Tân Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Đặt vấn đề tâm, đức lên hàng đầu trong quá trình phục vụ nhân dân'
Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vấn đề y đức, tinh thần phục vụ đang được ngành y tế rất quan tâm. Tinh thần chung của ngành là đặt vấn đề tâm, đức lên hàng đầu trong quá trình phục vụ nhân dân.
Ngày 21/10, tại kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, bà Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chính thức làm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026. Sau khi được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế, tân Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã có những chia sẻ với báo chí.
- Xin Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Bộ trưởng cũng như ngành y tế sẽ phải đối mặt trong thời gian tới?
+ Một số khó khăn, vướng mắc mà ngành đang gặp phải đó là bảo vệ thành công thành quả chống dịch COVID-19; phòng, chống nhiều dịch bệnh mới liên tiếp xảy ra.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung cho các nhiệm vụ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo rà soát những mặt đã làm được và những mặt còn tồn tại, hạn chế, đặc biệt liên quan đến hệ thống cơ sở pháp lý, thể chế trong lĩnh vực y tế để tập trung triển khai, tháo gỡ trong thời gian quá.
Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ, Quốc hội nhiều vấn đề liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành. Trong kỳ họp này cũng sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Thời gian vừa qua Bộ Y tế cũng trình Chính phủ Luật Dược (sửa đổi). Đây là những căn cứ rất quan trọng để làm sao đảm bảo việc cung ứng thuốc đầy đủ, hợp lý, tốt nhất đến người dân.
Ngoài ra, với Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Bộ cũng đang chỉ đạo làm sao mở rộng được phạm vi, quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm y tế, tiến tới xây dựng hệ thống Bảo hiểm y tế một cách công bằng, đáp ứng nhu cầu của người tham gia bảo hiểm y tế cùng một loạt các chính sách khác.
Vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế cũng được Bộ tập trung chỉ đạo giải quyết. Để làm được việc này, ngoài việc sửa Luật ra còn có hàng loạt các văn bản, nghị định khác của Chính phủ cũng như thông tư của các bộ.
Bộ Y tế cũng đã tích cực phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Để tập trung vào nội dung này chúng ta đang rà soát, sửa đổi theo quy trình, quy định của pháp luật. Về phía Bộ Y tế, chúng tôi cũng sẽ cố gắng đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật này, đây là những căn cứ pháp lý rất quan trọng để chúng ta có một hệ thống quy phạm pháp luật đầy đủ trong việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người dân.
Bộ Y tế cũng tích cực đẩy mạnh tốc độ cấp phép giấy gia hạn lưu hành thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để có căn cứ cho các doanh nghiệp tham gia cung ứng thuốc, vật tư y tế cho thị trường.
Với các chính sách khác như hoàn thiện các quy định khuyến khích, động viên cán bộ ngành y tế tích cực, vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Nghị định 56 sửa đổi chế độ đối với nhân viên y tế tuyến cơ sở, dự phòng.
Bên cạnh đó, Bộ đang tập trung cho việc phục hồi, nâng cao năng lực y tế cho tuyến cơ sở. Đây là tuyến rất quan trọng nhưng đã bộc lộ vướng mắc, khó khăn khi có dịch bệnh xảy ra cũng như sau dịch.
- Trong những nhiệm vụ Bộ đang triển khai, có thể thấy hiện nay đang nổi lên hai vấn đề là thiếu thuốc, trang thiết bị y tế và vấn đề cán bộ, công nhân viên nghỉ việc, Bộ đã nhận diện được vướng mắc của hai vấn đề này thể nào và hướng giải quyết là gì, thưa Bộ trưởng?
Liên quan đến vấn đề thiếu trang thiết bị, vật tư y tế thì chúng ta xác định thực trạng là đang có, nhưng ở từng cấp độ, từng bệnh viện, từng địa phương khác nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như vấn đề cung ứng trên thế giới, các hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu cũng như năng lực của đội ngũ làm nhiệm vụ này...
