Tận dụng các lợi thế, Việt Nam - Singapore hợp tác khai thác thị trường Halal

Tận dụng lợi thế Việt Nam là quốc gia sản xuất Halal tiềm năng và Singapore là trung tâm thương mại, hai nước đều là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới... để thâm nhập vào thị trường các quốc gia Hồi giáo...

Sản phẩm Halal là một xu hướng nhiều tiềm năng trong tương lai.

Sản phẩm Halal là một xu hướng nhiều tiềm năng trong tương lai.

Tại Hội nghị hybrid thương mại Halal Việt Nam - Singapore, ông Trần Phước Anh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Singapore, cho rằng trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Singapore luôn phát triển tích cực.

Đặc biệt, tháng 3/2025 Việt Nam và Singapore đã nâng cấp quan hệ hai nước lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện. Singapore là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong ASEAN.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt kỷ lục 31,67 tỷ SGD, tăng 9,49% so với năm 2023. 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 9,81 tỷ SGD, tăng 27,32 % so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các sản phẩm Halal đóng góp một phần quan trọng.

Đánh giá vai trò quan trọng của sản phẩm Halal, Đại sứ Trần Phước Anh chia sẻ năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030", với các định hướng, mục tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể.

Việt Nam xác định phát triển ngành công nghiệp Halal là một trong những hướng đi chiến lược nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm Việt. Do đó, việc xây dựng hành lang pháp lý và hệ thống tiêu chuẩn phục vụ ngành Halal cũng được đẩy mạnh.

Nhấn mạnh tiềm năng của sản phẩm Halal tại thị trường Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore thông tin Singapore với tỷ trọng nông nghiệp rất thấp trong GDP, hiện nay chỉ mới tự chủ được khoảng 10% nhu cầu thực phẩm, 90% còn lại là nhập khẩu.

Tuy nhiên, thực phẩm chế biến lại là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn của Singapore, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 9 tỷ USD/năm, trong đó, tới 70% giá trị xuất khẩu (khoảng 50.000 mặt hàng) là các mặt hàng có chứng nhận Halal. Ước tính của các chuyên gia, thị trường thực phẩm Halal Singapore sẽ giữ mức tăng trưởng khoảng 7-10% trong những năm tới đây.

Với tỷ lệ cao dân số là người Hồi giáo và rất nhiều khách du lịch hàng năm là người Hồi giáo, cộng đồng người Hồi giáo tại Singapore thuộc nhóm dân cư có thu nhập cao và khả năng mua sắm, tiêu dùng lớn. Singapore cũng có hệ thống phân phối các sản phẩm Halal rộng khắp với rất nhiều chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Bên cạnh đó, với vai trò là hub thương mại của khu vực và thế giới, các sản phẩm tạm nhập tái xuất vào thị trường thứ 3 chiếm khoảng 54% tổng kim ngạch xuất khẩu (tương đương 380 tỷ SGD, năm 2022), trong đó có các sản phẩm Halal.

Singapore còn có hệ thống chứng nhận Halal rất tốt, được thừa nhận bởi các quốc gia Hồi giáo như Brunei, Indonesia, Malaysia và các đối tác thương mại lớn, UAE, Úc, Châu Âu và Mỹ. Chính vì vậy, Singapore là cửa ngõ lý tưởng cho sản xuất, thương mại, tái xuất các sản phẩm thực phẩm Halal vào các quốc gia Hồi giáo lớn thông qua hệ thống hạ tầng logistics rất phát triển cho thương mại quốc tế. Halal là một xu hướng nhiều tiềm năng trong tương lai, cho thị trường nội địa Singapopre và tận dụng vai trò trung chuyển của thị trường Singapore đi các quốc gia Hồi giáo khác.

Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cho rằng đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore trong hợp tác thương mại, tận dụng lợi thế quốc gia sản xuất của Việt Nam và lợi thế trung tâm thương mại của Singapore, lợi thế của các FTAs thế hệ mới mà Việt Nam và Singapore đều là thành viên, để thâm nhập vào thị trường các quốc gia Hồi giáo.

Bổ sung thêm, bà Dewi Hartaty Suratty, Giám đốc điều hành của Down Horizon nhìn nhận ngành công nghiệp Halal đã chuyển sang một giai đoạn mới, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa tiêu dùng có đạo đức, chuyển đổi số và sự nổi lên của ASEAN như một trung tâm thương mại Halal.

Vì thế, các doanh nghiệp cần phải hiểu điều này và phải đi trước một bước. Các quốc gia cần thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh Halal và củng cố vị thế của ASEAN như một nhà lãnh đạo hệ sinh thái Halal đáng tin cậy.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tan-dung-cac-loi-the-viet-nam-singapore-hop-tac-khai-thac-thi-truong-halal.htm