẫn đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% trong năm 2023. Nhắc đến việc chi trả đất đền bù theo giá nào, thị trường hay quy định của nhà nước, ông Tú thừa nhận đây là việc khó.
"Nếu đền bù theo giá thị trường thì rất khó, vì thị trường là thị trường thế nào? Nếu căn cứ vào việc đấu giá gần nhất với khu vực đất sát nhất thì cũng không đúng, giá này nhiều khi là do sốt "ảo". Chúng tôi gần đây từng có đấu giá đất, giá đấu là 30 triệu đồng/m2 nhưng nay người trúng bán lại 25 triệu đồng/m2 cũng chưa tìm được người mua. Còn lấy giá từ giao dịch của các hộ dân với nhau, cũng khó định lượng bởi lẽ giao dịch thông qua phòng công chứng, phòng thuế mới chính thống, nhưng nhiều người dân lại hay bảo nhau khai hạ thấp xuống để đóng thuế bớt đi. Thế nên, phương án đền bù theo quy định khung giá cũ vẫn là hợp lý hơn cả.
"Chúng tôi biết rằng, việc áp khung giá cũ sẽ khiến người dân phản ánh, nhất là trước thông tin sửa luật đất đai, nâng cao giá đất. Về giá đất nông nghiệp, 14 năm nay ở Hà Nội vẫn thế, vẫn là 820.000 đồng/m2. Riêng đất ở áp theo giá thị trường nhưng thực ra rất khó. Vì có Luật Ngân sách Nhà nước, không ai dám nâng giá cao, hoặc đền bù không chính xác, làm thất thoát ngân sách", ông Tú băn khoăn.
Chung quan điểm với ông Tú, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn nêu khó khăn, trong những năm trước, một số hộ dân tự chuyển đổi đất nông nghiệp cho nhau nhưng không có văn bản chứng minh dẫn đến khó khăn trong xác định chủ đất và xảy ra tranh chấp nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Một số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt tiêu chuẩn do nhiều nguyên nhân, nay không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và một số thửa đất được sử dụng không đúng mục đích nay không được bồi thường, hỗ trợ tài sản tạo lập không đúng mục đích...
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn huyện Mê Linh dài 11,2km, đi qua 5 xã: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha, liên quan đến 2.700 hộ dân, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng. Huyện phấn đấu đến tháng 6/2023 sẽ hoàn thành giải ngân và bàn giao mặt bằng với diện tích 118ha/141,5ha (đạt 83,6%). Để có thể hoàn thành đúng tiến độ, huyện Mê Linh kiến nghị TP tiếp tục bố trí vốn 2.000 tỷ đồng trong năm 2023 và bố trí sớm để huyện chi trả đối với các trường hợp đã phê duyệt phương án bồi thường. Mặt khác, huyện kiến nghị TP xem xét, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách để huyện di dời, đầu tư xây dựng các trường học mới sau khi di dời một số trường để bàn giao mặt bằng dự án đường Vành đai 4.