Tâm và tầm của người lãnh đạo

Đã 32 năm trôi qua, nhưng chắc hẳn không một người nào thuộc lứa tuổi 50 ở Thành phố Hồ Chí Minh quên được thời kỳ khó khăn về lương thực những năm 1977-1980. Hằng tháng, năm ba lần xếp hàng chờ mua lương thực tiêu chuẩn, gồm non phân nửa là gạo, còn lại là bo bo, khoai lang, khoai mì...!

Ngành lương thực thành phố nợ gạo dân như "chúa Chổm", gần như thường xuyên đến giữa tháng sau mới có lương thực để bán xong tiêu chuẩn của tháng trước.

Nhiều điều nghịch lý cười ra nước mắt diễn ra bình thường hết ngày này đến ngày nọ, tháng này sang tháng khác. Hàng vạn người thiếu gạo ăn, trong khi hàng ngàn người khác đem bán sổ mua lương thực hoặc bán phần gạo hôi mốc được phân phối giá cung cấp để mua gạo trắng, gạo ngon ngoài chợ về ăn. Ở hàng chục cửa hàng lương thực, khoai lang, khoai mì đổ đống như gò, nước chảy hôi thối phải chở đi đổ bỏ vì rất nhiều người không chịu mua phần "ăn độn". Cảnh cán bộ Quản lý thị trường đuổi bắt những người bán gạo diễn ra như cơm bữa. Nông dân không chịu bán gạo cho Nhà nước vì giá thu mua không đủ bù chi phí sản xuất, trong khi ngành lương thực thành phố lại phân phối cho hơn 2,8 triệu người được cấp sổ mua lương thực với giá rất thấp, ngân sách Nhà nước phải bù lỗ rất lớn cho ngành mỗi năm.

Câu nói cửa miệng: "mua như giật, bán như cho"thời ấy phản ánh mối quan hệ bất bình đẳng giữa nông dân với Nhà nước, giữa hàng triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long một nắng hai sương làm ra hạt lúa và hàng triệu người mỗi ngày hai lần ăn gạo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trạm thuế Tân Hương (Tiền Giang) ngăn chặn xét hỏi tất cả xe chở hàng từ các tỉnh miền Tây lên thành phố, hàng chục, hàng trăm người phải rơi nước mắt "sạt gạo" khỏi xe... càng làm tăng nỗi khát gạo dai dẳng của dân thành phố.

Một bức tranh xám xịt, ảm đạm về lương thực, về đời sống của dân thành phố những năm ấy.

Giữa năm 1978, tôi theo đồng chí Giám đốc Sở lương thực thành phố Lê Thanh đến báo cáo tình hình lương thực của thành phố với Thường vụ Thành ủy. Tôi nhớ mãi hình ảnh và lời nói của đồng chí Võ Văn Kiệt trong buổi họp ấy.

Phòng họp có máy lạnh nhưng dường như không làm dịu được sự nóng lòng và nỗi lo đau đáu về tình hình thiếu gạo và biến động không lường được có thể xảy ra trong lòng đồng chí. Áo gió mở hết khóa kéo, vẻ mặt đầy suy tư... đồng chí đi đi lại lại lắng nghe báo cáo và mọi lời phát biểu, cuối cùng đứng lại giữa dãy bàn dài nói chậm rãi chắc nịch từng tiếng "... Không thể nào chấp nhận tình trạng vô lý này, lúa đầy đồng, dân thiếu gạo, nhà nước bù lỗ... Nếu tôi không giải quyết được vấn đề gạo ăn cho nhân dân thành phố, tôi xin từ chức Bí thư Thành ủy".

Người tôi nổi da gà khi nghe đồng chí Bí thư Thành ủy lấy sinh mạng chính trị của mình đánh cược với việc lo gạo ăn của hàng triệu dân thành phố… Tôi thấy rõ quyết tâm cao độ trong lời nói như một lời tuyên thệ của đồng chí; nhưng tôi đâu có thể ngờ rằng những điều suy nghĩ của đồng chí trong buổi họp hôm ấy và những chủ trương, biện pháp mà đồng chí chỉ đạo thực hiện liền sau đó đã tạo nên sự chuyển biến thần kỳ của Thành phố Hồ Chí Minh, kéo theo sự chuyển mình mạnh mẽ của đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước sau này.

