TẬN DỤNG CƠ HỘI PHÁT TRIỂN TỪ CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐƯỢC QUỐC HỘI TRAO

Thảo luận tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội đều khẳng định các nghị quyết thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút nguồn lực đầu tư tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế - xã hội và cả nước. Các địa phương đều đã chủ động ban hành ngay chương trình, kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện. Đến nay các nghị quyết đều đi vào cuộc sống, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 5, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 04 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiệu quả phòng, chống đại dịch COVID-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát huy dân chủ, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết để quy định thí điểm một số chính sách mới, một số cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế - xã hội và cả nước.

Chủ động ban hành chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố gồm Cần Thơ, Hải Phòng, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Khánh Hòa và Thừa Thiên - Huế báo cáo kết quả và thảo luận về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tại địa phương mình.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải khẳng định các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ dành cho các địa phương để khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của một số tỉnh/thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị khẳng định Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa là một bước cụ thể hóa quan trọng trong triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Khánh Hòa phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Nghị quyết số 55/2022/QH15 đã đáp ứng lòng mong mỏi, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị, các cơ chế, chính sách đặc thù trong nghị quyết sẽ là đòn bẩy, điểm tựa vững chắc để tỉnh Khánh Hòa biến các tiềm năng, lợi thế trở thành sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện và bền vững, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Về triển khai Nghị quyết, các địa phương đều chủ động ban hành chương trình, kế hoạch hành động nhằm triển khai các nghị quyết của Quốc hội của địa phương mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ có liên quan.

Như tại Khánh Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch về việc học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội; thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch tỉnh để triển khai công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh sâu sát, hiệu quả hơn. Đồng thời, chỉ đạo Đảng đoàn Hội đồng dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khẩn trương cụ thể hóa thành các nghị quyết, quyết định của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai nghị định của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Quang Tuấn

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Quang Tuấn

Còn tại Thừa Thiên – Huế, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Quang Tuấn nêu rõ, toàn tỉnh nhận thức Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tạo cơ chế huy động tối đa nguồn lực đối với tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh. Vì vậy, sau khi Nghị quyết được ban hành, Đảng bộ, chính quyền Thừa Thiên - Huế đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và toàn thể hệ thống chính trị. Để cụ thể hóa tổ chức thực hiện Nghị quyết, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội gắn với thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Quang Tuấn khẳng định, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội, Thừa Thiên – Huế đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân nêu rõ, ngay sau khi Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được ban hành có hiệu lực, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện các sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã có sự phối hợp tốt, đã kịp thời đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo các bộ, ngành Trung ương nhằm thống nhất và tạo sự thuận lợi trong triển khai thực hiện các chính sách. Đến nay 5 chính sách đặc thù đã được triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ kế hoạch đề ra.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã đi vào cuộc sống

Qua thời gian triển khai thực hiện các nghị quyết, đại diện lãnh đạo các địa phương đều khẳng định nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống như chính sách về định mức phân bổ thường xuyên, chính sách về ủy quyền chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, chính sách về phân cấp điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết Cần Thơ đã phối hợp với các tỉnh/thành khác trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thí điểm phân cấp, phê duyệt trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng các khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của đô thị thuộc thành phố Hải Phòng, Cần Thơ và tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay thì thành phố Cần Thơ đã và đang tích cực chỉ đạo tổ chức thực hiện khi phát sinh nhu cầu điều chỉnh quy hoạch theo tình hình thực tế tại địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Cần Thơ Dương Tấn Hiển

Ngoài ra, liên quan đến chính sách về quản lý đất đai, cả Cần Thơ, Hải Phòng, Nghệ An và Thanh Hóa đều được trao cơ chế về chuyển mục đích sử dụng đất. Trên cơ sở đó, các địa phương đã phối hợp với các bộ và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trồng lúa nước 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 hecta, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 hecta, làm cơ sở để tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Quang Tuấn cho biết thêm, cơ chế về nâng hạn mức dư nợ vay đã tạo điều kiện cho địa phương có thêm nguồn vốn tiếp tục đầu tư các dự án quan trọng, góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho biết còn một số chính sách trong triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với các bộ ngành và đề nghị các bộ ngành có liên quan cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình để cùng với các địa phương có cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù sớm đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng thảo luận tại hội nghị

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng thảo luận tại hội nghị

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi các quy định hiện hành để khi phân cấp cho các địa phương thì bảo đảm đồng bộ. Một khi đã phân cấp cho địa phương thì tất cả các việc liên quan bên dưới là phân cấp cho các sở, ngành, các địa phương thì mới thực hiện nhanh được. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sơ kết và tổng hợp những nội dung cơ chế, chính sách đặc thù đã phát huy hiểu quả thực tiễn và có thể áp dụng cho tất cả các địa phương trong cả nước. Đối với một số địa phương trọng điểm cần nghiên cứu một cơ chế đặc thù mới làm sao để cho một vài địa phương bứt phá đi đầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79591