Tấn công trường học tại Nga và góc nhìn chuyên gia

Tại Nga, cách đây 9 năm, đã xảy ra vụ xả súng đầu tiên ở một trường học thuộc quận Otradnoye thành phố Moscow làm hai người chết và một người bị thương nặng. Từ đó đến nay, tại 'Xứ sở Bạch Dương' đã tiếp tục xảy ra thêm 12 vụ tấn công đẫm máu ở trường học các cấp. Nhà chức trách Nga đã áp dụng một số biện pháp nhằm ngăn chặn những thảm kịch học đường. Giới chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến mang tính giáo dục và định hướng tâm lý.

Ám ảnh những vụ xả súng và bạo lực học đường

Ngày 3/2/2014 học sinh lớp 10 Sergei Gordeev đã mang một khẩu carbine và một khẩu súng trường đến Trường số 263 ở quận Otradnoe, thành phố Moscow, bắn chết một giáo viên địa lý rồi bắt các bạn cùng lớp làm con tin. Sau đó, đối tượng nổ súng vào các sĩ quan cảnh sát đến hiện trường.

Hiện trường vụ nổ súng ở Trường số 263 ở quận Otradnoe, thành phố Moscow năm 2014. Ảnh: Báo Buổi tối Moskva

Hiện trường vụ nổ súng ở Trường số 263 ở quận Otradnoe, thành phố Moscow năm 2014. Ảnh: Báo Buổi tối Moskva

Vụ xả súng làm 1 nhân viên đội tuần tra thiệt mạng và một người khác bị thương nặng. Sau các cuộc thương lượng với sự tham gia thuyết phục của cha Gordeev, kẻ tấn công mới chịu thả con tin và đầu hàng.

Nguồn dữ liệu: Gorod.mos.ru

Nguồn dữ liệu: Gorod.mos.ru

Qua quá trình điều tra và xét xử, Tòa án quận Butyrsky ở Moscow ra quyết định đưa Gordeev đi điều trị tâm thần bắt buộc. Luật sư của các nạn nhân đã phản đối, nhưng không thể thay đổi được quyết định cuối cùng của tòa án sau nhiều lần kháng cáo và xét xử phúc thẩm.

Sau thảm kịch này, 3 năm liên tiếp tại các trường học của Nga đã không xảy ra vụ xả súng nào.

Vụ xả súng thứ hai xảy ra năm 2017 ở Ivanteevka làm bốn người bị thương.

Năm 2018, các cuộc tấn công bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn. Chỉ trong vòng một tuần giữa tháng 1 đã liên tiếp xảy ra hai vụ việc đáng tiếc.

Tại Perm, hai thiếu niên tấn công bằng dao làm bị thương 12 học sinh, một giáo viên.

Trong khi ở Ulan-Ude, một trẻ vị thành niên đã dùng rìu làm bị thương năm học sinh và một giáo viên rồi phóng hỏa đốt lớp học.

Tháng 4/2018, tại Sterlitamak, một thiếu niên dùng dao đâm chết một học sinh và một giáo viên, phóng hỏa đốt lớp học rồi tự sát.

Liên tục sau đó là các vụ thảm sát xảy ra tại Trường Cao đẳng Bách khoa Kerch (2018), Trường Cao đẳng Xây dựng Amur (2019), nhà thi đấu Số 175 ở Kazan và Đại học Perm (2021).

Thảm kịch mới đây nhất xảy ra tháng 9 năm ngoái tại trường số 88 ở Izhevsk. Artem Kazantsev, 34 tuổi, xông vào trường với một khẩu súng lục và bắn tất cả những ai xuất hiện trong tầm mắt của mình.

Các vụ tấn công trường học tại Nga gần đây gióng lên hồi chuông cảnh báo về xu hướng gia tăng không ngừng đe dọa, rình rập các em học sinh, trở thành nỗi ám ảnh thực sự với người dân tại “Xứ sở Bạch Dương”.

Các vụ tấn công trường học đã trở thành nỗi ám ảnh thực sự. Ảnh minh họa: Regnum.ru

Các vụ tấn công trường học đã trở thành nỗi ám ảnh thực sự. Ảnh minh họa: Regnum.ru

Chính quyền phải hành động

Sau vụ xả súng đầu tiên năm 2014, Chính quyền Nga đã có nhiều biện pháp để cải thiện tình hình an ninh học đường.

Tất cả các trường học đều phải lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, bộ phận bảo vệ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ.

Cảnh sát làm việc tại hiện trường sau một vụ xả súng. Ảnh: Regnum.ru

Cảnh sát làm việc tại hiện trường sau một vụ xả súng. Ảnh: Regnum.ru

Việc ra vào các cơ sở giáo dục cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Giáo viên, học sinh và nhân viên đều phải có thẻ ra vào dạng giấy hoặc từ tính, nếu không có thẻ thì phải xuất trình giấy tờ tùy thân và nhận giấy ra vào tạm thời có hiệu lực trong ngày.

Nhiều cơ sở giáo dục được trang bị hệ thống soi chiếu an ninh có chức năng phát hiện các loại vũ khí, vật liệu nổ hay công cụ hỗ trợ có khả năng gây sát thương.

