Tân binh toàn năng 'ép chín' thần tượng trong 100 ngày: Quá nhanh, quá nguy hiểm?
Trong khi các thực tập sinh tại Hàn Quốc mất từ 2 đến 5 năm để có thể debut, thì các Tân binh của chương trình phải vừa học, vừa thi, vừa biểu diễn và phát triển toàn diện trong thời gian ngắn kỷ lục.
Đào tạo thần tượng trong 100 ngày – bước đi táo bạo
Khi các thực tập sinh tại Hàn Quốc cần ít nhất vài năm để đủ điều kiện ra mắt, chương trình Tân binh toàn năng lại đặt ra giới hạn 100 ngày để “luyện” ra những idol thế hệ mới của Việt Nam. Đây là con số khiến nhiều người giật mình – và cũng là lý do chương trình nhanh chóng thu hút sự chú ý, cả khen lẫn nghi ngờ.

Không giống với các show sinh tồn trước, Tân binh toàn năng – Giai đoạn sống còn không đơn thuần là một cuộc thi biểu diễn. Nó là bước khởi động trong kế hoạch đào tạo nhóm nhạc thần tượng bài bản đầu tiên tại Việt Nam. Nhà sản xuất YeaH1 không chỉ tạo format riêng, mà còn mời đội ngũ chuyên gia đến từ Hàn Quốc để tham gia huấn luyện ngay từ đầu. Từng Tân binh được đưa vào mô hình luyện tập chuyên sâu, từ kỹ năng biểu diễn, thanh nhạc, vũ đạo cho đến tinh thần kỷ luật – với những buổi sát hạch nâng dần cấp độ.

Việc xây dựng lộ trình phát triển từ “phòng tập kín” đến các sân khấu ngoài trời quy mô lớn, và sắp tới là Survival Showcase vào ngày 23/7 sắp tới – có khán giả tương tác trực tiếp – cho thấy chương trình không làm hời hợt. Thay vào đó, đây là một quá trình có tính toán, từng bước chuẩn bị cho các Tân binh làm quen với áp lực nghề nghiệp thực sự.
Đường dài mới biết ngựa hay
Sau hơn 2/3 chặng đường, nhiều nghi ngại ban đầu đã dần được hóa giải. Các Tân binh cho thấy sự tiến bộ rõ rệt sau mỗi kỳ sát hạch. Tiết mục “Từng quen” với bộ ba Hữu Sơn – Hoàng Long – Lâm Anh là một ví dụ điển hình: không chỉ gây sốt trên mạng xã hội mà còn nhận được lời khen từ chính NSX Tóc Tiên – người khẳng định đây là minh chứng rằng Tân binh không chỉ biết “perform” hay “dance”, mà còn có thể hát một cách tình cảm và chạm tới khán giả.

Với chiến lược “ép chín” trong 100 ngày, Tân binh toàn năng không đặt nặng yếu tố loại trừ mà tập trung vào sự phát triển tổng thể của từng cá nhân. Mỗi màn trình diễn không chỉ là một tiết mục dự thi mà còn là bài kiểm tra thực tế – nơi các Tân binh phải thể hiện mình dưới sức ép như khi bước ra đời sống biểu diễn chuyên nghiệp.
Dù vậy, bài toán sau cuộc thi vẫn còn để ngỏ. Làm sao để nhóm nhạc ra đời từ chương trình có thể duy trì sức nóng, xây dựng fandom bền vững và phát triển sự nghiệp lâu dài trong môi trường V-pop vốn không dễ đoán? Câu trả lời sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược phát triển hậu chương trình của nhà sản xuất.
Nhìn lại, Tân binh toàn năng đang là một trong những nỗ lực đáng chú ý nhất để tái định hình khái niệm “idol Việt”. 100 ngày có thể là khoảng thời gian ngắn, nhưng nếu là nền móng vững chắc cho một hành trình dài hơi thì “nhanh” chưa chắc đã là “nguy hiểm” – mà có thể là cú hích cần thiết để đưa mô hình đào tạo thần tượng Việt Nam bước sang trang mới.