Trên cơ sở nhận diện được vấn đề này, Bộ tập trung triển khai rất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Về giải pháp trước mắt, ngoài việc tăng cường đẩy mạnh cấp phép giấy lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cũng đã làm việc với bệnh viện, địa phương có những văn bản tập trung tháo gỡ vấn đề.
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc xử lý công việc trước mắt, về lâu dài chúng ta phải rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt liên quan đến Luật Dược, Luật Đấu thầu, Luật Giá và các Nghị định hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện để tháo gỡ một cách căn cơ, bài bản nhất nhằm đảm bảo không chỉ sau Covid-19 mà những chặng đường tiếp theo có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ đang tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội để Chính phủ thực hiện những giải pháp chưa có tiền lệ trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó có những vấn đề như kéo dài thời hạn lưu hành thuốc. Đây cũng là một trong những giải pháp chúng tôi tập trung cùng tháo gỡ khó khăn việc cung ứng thuốc.
Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương, bệnh viện chủ động tháo gỡ những khó khăn thuộc thẩm quyền của mình. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về cơ sở, tạo tính chủ động linh hoạt cho địa phương, cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện,
Chúng tôi cũng đang rà soát lại các văn bản chưa phù hợp để có sự điều chỉnh kịp thời.
Đối với vấn đề nhiều cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là sau thời gian chống dịch kéo dài, nhân viên y tế có thời gian làm việc căng thẳng, có những người không có ngày nghỉ, rất áp lực. Trong một bối cảnh khó khăn như vậy, cũng có những người có áp lực trong công việc, nhu cầu của gia đình nên muốn nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó có nguyên nhân liên quan đến chế độ đãi ngộ, phụ cấp, chế độ tiền lương đối với nhân viên y tế chưa đáp ứng, chưa đảm bảo nhu cầu.
Để tập trung khắc phục tình trạng này, Bộ đang rất tích cực phối hợp với các bộ, ngành đề xuất để làm sao cải thiện chế độ tiền lương cho đội ngũ nhân viên ngành y tế. Trước mắt trình Nghị định 56 (sửa đổi) liên quan đến chế độ phụ cấp cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 27 về chính sách cải cách tiền lương, Bộ cũng có đề xuất để đảm bảo tính phù hợp với nhân viên ngành y tế.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế rất mong muốn có những chính sách để đảm bảo nguồn nhân lực y tế trong dài hạn. Ngay từ chính sách thu hút sinh viên, học viên tham gia học tập trong lĩnh vực này bởi nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao đòi hỏi nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế.
Chúng tôi xác định phải đào tạo nhân lực từ đầu vào, cho đến vấn đề nâng cao chất lượng của đội ngũ hiện nay, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và có những giải pháp hỗ trợ nhân viên y tế làm việc.
Một những trong giải pháp căn cơ là triển khai thực hiện những cơ chế về tài chính y tế để đảm bảo được điều kiện hoạt động đầy đủ của hệ thống y tế cơ sở. Theo tôi, tập trung làm đồng bộ những giải pháp này chúng ta sẽ tháo gỡ được những vấn đề khó khăn của ngành y tế hiện nay.
- Nhiều người lo lắng vấn đề bà là người không xuất phát từ ngành y nhưng hiện đang phải giải quyết vấn đề mà nhiều đời Bộ trưởng chưa giải quyết được, chiến lược để giải quyết những khó khăn là gì, thưa Bộ trưởng?
+ Có thể nói khó khăn của ngành y tế hiện đang còn nhiều, trên nhiều lĩnh vực. Đối với người ngoài ngành khi về với Bộ Y tế thì tôi cho rằng quan trọng nhất là nhận diện được vấn đề khó khăn là gì. Khi nhận diện được vấn đề khó khăn đó là gì, thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước hay tổ chức thực hiện, chuyên môn hay quản lý cũng sẽ có những giải pháp phù hợp.
