Tận dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước

Phòng vệ thương mại (PVTM) là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp (DN), ngành hàng cần tận dụng hiệu quả các công cụ này để phòng vệ. Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với phóng viên Báo Kiểm toán.

DN ngành nhôm, thép đang dần thành thạo trong việc sử dụng các công cụ PVTM. Ảnh minh họa

DN ngành nhôm, thép đang dần thành thạo trong việc sử dụng các công cụ PVTM. Ảnh minh họa

Thưa bà, xin bà cho biết các công cụ PVTM có vai trò, ý nghĩa như thế nào đối với ngành sản xuất nội địa?

Trong thương mại quốc tế, các biện pháp PVTM là công cụ để ngành sản xuất nội địa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước hàng hóa nước ngoài nhập khẩu. Cụ thể, ở Việt Nam, công cụ này cho phép ngành sản xuất nội địa có thể nộp “Đơn yêu cầu” (hay còn gọi là “Đơn kiện”) tới Bộ Công Thương đề nghị tiến hành điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hoặc biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu, nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế và hoạt động kinh doanh hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, cần chú ý là PVTM là các công cụ để phòng vệ, không phải để bảo hộ. Nói cách khác, không phải cứ lúc nào ngành sản xuất nội địa cạnh tranh khó khăn, vì bất kỳ nguyên nhân gì, là đều có thể dùng các công cụ này. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các biện pháp PVTM chỉ có thể được sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất nội địa chống lại hiện tượng hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh và để khắc phục các thiệt hại đáng kể từ các hiện tượng này.

Pháp luật về PVTM của Việt Nam dù đã được sửa đổi tổng thể vào năm 2017-2018 và đã cho thấy những hiệu quả ban đầu tích cực, song vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, khiến việc áp dụng trên thực tế của DN gặp không ít khó khăn.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang

Trên thực tế, tính từ vụ việc PVTM đầu tiên năm 2009 đến nay, Việt Nam đã tiến hành 28 cuộc điều tra PVTM (trong đó có 19 vụ chống bán phá giá, 1 vụ chống trợ cấp, 6 vụ tự vệ và 2 vụ điều tra chống lẩn tránh) với tổng cộng 22 biện pháp PVTM được áp dụng. Hàng hóa nhập khẩu bị kiện và bị áp dụng biện pháp PVTM ban đầu tập trung vào nhóm mặt hàng thép là chủ yếu, tuy nhiên hiện đã mở rộng ra xấp xỉ 10 nhóm sản phẩm (như đồ gỗ, nhựa, xơ sợi, phân bón, đường, bột ngọt…).

Bà đánh giá như thế nào về mức độ hiểu biết, sự quan tâm, cũng như việc sử dụng các công cụ PVTM tại thị trường nội địa của DN Việt Nam?

Nhìn vào diễn biến các vụ việc PVTM ở nước ta, có thể thấy một con số đáng chú ý: Có tới 68% các vụ điều tra PVTM ở Việt Nam được tiến hành từ năm 2018 trở lại đây. Trong khi công cụ này đã được quy định trong pháp luật nước ta từ những năm 2003-2004, tính tới nay đã xấp xỉ 20 năm. Điều này cho thấy các vụ việc PVTM đang được tiến hành với tần suất cao hơn rất nhiều trong những năm trở lại đây. Nói cách khác, các DN Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn, hiểu biết đầy đủ hơn và một số DN bắt đầu mạnh dạn sử dụng các công cụ PVTM trên thực tế để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Thậm chí, DN một số ngành như nhôm, thép đang ngày càng thành thạo hơn trong việc sử dụng các công cụ PVTM.

Tuy nhiên, nếu so sánh với con số hơn 250 vụ PVTM mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã và đang phải đối mặt ở nước ngoài thì rõ ràng việc sử dụng các công cụ PVTM ở trong nước vẫn còn rất khiêm tốn.

Những khó khăn đối với DN trong việc sử dụng công cụ PVTM một mặt xuất phát từ thực tế là các công cụ PVTM rất phức tạp, không dễ sử dụng và không phải nhóm DN nào cũng có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện. Ở nhiều nước trên thế giới, DN đã sử dụng rất thành thục công cụ này từ nhiều chục năm, thậm chí cả trăm năm, trong khi DN Việt Nam mới chỉ mới làm quen với PVTM thời gian gần đây và phần lớn mới chỉ nghe nói mà chưa hiểu rõ về công cụ này.

Mặt khác, pháp luật về PVTM của Việt Nam dù đã được sửa đổi tổng thể vào năm 2017-2018 và đã cho thấy những hiệu quả ban đầu tích cực, song vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, khiến việc áp dụng trên thực tế của DN gặp không ít khó khăn.

Hơn nữa, các thiết chế phục vụ việc sử dụng công cụ PVTM lại chưa hoàn toàn đồng bộ. Ví dụ, DN muốn đi kiện PVTM cần có rất nhiều số liệu, dữ liệu thống kê về hàng nhập khẩu (như số lượng nhập khẩu, giá bán cho nhà nhập khẩu Việt Nam…) hay về tình hình của ngành mình (như tổng công suất dư thừa, tồn kho, biến động lao động…). Trong khi đó, trừ một số ít số liệu của chính DN, phần lớn các số liệu thống kê này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (như hải quan, cơ quan quản lý chuyên ngành…) và các quy định pháp luật hiện hành cơ bản chưa cho phép DN tiếp cận và sử dụng các thông tin này một cách hệ thống, chính thức và thuận lợi.

Từ những vấn đề chia sẻ ở trên, xin bà có thể đưa ra một số khuyến nghị để có thể tận dụng hiệu quả công cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước?

Thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả công cụ PVTM là rất quan trọng để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, với các khó khăn như nhận diện ở trên, có lẽ sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực để cải thiện tình hình.

Từ góc độ chủ quan, DN cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu cũng như chuẩn bị cho việc sử dụng công cụ này. Đành rằng việc đi kiện PVTM trên thực tế luôn có sự đồng hành của các đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp, nhưng DN vẫn cần hiểu về bản chất, ý nghĩa của các công cụ này để có quyết sách sử dụng một cách phù hợp. Hơn nữa, công cụ PVTM chỉ có thể hiệu quả nếu DN có định hướng và sự đầu tư trong lâu dài.

Đồng thời, DN cần sự trợ giúp hiệu quả hơn từ góc độ chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, pháp luật PVTM cần được điều chỉnh để hoàn thiện hơn, tạo điều kiện cho việc tiến hành các vụ việc PVTM một cách thuận lợi và minh bạch. Việc sửa đổi tổng thể Nghị định 10/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM hiện tại là một bước đi rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc sửa các quy định gốc về PVTM trong Luật Quản lý ngoại thương, thậm chí xây dựng riêng một đạo luật về PVTM, vẫn là một định hướng quan trọng trong lâu dài. Bên cạnh đó, việc thiết lập và vận hành các cơ chế tiếp cận thông tin minh bạch, an toàn và chính thống để DN có các dữ liệu cần thiết cho việc kiện PVTM là yêu cầu then chốt để có thể hiện thực hóa công cụ PVTM một cách hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

DIỆU THIỆN (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tan-dung-cong-cu-phong-ve-thuong-mai-de-bao-ve-nganh-san-xuat-trong-nuoc-33963.html