Nhiều biện pháp đã được thực thi để cải thiện tình hình an ninh học đường. Ảnh: rg.ru

Nhiều biện pháp đã được thực thi để cải thiện tình hình an ninh học đường. Ảnh: rg.ru

Nội dung tuyên truyền, phổ biến về kỹ năng sinh tồn trong trường hợp xảy ra xả súng hay tấn công khủng bố cũng được lồng ghép vào chương trình giảng dạy bổ trợ ở tất cả các cấp học với nhiều hình thức khác nhau. Trẻ được nghe, trò chuyện với các chuyên gia đến từ các cơ quan chức năng về những điều nên và không nên làm khi ở gần hoặc phải đối diện với những kẻ tấn công nguy hiểm.

Thảm kịch có thể tránh được nếu thanh thiếu niên được nuôi dưỡng về nghệ thuật.

Tổng thống Nga Putin

Việc xây dựng nền tảng văn hóa tinh thần cho giới trẻ cũng được quan tâm. Sau vụ xả súng đầu tiên năm 2014, Tổng thống Putin cho rằng, thảm kịch có thể tránh được nếu thanh thiếu niên được nuôi dưỡng về nghệ thuật. “Chúng ta cần giáo dục một thế hệ khán giả mới có gu nghệ thuật tốt, có thể hiểu và đánh giá cao nghệ thuật sân khấu, kịch và âm nhạc. Và nếu chúng ta làm đúng, thì có lẽ đã không xảy ra thảm kịch như ngày hôm nay ở Moscow”, Hãng tin Interfax dẫn lời lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Tòa nhà Duma Quốc gia Nga. Ảnh: Ria Novosti

Tòa nhà Duma Quốc gia Nga. Ảnh: Ria Novosti

Việc kiểm soát vũ khí cũng được quan tâm thảo luận. Năm 2018, sau vụ thảm sát ở trường Đại học Kerch, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia tăng cường kiểm soát lưu hành vũ khí, và cơ quan này đã đề xuất nâng tuổi được phép mua vũ khí lên 21 tuổi thay vì 18 tuổi như trước đó, đồng thời thắt chặt các điều kiện cấp phép.

Tháng 5/2021, sau vụ xả súng ở Kazan, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga chính thức thông qua dự luật cấm cấp giấy phép sử dụng súng cho những người có hai tiền án trở lên, cũng như những người bị phạt hành chính vì lái xe khi say rượu hoặc từ chối kiểm tra.

Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng tại trường học số 88 ở Izhevsk khiến 19 người chết, 23 người bị thương. Ảnh: TASS

Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng tại trường học số 88 ở Izhevsk khiến 19 người chết, 23 người bị thương. Ảnh: TASS

Vấn đề nằm ở phần chìm của tảng băng

Theo báo chí Nga, một số chuyên gia bày tỏ các ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của các biện pháp hiện hữu, họ cho rằng vấn đề đang nằm ở phần chìm của tảng băng, cần có cái nhìn thực tế và cấp bách hơn về vấn đề tấn công học đường hiện nay.

Luật sư Yulia Fedotova

Luật sư Yulia Fedotova

Trao đổi với truyền thông Nga, luật sư Yulia Fedotova (tỉnh Sverdlovsk) cho rằng, việc đưa ra các đạo luật về “hạn chế lưu hành vũ khí” hay hạn chế trò chơi điện tử và các đề xuất khác của các quan chức ở Nga hay Mỹ chưa thể giải quyết được cái gốc của vấn đề. Một người không giết hại người khác vì đã chơi một trò chơi, mà vì anh ta đã trải qua những trạng thái cảm xúc thực sự tồi tệ. Những người hạnh phúc sẽ không làm hại ai cả. Vấn đề nằm ở chỗ: tại sao học sinh lại cảm thấy tồi tệ đến mức quyết định cướp đi mạng sống bạn cùng lớp của mình?

Nhà nước cần tập trung vào việc phát triển dịch vụ chăm sóc tâm lý và sức khỏe tâm thần cho công dân.

Luật sư Yulia Fedotova

Nếu nhìn sâu hơn từ khía cạnh đó thì việc hạn chế vũ khí hay cấm đoán bất kỳ thứ gì khác cũng không giúp ích được gì. Nếu một người cần đến súng, anh ta sẽ tìm mọi cách để có được thứ mình muốn bất kể cách đó là hợp pháp hay không. Chính vì vậy, nhà nước cần tập trung vào việc phát triển dịch vụ chăm sóc tâm lý và sức khỏe tâm thần cho công dân.

Yulia Fedotova bày tỏ quan điểm và nhấn mạnh rằng, cần làm sao để mọi học sinh từ mẫu giáo cho đến đại học được chia sẻ về cảm xúc và trải nghiệm của mình.

Muốn vậy, phải từng bước thay đổi thái độ đối với tâm lý học và tâm thần học, coi đó là những điều bình thường, tránh thái độ coi thường hay miệt thị. Các bậc cha mẹ phải thấu hiểu và quan tâm đến con cái nhiều hơn, đồng thời định hướng để trẻ có thái độ và hành vi đúng đắn hơn trong quan hệ với bạn bè. Hoạt động hỗ trợ tâm lý, phổ biến kiến thức tâm lý phải là chỗ dựa để bất cứ ai cảm thấy tồi tệ đều có thể tìm đến và giải tỏa căng thẳng.

