Tận diệt thủy sản ở hồ Dầu Tiếng

Tình trạng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và hệ sinh thái hồ Dầu Tiếng

Mặc dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tây Ninh phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm nhưng tình trạng nêu trên vẫn tái diễn.

Khai thác xuyên đêm

Từ phản ánh của người dân, tháng 4-2024, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến khu vực hồ Dầu Tiếng để ghi nhận. Nhiều ngày lênh đênh trên mặt hồ, chúng tôi phát hiện một số trường hợp sử dụng ngư cụ như: ghe nhủi, xung điện… để đánh bắt cá.

Chỉ tay về phía 2 người đang dùng ngư cụ bằng điện đánh bắt thủy sản, ông T. (sống ở Đảo Nhím, tỉnh Tây Ninh) bức xúc: "Cảnh này tôi bắt gặp thường xuyên. Nhiều trường hợp mới bị phạt hôm trước nhưng hôm sau vẫn sử dụng ngư cụ bằng điện để tận diệt thủy sản".

Theo ông T., để qua mặt cơ quan chức năng, nhóm người này thường hoạt động từ 17 giờ ngày hôm trước đến 7 giờ ngày hôm sau rồi di chuyển ghe về tập kết ở mép bờ hồ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. "Trong các loại ngư cụ tận diệt thủy sản, xung điện là vật dụng rất nguy hiểm không chỉ với thủy sản mà cả tính mạng của con người. Chỉ cần bỏ ra khoảng 2 triệu đồng mua bình ắc-quy, công cụ bằng sắt, lưới… sẽ tạo ra một bộ xung điện để đánh bắt cá" - ông T. lắc đầu ngao ngán.

Chúng tôi được một ngư dân khác tên H. (sinh sống ở đảo Nhím) dùng ghe chở đến khu vực có khoảng chục ghe máy đang tập kết ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ông H. khẳng định nhóm người này chuyên dùng ngư cụ bị nghiêm cấm để tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng. Chúng tôi tiếp cận 1 người đàn ông để hỏi lý do sử dụng ngư cụ nguy hiểm đánh bắt cá thì người này thản nhiên nói để kiếm nhiều tiền mà không hề hay biết là vi phạm pháp luật.

Ghe nhủi dùng để khai thác thủy sản trên hồ Dầu Tiếng thuộc tỉnh Tây Ninh

Ghe nhủi dùng để khai thác thủy sản trên hồ Dầu Tiếng thuộc tỉnh Tây Ninh

Theo ông H., vì lợi nhuận mang lại khá cao nên một số trường hợp sau khi bị lập biên bản, tịch thu phương tiện, vẫn tiếp tục vay tiền đóng ghe mới để hành nghề. "Đa số trường hợp vi phạm đều có hoàn cảnh khó khăn, không am hiểu pháp luật. Vì cuộc mưu sinh mà họ bất chấp cả tính mạng. Thậm chí nhiều vụ va chạm phương tiện xảy ra trên hồ Dầu Tiếng do những người này tắt đèn để đánh bắt cá sai quy định, may là không có người thương vong" - ông H. nói.

Anh Nguyễn Văn Hiền (ngư dân đánh bắt cá trên hồ Dầu Tiếng), cho biết trước đây anh đi thả lưới mỗi ngày có thể kiếm khoảng 100 kg cá các loại nhưng giờ thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt. "Tôi rất bức xúc về kiểu đánh bắt cá tận diệt. Tôi mong cơ quan chức năng làm quyết liệt để bảo vệ nguồn thủy sản trong hồ Dầu Tiếng" - anh Hiền mong mỏi.

Cũng theo anh Hiền, từ khi nhóm ghe nhủi hoạt động trên hồ Dầu Tiếng đã ủi rách hết tay lưới nên anh phải đi sắm mới tốn rất nhiều tiền.

Nhiều trường hợp bị xử lý

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, từ tháng 9 đến 11-2023, đơn vị đã phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam, Công an huyện Dương Minh Châu và các đơn vị khác thực hiện 10 lượt kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trong hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông. Qua kiểm tra cho thấy các trường hợp thường sử dụng ngư cụ cấm như: Lồng xếp (còn gọi là "lợp xếp", "lợp bát quái", lờ dây hay "12 cửa ngục"); dớn (còn gọi là "dến" hay "lú"); đăng; te, xiệp (còn gọi là "ghe nhủi" hoặc "ủi dồn"); nghề lưới kéo (ghe cào); xung điện; ngư cụ kết hợp ánh sáng để khai thác thủy sản.

Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đã phát hiện 16 trường hợp vi phạm nhưng không xác định được đối tượng vi phạm. Cụ thể, tại khu vực xã Hòa Hội, huyện Châu Thành phát hiện 3 trường hợp sử dụng xung điện để khai thác thủy sản. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính và tạm giữ 4 bình ắc-quy, 5 bộ kích điện…

Tại khu vực xã Tân Thành, huyện Tân Châu phát hiện 11 trường hợp tàng trữ ngư cụ cấm (lưới nhủi) trên phương tiện, 1 trường hợp sử dụng lưới dớn và 1 trường hợp sử dụng lồng xếp để khai thác thủy sản. Đoàn kiểm tra tạm giữ 11 tấm lưới nhủi, 30 m lưới dớn, 2 túi dớn, 2 cái lồng xếp và bàn giao vụ việc cho Công an xã Tân Thành xử lý.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, mặc dù đơn vị liên tục kiểm tra, xử lý nhưng vẫn còn tình trạng người dân sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Đa số người vi phạm là người nghèo, không có nơi ở cố định, không có điều kiện chấp hành xử phạt vi phạm hành chính. Những trường hợp này khi gặp đoàn kiểm tra thường hay bỏ chạy, để lại tang vật vi phạm hành chính…

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh khẳng định bảo vệ nguồn lợi thủy sản là vấn đề quan trọng, đòi hỏi sự chú trọng và hợp tác từ các cơ quan chức năng cũng như nhận thức và hành động của cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân, tăng cường quản lý và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân.

Thành lập tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đề nghị các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với sở trong kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, có biện pháp điều tra tổng thể các hộ dân sinh sống ven hồ, từ đó đề xuất những giải pháp quản lý có hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý, đăng ký phương tiện, nghề, con người trong khai thác thủy sản theo quy định hiện hành để việc quản lý khai thác đạt hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, cần vận động, thành lập tổ chức cộng đồng bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản trong hồ Dầu Tiếng để người dân cùng tham gia.

Bài và ảnh: SỸ HƯNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tan-diet-thuy-san-o-ho-dau-tieng-196240422215942321.htm