Tân Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản: Nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển
Trong ngày đầu tiên trên cương vị mới, tân Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Ngô Giang Hạo khẳng định sẽ nỗ lực duy trì và thúc đẩy quan hệ Nhật-Trung phát triển lành mạnh và ổn định.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sau khi tới Nhật Bản ngày 21/3 để bắt đầu nhiệm kỳ của mình, thay cho người tiền nhiệm Khổng Huyễn Hựu, Đại sứ Ngô Giang Hạo đã có buổi trả lời báo chí sở tại ngay tại sân bay quốc tế Narita. Ông Ngô Giang Hạo cho rằng, suốt chiều dài lịch sử, mặc dù quan hệ hai nước có những thăng trầm nhưng bước vào thời đại mới, hai nước láng giềng này cần phải học hỏi từ lịch sử và cùng nhau kiến tạo tương lai tốt đẹp, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi.
Tân Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản nhấn mạnh, hai nước cần lấy nền tảng là bốn văn kiện chính trị Trung-Nhật quan trọng, tuân theo những đồng thuận mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt được, cùng nhau loại bỏ những rào cản, thúc đẩy quan hệ song phương đi theo đúng quỹ đạo ổn định và lành mạnh. Ông cho rằng, hợp tác thiết thực giữa hai nước có tiềm năng lớn, nền tảng vững chắc và triển vọng rộng lớn. Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua đã mở ra một hành trình hiện đại hóa Trung Quốc kiểu mới, tạo thêm động lực mới để thúc đẩy chính sách ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc và mở cửa chất lượng cao của Trung Quốc, chắc chắn sẽ mang lại những cơ hội mới cho giao lưu và hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, hai bên cần nâng tầm hợp tác, mở rộng lợi ích chung, mang lại thành quả lớn hơn cho nhân dân hai nước.
Theo Đại sứ Ngô Giang Hạo, năm nay đánh dấu 45 năm ngày ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung-Nhật, hai nước cần cùng nhau nhìn lại tinh thần của hiệp ước và thúc đẩy quan hệ song phương phát triển lành mạnh. Ngoài ra, là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản còn gánh vác trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, đóng góp thiết thực vào ổn định kinh tế và tài chính thế giới. Hai bên cần duy trì hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cũng như các chuẩn mực cơ bản lấy tôn chỉ của Liên hợp quốc làm nền tảng, tránh tư duy Chiến tranh Lạnh, giảm nguy cơ xung đột, đối đầu.