Tân CEO Kelly Ortberg và nỗ lực chạy đua với thời gian vực dậy Boeing

Tân CEO Boeing Kelly Ortberg được dự đoán sẽ phải đối mặt với muôn vàn thách thức khi bắt tay vào công việc trong tuần tới nhằm khôi phục một đế chế sản xuất máy bay đang lâm vào khủng hoảng.

Mong chờ một kỳ tích

Theo hãng tin Reuters, ông Ortberg sẽ quay trở lại điều hành hãng sản xuất máy bay lớn nhất sau một thời gian dài nghỉ hưu. Ông được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vô vàn vấn đề liên quan đến hãng khiến Boeing thua lỗ nặng nề trong thời gian qua.

Có quá nhiều công việc đang chờ đợi CEO Ortberg trong khi thời gian dành cho ông lại quá gấp gáp (Ảnh: Lynnwood Times).

Có quá nhiều công việc đang chờ đợi CEO Ortberg trong khi thời gian dành cho ông lại quá gấp gáp (Ảnh: Lynnwood Times).

Theo các chuyên gia, danh sách công việc cần làm của ông Ortberg bao gồm cải thiện quan hệ với các hãng hàng không và nhân viên của Boeing, thúc đẩy sản lượng sản xuất máy bay, cải thiện tình hình tài chính của hãng và đảm bảo một thỏa thuận lao động tránh việc công nhân đình công trong năm nay.

Nhiều quan chức điều hành các hãng hàng không trên thế giới đã bày tỏ lạc quan về kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực hàng không và cơ khí của ông Ortberg trong khi ông lại không có ràng buộc gì với Boeing trong quá khứ. Dù vậy, nhiệm vụ đặt ra cho vị tân CEO đã 64 tuổi này là vô cùng lớn lao.

"Đây không phải là một vấn đề chỉ cần giải quyết trong 5 năm. Liệu ông ấy có sẵn sàng chuẩn bị dành tới 10 năm để khôi phục lại vị thế của Boeing?", ông Bill George, cựu CEO Medtronic và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh doanh Havard, nhận định.

Boeing hiện chưa sắp xếp để ông Ortberd tham gia các cuộc phỏng vấn.

Trước đó, hãng tuyên bố đang tiến hành các biện pháp sâu rộng nhằm tăng cường chất lượng sản phẩm, gây dựng lòng tin với khách hàng thông qua cắt giảm số lượng các chuyến công du và các công việc không được ưu tiên giải quyết.

Một trong những vấn đề gây áp lực lớn nhất đối với Boeing chính là sự sụt giảm sản lượng sản xuất và bàn giao máy bay sau sự cố máy bay 737 Max do hãng chế tạo bị bung cánh cửa khi đang bay trên trời hồi đầu tháng 1. Hiện Boeing sản xuất khoảng 25 chiếc máy bay dòng này trong một tháng và dự định tăng lên 38 chiếc/tháng vào cuối năm.

Sự sụt giảm sản lượng máy bay của Boeing đã buộc các hãng hàng không phải tranh giành máy bay trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các hãng và gây ra tình trạng quá tải nhân lực.

Southwest Airlines, hãng hàng không sử dụng toàn bộ phi đội máy bay Boeing gần đây đã buộc phải đi thuê máy bay trước thực tế là hãng chỉ có thể nhận khoảng 20 máy bay Boeing so với con số dự tính ban đầu là 85 chiếc trong năm nay.

Cựu CEO United Airlines Oscar Munoz cảnh báo ông Ortberg cần có cách tiếp cận thực tế trong vấn đề quản trị. Cụ thể, ông Ortberg cần tiếp cận với cả khách hàng và nhân viên của Boeing để thể hiện rằng họ có một nhà lãnh đạo mà họ có thể tin tưởng hợp tác.

Ngoài ra, Boeing hiện đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và mối đe dọa lao động gián đoạn trong tháng 9 tới trong bối cảnh Boeing đang phải đàm phán hợp đồng với hơn 30.000 công nhân tại nhà máy ở Seattle.

Người phát ngôn của Boeing và đại diện công đoàn ngành hàng không cho biết cả hai bên đã đạt được tiến triển về các vấn đề phi kinh tế. Ngoài ra, các cuộc đàm phán về những vấn đề kinh tế then chốt sẽ được khởi động trong vài tuần tới.

Chặn đứng thâm hụt tài chính

Bên cạnh đó, Boeing cũng cần tăng sản lượng sản xuất máy bay để làm giảm khoản thâm hụt khổng lồ mà hãng phải gánh chịu từ năm ngoái và được cho là sẽ tiếp diễn trong quý III năm nay.

Hãng đánh giá tín nhiệm S&P cảnh báo sẽ hạ mức tín nhiệm của Boeing xuống mức tín nhiệm thấp và rủi ro cao nếu Boeing không quay trở lại được mức sản xuất bình thường. Điều này sẽ khiến chi phí đi vay của Boeing tăng cao trong bối cảnh hãng đã chi trả cho các bộ phận và các thiết bị hiện không được dùng để chế tạo máy bay.

Những vấn đề trong quá trình sản xuất máy bay Boeing đã khiến hãng thua lỗ nghiêm trọng trong thời gian dài (Ảnh: Seattle TImes).

Những vấn đề trong quá trình sản xuất máy bay Boeing đã khiến hãng thua lỗ nghiêm trọng trong thời gian dài (Ảnh: Seattle TImes).

"Có rất nhiều đòn bẩy kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh tỷ lệ sản xuất hiện nay của Boeing ở dưới mức tối ưu, rõ ràng hãng đang đốt rất nhiều tiền", ông Tony Bancroft, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Quỹ Gabelli hiện đang nắm giữ cổ phần của Boeing nhận định.

Con đường giải quyết vấn đề tài chính của Boeing sẽ là qua các nhà máy của hãng. Kế hoạch của tân CEO Ortberg sẽ chủ yếu được triển khai tại nhà máy chính của hãng ở Seattle nơi sản xuất hầu hết những chiếc máy bay thương mại dù tổng hành dinh của Boeing ở Washington.

Một việc khác rất quan trọng mà ông Ortberg cần phải làm là gặp gỡ thân nhân của 346 người thiệt mạng trong 2 vụ rơi máy bay Boeing 737 Max hồi năm 2018 và 2019.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ và Boeing đã đạt được thỏa thuận nhận tội trong đó Boeing đạt thỏa thuận nhận tội liên quan đến 2 vụ tai nạn máy bay nói trên và chấp thuận nộp số tiền 487 USD để tránh bị truy tố.

Chỉ sau khi đã giải quyết xong những vấn đề nêu trên và giúp Boeing có được vị thế vững chắc, các nhà lãnh đạo của hãng mới có thể tập trung phát triển dòng máy bay thương mại mới thay thế dòng máy bay cũ đã lỗi thời.

"Trong bối cảnh ông Ortberg giờ đã 64 tuổi, ưu tiên hàng đầu của ông ấy có thể sẽ là ổn định lại quá trình sản xuất và dòng tài chính của Boeing, cải thiện văn hóa của hãng. Cần phải thừa nhận rằng Boeing có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay lập tức", ông Robert Spingarn, nhà phân tích tại trung tâm nghiên cứu Melius Research kết luận.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tan-ceo-kelly-ortberg-va-no-luc-chay-dua-voi-thoi-gian-vuc-day-boeing-19224080210585401.htm