Đó là chia sẻ của bà Triệu Thị Tiến, xóm Thung Dao Bắc, một trong số ít người không tham gia vào những cuộc truy lùng giun đất cả ngày, đêm suốt hơn 1 năm qua trên địa bàn xã Tú Sơn (Kim Bôi).
Giàn sấy giun bằng lưới sắt nằm ngổn ngang sau gần 1 tháng lò sấy dừng hoạt động. "Nóng” tình trạng tận diệt giun đất ở Thung Rếch Thung Rếch là tên gọi chung của 3 xóm: Thung Dao Bắc, Thung Mường và Kim Bắc, một vùng đất yên bình, với cảnh sắc mây núi trữ tình từ lâu đã đi vào thi ca. Vùng đất này là nơi sinh sống của bà con người Mường, người Dao, thu nhập hoàn toàn dựa vào làm nông nghiệp. Dù địa hình cao, nhưng Thung Rếch được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát lành, đất đai ẩm, màu mỡ nên trong đất có nhiều loài sinh vật có lợi cho hoa màu, nhất là giun đất. Do đó, những năm trở lại đây, nhờ trồng mía, trồng ngô, đời sống của bà con đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, suốt hơn 1 năm qua, người dân nơi đây lại đang tự hủy hoại tài nguyên đất do thiên nhiên ưu đãi, khi ngày, đêm mang máy xung điện đi kích giun đất. Về Thung Rếch vào những ngày cuối tháng 11, tình trạng khai thác giun đất tạm lắng sau sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, theo người dân cho biết, vẫn còn những người lén lút đi kích giun vào ban đêm. Trong 3 xóm, xóm Thung Dao Bắc "nóng” nhất, cả xã Tú Sơn có 6 lò sấy giun, tất cả đều nằm ở xóm này. Trưởng xóm Thung Dao Bắc Triệu Xuân Tình cho biết: Cuối năm 2019, khi phát hiện tình trạng dùng máy xung điện kích giun đất, Ban quản lý xóm đã nhiều lần can thiệp, tuyên truyền đến bà con, nhưng vì lợi nhuận kinh tế cao nên rất khó ngăn chặn. Ban đầu, giá thu mua 25 nghìn đồng/kg, mấy tháng gần đây tăng gấp đôi, lên 50 nghìn đồng/kg. Thời gian đầu, bà con thuê máy kích giun của các chủ lò sấy, sau nhiều người đầu tư mua máy, giá khoảng 5 triệu đồng/máy. Thời điểm rộ nhất, cả xóm có khoảng 30 máy kích. Không chỉ kích giun trên núi, vườn nhà, nhiều người còn đi kích giun trộm ở vườn của người khác. Đã có những hộ dân phản ánh đến chính quyền việc họ bị người lạ vào vườn kích giun trộm. "Khoảng nửa tháng nay, các lò sấy dừng hoạt động, tình trạng bà con đi kích giun đã giảm đến 70% so với trước đây” - Trưởng xóm Thung Dao Bắc Triệu Xuân Tình cho biết. Theo người dân chia sẻ, thời điểm các lò sấy giun hoạt động rầm rộ, mùi tanh rất khó chịu. Chúng tôi đến "mục sở thị” lò sấy giun của ông D.K.L ở xóm Thung Dao Bắc. Lò sấy rộng chừng hơn 10 m2, bên trong là những giàn sấy bằng lưới sắt, bên ngoài có ti ô dẫn nước để mổ giun trước khi đưa vào lò sấy, phía dưới là hố chứa nước thải bốc mùi nồng nặc. Chưa nói đến những hậu quả nặng nề do tận diệt giun đất gây ra, việc mổ giun, sấy giun đã gây tình trạng ô nhiễm môi trường mà ai cũng nhìn thấy được. Cần chấm dứt hành động tận diệt giun đất Theo Trưởng xóm Thung Dao Bắc chia sẻ, khi ông và Ban quản lý xóm đến tuyên truyền, nhiều người dân bày tỏ, họ cũng biết làm vậy có hại, nhưng vì lợi nhuận cao, vì những khó khăn về kinh tế do đầu ra của nông sản bấp bênh nên họ vẫn cứ làm. Gia đình bà Triệu Thị Tiến là một trong những hộ ở Thung Dao Bắc lên án mạnh mẽ việc khai thác giun đất. Không chỉ lo ngại về việc hủy hoại đất, gia đình bà Tiến từng bị người lạ vào kích giun trộm lúc nửa đêm. "Họ làm ban đêm nên không bắt được, sáng ra thấy giun chết nhiều mới biết bị kích giun trộm. Gia đình tôi phải mua lưới sắt về rào xung quanh vườn. Việc kích giun là không nên, vì trước mắt được vài đồng, nhưng về sau lại khổ cho con cái. Nhiều người bỏ hẳn vườn tược, có nhà trồng ngô nhưng không làm cỏ, vì mải đi kích giun để bán”- bà Tiến cho biết thêm. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bạch Công Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: Khi phát hiện, chính quyền đã vào cuộc quyết liệt, nhưng do chưa có chế tài để xử lý nên biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền. Cách đây 4 tháng, công an môi trường về làm việc đã thu 1 máy kích giun, nhưng sau đó trả lại vì không có chế tài xử lý. Hiện nay, không còn đối tượng ở địa phương khác đến kích giun trên địa bàn xã, nhưng vẫn còn một số đối tượng hoạt động lén lút. Để xử lý dứt điểm, cần có văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ. Đó cũng là mong muốn của Trưởng xóm Thung Dao Bắc Triệu Xuân Tình, bởi hiện nay, biện pháp ngăn chặn chính vẫn là tuyên truyền, vận động. Ngoài xã Tú Sơn của huyện Kim Bôi, tình trạng khai thác giun đất bằng các hình thức tận diệt cũng đã từng xảy ra trên địa bàn huyện Cao Phong. Tháng 11/2019, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1920/UBND-NNTN về việc tăng cường kiểm soát hoạt động đánh bắt giun đất và các sinh vật hoang dã khác. Văn bản nêu rõ: Đây là hành vi khai thác hủy diệt nguồn tài nguyên sinh vật trong đất, bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Ngày 16/11/2020, Sở NN&PTNT đã có Văn bản số 2338/ SNN-TT&BVTV về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác giun đất. Trong văn bản cũng nêu rõ: Giun đất có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, chúng giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm tốt; phân giun là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng. Tình trạng người dân đào bới giun đất bán cho tư thương, sử dụng nước vôi, nước xà phòng, nước rửa bát, dùng kích điện để bắt giun đều là các biện pháp hủy diệt giun đất, hệ sinh vật trong đất, nguy cơ suy thoái đất, gây bức xúc trong cộng đồng. Với việc khai thác tận diệt như vừa qua, rồi giun đất sẽ không còn. Thế nhưng, thế hệ con cháu chúng ta không thể không có đất để làm tư liệu sản xuất. Chấm dứt hành động tận diệt giun đất cũng là bảo vệ cho chính mình. Viết Đào