Tân Châu: Khách đi đò tại các bến Ba Học, Cây Khế, Cầu Sập chưa đảm bảo an toàn

Hiện đang là mùa nước lớn, tuy nhiên, tại một số bến đò trên địa bàn huyện Tân Châu như Cầu Sập (xã Suối Dây), Ba Học (xã Tân Thành), Cây Khế (xã Tân Hòa), các chủ phương tiện đều không nhắc nhở hành khách mặc áo phao khi xuống phà, đò.

Người điều khiển phương tiện phà số TN0492 tại bến Cầu Sập và khách đều không mặc áo phao khi qua suối Tha La rộng khoảng 1km.

Người điều khiển phương tiện phà số TN0492 tại bến Cầu Sập và khách đều không mặc áo phao khi qua suối Tha La rộng khoảng 1km.

Qua quan sát vào ngày 6.11.2023, đò Ba Học chỉ có vài cái áo phao cũ kỹ bạc màu treo trên mái che đò, theo cách treo có trật tự từ trên mái cao thì có thể đoán được những chiếc áo phao này đã từ lâu không sử dụng. Tại thời điểm tác giả bài viết đi đò cùng với nhiều hành khách khác, đoạn đường thủy để đò ngang qua suối Bà Chiêm dài khoảng 200m nhưng chủ đò không hề nhắc nhở hành khách mặc áo phao. Đò cũng không có chỗ ngồi ổn định để bảo đảm an toàn cho hành khách, người đi đò phải ngồi luôn trên yên xe hai bánh và dùng chân giữ thăng bằng trong lúc đò vận hành.

Áo phao trên đò tại bến Cây Khế cũng chỉ được treo trên mái che và thành đò. Chủ đò không đưa áo phao và cũng không nhắc nhở hành khách phải mặc loại áo này để bảo đảm an toàn khi đò qua sông Sài Gòn rộng hàng trăm mét. Điều đáng nói, theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 6.11, người điều khiển đò có ngoại hình khá trẻ. Trong khi đò vận hành, người này dùng chân giữ tay lái đò, tay thì cầm ly nước uống và đùa giỡn với hai bạn trẻ khác. Hành vi thiếu tập trung trong khi lái đò đưa khách qua sông như vậy rất nguy hiểm.

Tại Điều 35, Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 có quy định người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5-15 mã lực hoặc có sức chở từ 5-12 người phải có các điều kiện như đủ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam; có chứng nhận đủ sức khỏe của cơ quan y tế, biết bơi; có chứng chỉ lái phương tiện.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 35 nêu trên cũng quy định người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khỏe, biết bơi, phải học tập pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh thì độ tuổi của người lái phương tiện phải tuân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này (tức là phải đủ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam). Tại khoản 3 Điều 35 đang đề cập cũng quy định UBND cấp tỉnh tổ chức việc đào tạo, cấp chứng chỉ lái phương tiện, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cho người lái phương tiện.

Từ các quy định như trên, thiết nghĩ đối với người điều khiển đò có ngoại hình còn rất trẻ tại bến đò Cây Khế (có kinh doanh thu tiền mỗi hành khách và một xe mô tô là 30.000 đồng/chuyến đò ngang sông Sài Gòn rộng khoảng 400m nước) rất cần được cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát về các điều kiện theo quy định của pháp luật liên quan, để bảo đảm an toàn về tài sản và tính mạng của hành khách.

Qua quan sát tại bến Cầu Sập vào ngày 8.11.2023, phà mang số hiệu TN0492 đưa khách qua suối Tha La với đường thủy hiện trạng rộng khoảng 1km nhưng chủ đò cũng không nhắc nhở hoặc lấy áo phao cho khách mặc. Thực tế, trên phà có khoảng 6 cái áo phao nhưng hầu hết đều cũ kỹ, dính dầu nhớt, bị dây phao cứu sinh treo đè lên áo. Khách quan, phà này có bố trí hai dãy ghế làm bằng các thanh sắt tự chế để khách ngồi ổn định hơn trong khi phà vận hành. Thế nhưng, với đoạn đường thủy khá xa, sóng to, gió lớn thì nguy cơ khách gặp rủi ro có thể xảy ra, do vậy, việc người đi phà phải chấp hành quy định mặc áo phao là hết sức cần thiết.

Qua tình hình thực tế tại một số bến đường thủy nội địa có phương tiện đưa đò và phà nêu trên, người tham gia giao thông bằng phương tiện này nên chủ động đề nghị chủ đò hoặc phà đưa áo phao để mặc, nhằm bảo đảm an toàn khi qua sông, suối. Theo quan sát vào các ngày 6 và 8.11.2023, chính những người điều khiển phương tiện đò, phà cũng không chấp hành quy định mặc áo phao. Do vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dùng phương tiện đường thủy để chở khách qua sông, suối, hồ Dầu Tiếng.

Trường Lộ

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tan-chau-khach-di-do-tai-cac-ben-ba-hoc-cay-khe-cau-sap-chua-dam-bao-an-toan-a165807.html