Hoạt động hỗ trợ tâm lý, phổ biến kiến thức tâm lý phải là chỗ dựa để bất cứ ai cảm thấy tồi tệ đều có thể tìm đến và giải tỏa căng thẳng

- Luật sư Yulia Fedotova -

 Nhà tâm lý học Denis Davydov

Nhà tâm lý học Denis Davydov

Đồng tình với quan điểm trên, nhà tâm lý học Denis Davydov (thành phố Saint-Peterburg) chia sẻ, để hạn chế các vụ xả súng ở các trường học ở Nga, cần tạo ra các điều kiện để loại bỏ hành vi bắt nạt và bất kỳ sự khó chịu nào trong môi trường học đường. Học sinh cần cảm thấy thoải mái không chỉ trong mối quan hệ với giáo viên, bạn bè mà cả ở trong không gian trường lớp.

Nhà tâm lý học giải thích: “Đừng biến trường học thành một chiếc hộp bê tông lạnh lẽo, mà hãy tạo ra một không gian thoải mái với các lớp học nhỏ, nơi giáo viên có thể quan tâm đến từng học sinh”.

Học sinh cần cảm thấy thoải mái không chỉ trong mối quan hệ với giáo viên, bạn bè mà cả ở trong không gian trường lớp. Ảnh minh họa: tass.ru

Học sinh cần cảm thấy thoải mái không chỉ trong mối quan hệ với giáo viên, bạn bè mà cả ở trong không gian trường lớp. Ảnh minh họa: tass.ru

Hiện nay, thanh thiếu niên hiện sống trong một xã hội mà sự lo lắng, căng thẳng và sợ hãi đã gia tăng trong một thời gian dài, đặc biệt là trong hai năm qua do đại dịch Covid-19 và những hệ lụy của xung đột.

Về vấn đề này, bác sĩ tâm lý Svetlana Poluboyarskikh (thành phố Ekaterinburg) cho biết, nhiều người trẻ đang lo lắng và tỏ ra bi quan về tương lai, họ không tìm thấy lý tưởng và mục tiêu sống cho mình. Đó là nguyên nhân dẫn đến những hành vi mất kiểm soát. Trong hai năm qua, số lượng thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn cảm xúc (lo âu, trầm cảm) đã tăng lên đáng kể. Nhiều người bị bệnh nặng dẫn đến các hành động cực đoan, thậm chí tự sát.

Bác sĩ tâm lý Svetlana Poluboyarskikh

Bác sĩ tâm lý Svetlana Poluboyarskikh

Bác sĩ cho biết, trong một xã hội như vậy người trẻ tuổi thường dễ bị kích động, không ổn định về cảm xúc hoặc có xu hướng hạn chế tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa, không có bạn thân để có thể chia sẻ cảm xúc. Căng thẳng kéo dài kéo theo chứng rối loạn cảm xúc, đặc biệt là biểu hiện của mong muốn làm hại người khác.

Thái độ của giáo viên với học sinh cũng là một yếu tố quan trọng. Mối quan hệ không tốt giữa học sinh và giáo viên là một trong những lý do có thể dẫn đến những tình huống bạo lực học đường.

Mới đây, ở Ekaterinburg, một giáo viên tại phòng tập thể dục số 94 đã dùng băng dính dán vào miệng một học sinh lớp ba. Có khả năng là giáo viên này chỉ mất bình tĩnh, nhưng hành vi đó khó có thể chấp nhận trong xã hội hiện đại. Những hành vi đó cũng dễ bị học sinh bắt chước và khiến cho tình trạng bạo lực học đường ngày càng trở nên nhức nhối.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, con trẻ cần nhiều hơn sự tương tác với cha mẹ, người thân và đặc biệt là thầy cô và bạn bè. Ảnh minh họa: Regnum.ru

Trong xã hội hiện đại ngày nay, con trẻ cần nhiều hơn sự tương tác với cha mẹ, người thân và đặc biệt là thầy cô và bạn bè. Ảnh minh họa: Regnum.ru

Câu chuyện chung quanh vấn đề bạo lực học đường ở Nga rất đáng suy ngẫm. Trong xã hội hiện đại ngày nay, con trẻ cần nhiều hơn sự tương tác với cha mẹ, người thân và đặc biệt là thầy cô và bạn bè.

Trước khi trông cậy vào “cây roi” pháp luật, người lớn hãy là những tấm gương chuẩn mực về hành vi để trẻ “bắt chước”, và quan trọng hơn, hãy là những người bạn thực sự để bất cứ lúc nào trẻ cũng có thể chia sẻ những vui buồn, để chúng tìm thấy niềm vui giao tiếp với những người xung quanh, qua đó tránh được những cảm xúc tiêu cực dồn nén.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tan-cong-truong-hoc-tai-nga-va-goc-nhin-chuyen-gia-post750222.html