Tấn công mạnh hàng nhái, hàng giả ở TP.HCM

Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã 'tổng tấn công' 2 khu mua bán sầm uất, được xem là 'thủ phủ' hàng hiệu của TP.HCM là Saigon Square và chợ Bến Thành, tịch thu hàng ngàn sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng cũng như sản phẩm thời trang nhập lậu.

Tại chợ Bến Thành, Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra 10 điểm kinh doanh và phát hiện nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu. Đơn vị đã tạm giữ 779 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu gồm ví, túi xách, dây nịt, đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu Christian Dior, Dior, Prada, Gucci, Montblanc, Hermes, Burberry, Hermes, Hublot, Tag Heuer, Louis Vuitton, Michael Kors, MCM, Rolex, North Face, YSL… Tổng trị giá hàng hóa vi phạm được xác định là 103.470.000 đồng.

Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành

Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành

Tại Trung tâm thương mại Saigon Square, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 19 điểm buôn bán, và cũng phát hiện sự giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Tổng cộng, đơn vị quản lý thị trường đã tạm giữ 1.177 sản phẩm nhãn hiệu gồm ví, túi xách, thắt lưng, khăn, giày, dép, đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu tương tự như ở chợ Bến Thành; 599 sản phẩm ví, thắt lưng, giày, đồng hồ nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm của 19 điểm này là 222.150.000 đồng.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh tại thời điểm lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình để kiểm tra.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu cơ quan chức năng kiểm tra hàng giả, hàng nhái TP.HCM và phát hiện ra sai phạm của các tiểu thương tại 2 điểm kinh doanh này. Trước đó, vào tháng 7, hai khu chợ mua sắm trên cũng đã được Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra và thu giữ gần 3.000 sản phẩm là túi xách, ví, dây nịt, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo…, tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.

Theo một cán bộ Quản lý thị trường, việc kiểm tra, xử phạt các đối tượng buôn bán hàng nhái, hàng giả rất khó khăn vì khi đến kiểm tra, các chủ sạp kinh doanh thường tẩu tán tài sản bằng cách đẩy qua sạp bên cạnh, lực lượng kiểm tra không thể biết và sau đó lại đưa về sạp mình. Hơn thế, hàng giả trông rất giống hàng thật nên không thể xác định ngay từ đầu mà cần phải có xác nhận từ đơn vị sở hữu nhãn hiệu sản phẩm. Và chỉ khi có xác nhận là hàng giả thì quản lý thị trường mới có thể lập biên bản để xử phạt hành chính.

Chia sẻ khó khăn khi xử lý hàng giả, hàng nhái, ông Lưu Trung Hòa, Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) cho biết, hàng năm, quận đều có kế hoạch kiểm tra và xử lý, nhưng lượng xử lý so với lượng sai phạm chưa đáng kể. Thậm chí, còn tăng cường lực lượng và tần suất kiểm tra, xử lý, nhưng cũng khó giải quyết triệt để các tình trạng này. Do đó, bên cạnh việc các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng cũng cần thay đổi nhận thức và hành vi mua sắm để hạn chế việc bán hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu.

Trước đó, Hải quan TP.HCM phối hợp các cơ quan chuyên trách đã phát hiện một container hàng hóa nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam. Lô hàng với hàng ngàn sản phẩm chăn, gối, nệm… nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên ngoài mỗi kiện hàng ghi “Made in China”, nhưng khi làm thủ tục thông quan, kiểm tra hàng hóa bên trong thì trên mỗi sản phẩm lại ghi “Made in Vietnam” kèm theo tên, địa chỉ đơn vị sản xuất ở Việt Nam. Lô hàng trị giá khoảng 600 triệu đồng.

Để kiểm soát thị trường cuối năm 2019, cũng như trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở địa phương mình quản lý. Theo đó, yêu cầu quản lý thị trường các địa phương tập trung kiểm soát, kiểm tra các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến… Tổng cục Quản lý thị trường cũng nhận định, từ nay đến cuối năm, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ gia tăng mạnh mẽ. Do đó, kế hoạch trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ nhằm vào việc trấn áp hàng hóa giả mạo thông qua các chiến dịch càn quét tại các trung tâm thương mại, các chợ, cửa hàng và khu sản xuất.

“Hiện vụ việc vi phạm buôn bán hàng giả nhãn hiệu ở chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Song song đó, thực hiện kế hoạch tăng cường kiểm tra chống hàng lậu, hàng giả trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường nắm tình hình địa bàn được phân công, xây dựng phương án kiểm tra đột xuất, xử lý triệt để các điểm kinh doanh hàng giả trên địa bàn mình phụ trách”, ông Nguyễn Văn Bách, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết.

Bài và ảnh Minh Lâm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tan-cong-manh-hang-nhai-hang-gia-o-tphcm-94747.html