Tận dụng cơ hội và tỉnh táo thu hút FDI
Trước thông tin Mỹ áp thuế với Trung Quốc có thể dẫn tới xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2019 ngày 27/6 nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành phải tỉnh táo để tận dụng cơ hội mà vẫn có những giải pháp tránh việc đầu tư lẩn tránh, lợi dụng xuất xứ nguồn gốc tại Việt Nam.
Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện đang gia tăng nhanh chóng. Nhìn vào số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng năm 2019, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 2,2 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, sau Hồng Kông, Hàn Quốc. Trước đó, vào tháng 5/2019, Trung Quốc đứng thứ 4 trong bảng tổng sắp.
Ông Nguyễn Nội - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư tư nước ngoài - cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tác động đến Việt Nam, trong ngắn hạn chưa thể kết luận chính thức. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận định khi Mỹ áp thuế cao, có thể có sự chuyển dịch đầu tư.
“Thuận lợi là chúng ta đón nhận dự án đầu tư tốt, nhưng hạn chế là ngăn chặn dự án chất lượng không cao, gian lận xuất xứ, các dự án có tác động không tốt đến môi trường. Các vấn đề này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trong Đề án Tổng kết nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI. Thời gian tới, sẽ có giải pháp nghiên cứu và sửa đổi liên quan đầu tư” – ông Nguyễn Nội cho biết thêm.
Cũng liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, có ý kiến lo ngại, khả năng Việt Nam có thể bị áp thuế từ Mỹ. Ông Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm kinh tế dự báo - cho hay, việc áp thuế của Mỹ thường dựa vào ba tiêu chí: một là thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội GDP, hai là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD và sự can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
"Có một tiêu chí là can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối chúng ta không phạm nên khả năng bị áp thuế là không có và vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách theo dõi" - ông Lương Khôi khẳng định.
Đối với nguy cơ lẩn tránh và chuyển hàng sang Việt Nam, ông Lương Văn Khôi cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra rất căng thẳng. Với đánh giá tác động, về ngắn hạn có thể giúp Việt Nam tiếp cận thị trường, nhưng về trung và dài hạn sẽ bị tác động tiêu cực, do bị ảnh hưởng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, các vấn đề cần đặt ra đó là chuỗi cung ứng và chuyển giao công nghệ.
“Do đó, để ứng phó cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá cũng như tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại ngăn chặn hàng nước ngoài đội lốt vào Việt Nam, kiểm soát chặt hàng hóa nhập vào Việt Nam mà chỉ lắp ráp giản đơn để xuất vào Mỹ.” – ông Lương Văn Khôi chia sẻ.
Thông tin thêm về tin mừng đối với Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, ngày 30/6 tới, song hành cùng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thì Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (IPA) sẽ được ký kết. Điều này thể hiện trang mới trong chính sách đối với thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục có chế độ đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư thông qua cơ chế đa phương, cũng thể hiện rõ chủ trương của Chính phủ trong việc tiếp tục theo đuổi thương mại tự do và đa phương.
“Đối với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đón nhận cả thách thức lẫn cơ hội. Vấn đề là Chính phủ, các bộ ngành phải tỉnh táo để tận dụng cơ hội mà vẫn có giải pháp tránh việc đầu tư lẩn tránh, lợi dụng xuất xứ nguồn gốc tại Việt Nam. Bộ cũng nắm bắt thường xuyên, cập nhật để hạn chế tối thiểu tác động ngược chiều không mong muốn mà căng thẳng Mỹ - Trung mang lại" – Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tan-dung-co-hoi-va-tinh-tao-thu-hut-fdi-121639.html