Về vấn đề chuyên môn, chúng tôi rất tin tưởng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo; cán bộ cấp cục, vụ, viện của ngành y tế; đội ngũ lãnh đạo các bệnh viện; đội ngũ chuyên môn, chuyên gia... đây là đội ngũ chúng tôi rất tự hào và có thể giúp tôi rất nhiều về mặt chuyên môn. Trong triển khai nhiệm vụ quản lý, tôi cùng với tập thể lãnh đạo Bộ, đội ngũ cán bộ cố gắng tháo gỡ khó khăn từng vấn đề.
Trong thời gia qua, ngành y tế không đơn độc. Chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ rất trách nhiệm với một tinh thần quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ban ngành để hỗ trợ ngành y tế có sự phát triển.
Sức khỏe con người là vốn quý, không có thời đại nào lại không cần đội ngũ y – bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình. Bản thân tôi khi nhận nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước phân công, với quyết tâm cao nhất, tôi sẽ cùng với cán bộ, nhân viên ngành y tế, với sự đồng lòng, đoàn kết của lãnh đạo bộ, các cục, vụ chuyên môn thì các khó khăn đó sẽ dần được tháo gỡ. Chúng tôi tin tưởng điều này.
- Đến nay, Bộ trưởng đã nhận diện hết những khó khăn vướng mắc của ngành?
+ Đến thời điểm này có thể nói những khó khăn của ngành y tế đã được ngành và Chính phủ xác định rất rõ. Tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với ngành y tế đã chỉ ra 14 nhóm vấn đề mà ngành tập trung thời gian tới.
Chúng ta sống trong một thế giới luôn luôn thay đổi thì mọi khó khăn, thách thức, cơ hội có thể xuất hiện rất bất ngờ, liên tục. Với tinh thần, quyết tâm cao nhất là làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành thì chặng đường tiếp theo chúng tôi vẫn cần phải có sự cố gắng hơn nữa.
- Bộ trưởng có giải pháp gì để "truyền lửa" đến toàn hệ thống y tế, với mục đích cao nhất là chăm sóc sức khỏe người dân?
Trong việc thực hiện công tác khám chữa bệnh của nhân dân, chúng ta phải xác định được người dân mong muốn gì ở ngành y tế. Khi chưa ốm đau, người dân mong muốn có một chế độ chăm sóc sức khỏe để đảm bảo công tác phòng bệnh, khi ốm đau rồi thì người dân mong có được cơ sở điều trị, sự chăm sóc tốt của hệ thống y tế, các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu để người dân không khó khăn trong quá trình tiếp cận.
Người dân chắc chắn không muốn cứ phải đến bệnh viện tuyến trung ương mới chữa được bệnh, vì vậy chúng ta phải làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe của người dân ở tuyến cơ sở. Đây là một trong những mục tiêu mà ngành y tế hướng tới để xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, vấn đề y đức, tinh thần phục vụ cũng được ngành rất quan tâm. Trong thời gian qua, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp, chúng tôi tin tưởng với lòng tự trọng của đội ngũ y bác sĩ và tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành y, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng tốt nhất việc phục vụ nhân dân. Còn ở đâu đó có một vài tình trạng chưa được thì đó không phải bản chất của cán bộ ngành y tế, chúng tôi sẽ có nhận diện để xử lý kịp thời. Tinh thần chung của ngành là đặt vấn đề tâm, đức lên đầu trong quá trình phục vụ nhân dân.
- Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào của ngành y tế để đưa 2 bệnh viện lớn tại Hà Nam đi vào hoạt động?
+ Hiện, mục tiêu của Chính phủ và ngành y tế làm sao để đưa 2 bệnh viện sớm đưa vào hoạt động để phục vụ nhân dân.
Trong quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn, vướng mắc, có những vấn đề không phải giải quyết trong ngày một ngày hai. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng các phương án tháo gỡ.
Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ sẽ cố gắng, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì chúng tôi sẽ trình, thậm chí có những giải pháp phải trình cấp cao hơn nữa để giải quyết vấn đề của hai bệnh viện này. Với sự chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành để tháo gỡ vấn đề, mục tiêu là làm sao sớm đưa hai công trình này hoạt động phục vụ cho nhân dân.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!