Tận dụng cơ hội thị trường lúa gạo

Mặc dù giá lúa có lúc giảm xuống nhưng thời cơ lúa gạo vẫn còn, khi mà nhu cầu lương thực thế giới rất lớn. Đối với những mặt hàng gạo cao cấp, canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng, vẫn giữ được thị trường tốt.

Không quá lo lắng

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá lúa đông xuân bất ngờ giảm mạnh. Nông dân Nguyễn Văn Đảo (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) cho biết, ông canh tác 3ha lúa Đài Thơm 8, được thương lái đặt cọc giá 8.400 đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, trong khuynh hướng giá lúa giảm chung, thương lái đồng ý mua với giá 7.900 đồng/kg.

“Nếu không đồng ý bán, thương lái sẽ bỏ cọc. Giờ toàn bán lúa tươi tại ruộng, không có kho trữ, để lúa chín rục trên đồng vừa thiệt hại cho nông dân, vừa thiệt hại tiền cọc của thương lái, nên đành phải bán. Tuy không được giá như kỳ vọng nhưng vẫn có lời” - ông Đảo chia sẻ.

Đối với những nông dân bán lúa sau ông Đảo, có thời điểm giá lúa rớt xuống còn 7.200 - 7.300 đồng/kg, giảm rất mạnh so thời điểm giá lúa vượt mốc 9.000 đồng/kg. Sau đó, giá lúa dần bình ổn trở lại, các giống lúa thơm, hạt dài hiện có giá từ 7.700 - 8.000 đồng/kg.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) Huỳnh Thanh Tùng cho biết, sau giai đoạn biến động giá, giá lúa trên thị trường khi thu hoạch vụ đông xuân 2023 - 2024 vẫn ở mức cao so cùng kỳ. Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, giá gạo Việt Nam sẽ giữ ở mức từ bình ổn đến cao, không giảm sâu.

“Đầu tiên phải kể đến các đơn hàng lớn cung cấp gạo cho Indonesia là một sự bảo đảm cho gạo Việt Nam. Thứ hai, do nhu cầu lớn từ thị trường thế giới, khi mà chính sách hạn chế xuất khẩu gạo từ Ấn Độ vẫn chưa được nới lỏng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp; tình hình bất ổn chính trị tại một số khu vực trên thế giới gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu” - ông Tùng đánh giá.

Để tận dụng cơ hội thị trường, Angimex tập trung thu mua và tích trữ các loại lúa gạo khi vụ đông xuân đang thu hoạch rộ; đẩy mạnh tìm kiếm các khách hàng, đối tác mua gạo trắng tập trung; tận dụng tối đa các kho có lò sấy để trữ lúa, đảm bảo nguồn cung dồi dào cho thị trường trong và ngoài nước.

“Angimex tập trung vào phân khúc gạo thơm chất lượng cao; phát triển thị trường khách hàng cao cấp tiêu thụ sản phẩm BL9 lúa tôm. Đồng thời, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cho các nhóm gạo chiến lược nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu cung ứng nội địa và xuất khẩu” - ông Tùng nhấn mạnh.

Định hướng lâu dài

Trên thực tế, dù giá lúa có lúc giảm nhưng ngành hàng gạo vẫn tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2024 của cả nước đạt 4,85 tỷ USD, tăng 6% so cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, gạo là một trong 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: Gỗ 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%), cà-phê 1,9 tỷ USD (tăng 54,2%), gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40%), rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%). Giá xuất khẩu gạo bình quân trong quý I/2024 đạt 661 USD/tấn, tăng 5% so cùng kỳ; sản lượng xuất khẩu đạt 2,07 triệu tấn, tăng 12%.

Theo các doanh nghiệp, để tận dụng tốt cơ hội thị trường lúa gạo, hướng đến ổn định lâu dài, bền vững, cần tham gia tốt vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát thải thấp vùng ĐBSCL đến năm 2030.

“Đây là đề án sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững lớn nhất thế giới. Nếu đề án thực hiện thành công, sẽ góp phần nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo và lợi nhuận của người trồng lúa tăng; áp dụng quy trình canh tác bền vững, ổn định an sinh xã hội và bảo vệ hiệu quả môi trường sống vùng nông thôn, đồng thời giảm phát thải nhà kính, đóng góp vào mục tiêu NetZero của Việt Nam” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn đánh giá.

Theo ông Thòn, ngoài những lợi ích trực tiếp có thể đong đếm, đề án còn giúp nông dân hình thành thói quen canh tác khoa học, tuân thủ quy trình và liên kết sản xuất bền vững; nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Nếu làm chuẩn chỉnh, có thể thực hiện đánh giá và cấp tín chỉ carbon cho vùng trồng lúa đạt chuẩn, hướng tới thị trường carbon trong và ngoài nước, giúp gia tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm lúa gạo.

“Đề án là hướng đi chiến lược, mang tính đột phá, cơ hội rất lớn cho ngành lúa gạo, có thể ổn định cung ứng mỗi năm 9 triệu tấn gạo tại vùng quy hoạch 1 triệu héc-ta cho thị trường xuất khẩu; thuận lợi áp dụng khoa học - kỹ thuật để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều” - ông Thòn nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Angimex Huỳnh Thanh Tùng cho rằng, với vai trò vựa lúa gạo quốc gia của vùng ĐBSCL, Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát thải thấp vùng ĐBSCL đến năm 2030 không những mang đến những giá trị thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực mà còn mang tầm nhìn lớn cho sự phát triển của ngành gạo Việt Nam. Việc này vừa thực hiện các cam kết quốc tế, vừa gắn liền với sứ mệnh nông nghiệp xanh, trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Qua đó, việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất lúa gạo, tận dụng tối đa các phế phẩm từ cây lúa, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao năng suất và cải thiện thu nhập cho người nông dân. Đề án còn tăng cường các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, như: Xâm nhập mặn và giảm phát thải trong quá trình sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau.

“Với ý nghĩa lớn lao của đề án cho toàn khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, Angimex đang cân nhắc phương án tham gia phù hợp với các tiêu chí theo yêu cầu đề án. Với kinh nghiệm hơn 45 năm trong ngành lương thực, Angimex sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển, đổi mới của ngành nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo” - ông Tùng khẳng định.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tan-dung-co-hoi-thi-truong-lua-gao-a391873.html