Cuối năm 1978, Tổ thu mua lương thực giá thỏa thuận của Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập do chị Ba Thi làm tổ trưởng. Ít lâu sau tổ thu mua trở thành Công ty kinh doanh lương thực rồi Công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Ba Thi là Chủ nhiệm rồi Giám đốc. Vấn đề tiền mặt với số lượng lớn đủ để mua cả ngàn tấn gạo mỗi ngày cũng được giải quyết đến nơi đến chốn... Một quỹ vật tư, gồm nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nông dân được huy động từ các ngành Ngân hàng, Thương nghiệp, Vật tư, giao cho Tổ thu mua và Công ty kinh doanh Lương thực quản lý để thực hiện việc trao đổi trực tiếp-hàng với các tỉnh...

Việc chị Ba Thi làm tổ trưởng Tổ thu mua lương thực giá thỏa thuận là sự chọn đúng mặt để gởi vàng của đồng chí Võ Văn Kiệt. Mãi đến nay tôi vẫn nghĩ rằng: nếu không phải chị Ba Thi, khó ai có thể dám đương đầu với vô vàn khó khăn thách thức lúc ấy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đồng chí Bí thư Thành ủy giao.

Kết quả vượt ngoài mọi sự tưởng tượng. Nông dân bán được hạt lúa thấm đẫm mồ hôi theo giá thỏa thuận (không những bù đủ chi phí sản xuất mà còn có lãi) nên rất phấn khởi, đã ùn ùn đem lúa gạo đến các "chốt" bán cho Tổ thu mua lương thực, hằng ngày có từ vài chục đến hàng trăm xe chở gạo từ các tỉnh đổ về thành phố. Không những cuối năm đó (1978) thành phố hoàn toàn thoát khỏi cơn khát gạo mà đầu năm 1981 hàng đoàn xe của Công ty kinh doanh lương thực còn chở hơn 2.000 tấn lúa qua Phnôm Pênh giúp nước bạn Campuchia. Cơ quan lương thực các tỉnh miền Tây cũng hồ hởi đón nhận chủ trương mua lương thực giá thỏa thuận của Thành phố Hồ Chí Minh; việc thu mua lương thực được dễ dàng hơn, lượng gạo giao theo chỉ tiêu điều động của bộ tuy thường không đạt nhưng số gạo bán theo giá thỏa thuận cho Công ty kinh doanh lương thực thành phố thì ngày một tăng theo cấp số nhân.

Gần như đồng thời với chủ trương mua lương thực giá thỏa thuận, Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện việc phân phối lương thực theo hai giá. Khoảng cuối năm 1980, số người được phân phối lương thực giá cung cấp chỉ còn non một triệu (gồm cán bộ, công nhân, viên chức cùng người ăn theo), hơn hai triệu người còn lại được tách-cấp sổ mới mua 9 kg gạo/tháng với giá xấp xỉ giá thị trường. Công ty kinh doanh lương thực không chỉ giảm được việc bù lỗ của ngân sách, tiến lên lấy thu bù chi và nộp lãi cho ngân sách, mà còn hỗ trợ bù lỗ cho các tỉnh có giao gạo cho thành phố theo chỉ tiêu điều động của Bộ Lương thực. Với những thành tích đó, năm 1985, Công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, chị Ba Thi được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Chủ trương mua lương thực giá thỏa thuận và phân phối lương thực hai giá là sự vận dụng đúng đắn quy luật giá trị của nền kinh tế hàng hóa. Nó thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào việc thúc đẩy sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long, làm thay đổi mau chóng bộ mặt kinh tế-xã hội của miền Nam và tiếp theo sau là sự chuyển mình mạnh mẽ của cả nước.

Gần một thập niên sau, Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, không thể không nói đến công mở lối khai đường của đồng chí Võ Văn Kiệt.

Tôi ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trên đây kính dâng hương hồn đồng chí Võ Văn Kiệt, bày tỏ lòng tri ân đối với một đồng chí lãnh đạo đức rộng tài cao của Đảng và Nhà nước, người có công đầu trong việc xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp, khởi động cơ chế quản lý kinh tế thị trường, mở đầu thời kỳ hội nhập Việt Nam sánh vai cùng năm châu bốn biển.

Hình ảnh đồng chí Võ Văn Kiệt sống mãi trong lòng nhân dân.

NGUYỄN CÔNG QUYỀN Nguyên Phó Giám đốc Công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tam-va-tam-cua-nguoi-lanh-dao-post726073.html