Tận dụng CPTPP, EVFTA để đưa nông sản Việt ra biển lớn
Ngày 11/10, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ tư với chủ đề: 'Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới', do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Trong 2 năm 2018 và 2019, Việt Nam đã tham gia hai Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Việc ký kết các hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Thông qua 2 hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người.
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản. Dù vậy, giá trị gia tăng trong xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam còn thấp do gặp nhiều rào cản, nhất là về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Diễn đàn lần này sẽ là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, Hội Nông dân, các doanh nghiệp, nông dân xuất sắc tìm ra giải pháp để có những kiến nghị chính sách đối với nông dân.
Cơ hội cho ngành nông nghiệp
Theo ông Định, CPTPP và EVFTA đã và đang mở ra những cơ hội to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có sản xuất nông nghiệp, thương mại nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang nổi lên và thương chiến Mỹ - Trung bất định.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, CPTPP và EVFTA chắc chắn mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác.
CPTPP với 10 đối tác, trong đó có những đối tác mà thông qua Hiệp định này Việt Nam lần đầu thiết lập mối quan hệ thương mại tự do song phương như Canada, Chile, Mexico, Peru, vì vậy qua đó sẽ mở ra các cơ hội hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các đối tác CPTPP.
Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm. Chẳng hạn như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô ….
Đây là cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông lâm thủy sản có thế mạnh của Việt Nam.
Với EVFTA, đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp định này sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn.
Cụ thể, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
“Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 USD trong năm 2018”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.
Nỗi lo của ngành chăn nuôi
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cơ hội to lớn, các hiệp định thương mại tự do cũng đem tới những thách thức không nhỏ đối với lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
Tại Diễn đàn, đại diện nhiều hợp tác xã, trang trại cũng nêu những băn khoăn liên quan đến việc nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, ký kết các hiệp định tự do như CPTPP và EVFTA... Theo đó, sẽ có sự “đánh đổi” khi nhiều mặt hàng, sản phẩm chăn nuôi của các nước xuất sang Việt Nam sẽ có mức thuế suất bằng 0%, đặc biệt là đối với các sản phẩm trứng, sữa.
“Để bảo vệ sản xuất trong nước và vẫn thực hiện đúng các cam kết đã ký kết, chúng ta sẽ có các hàng rào kỹ thuật như thế nào, Nhà nước sẽ hỗ trợ chúng tôi như thế nào để giá thành sản xuất ở mức thấp, cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu?”, đại diện một nông dân đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, so với các nước trong CPTPP hay EVFTA thì Newzealand, Australia, hay châu Âu đều có lợi thế về chăn nuôi, nhiều nước 80% sản phẩm nông nghiệp là chăn nuôi, nền sản xuất mạnh hơn Việt Nam rất nhiều.
“Nông dân Việt Nam không trồng trọt, không chăn nuôi thì sẽ làm gì? Sản xuất hiện nay cái gì cũng có thử thách, nhưng vẫn có thời cơ cho chúng ta”, ông Dương nói thêm.
Theo ông Dương, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng, chưa quen dùng thịt mát; đối với thịt gà, vẫn thích ăn gà ta thả vườn, nuôi 5-6 tháng chứ không phải nuôi kiểu công nghiệp 45 ngày đã xuất chuồng. Vì vậy, người nông dân cần làm sao để biến sản phẩm thịt gà này thành lợi thế trên thị trường xuất khẩu.
“Tôi tin chúng ta làm được, có thể năng suất chăn nuôi không cao bằng châu Âu, châu Mỹ nhưng phải đạt được tầm khu vực. Giá thành cũng phải cạnh tranh, khi các nước xuất sản phẩm sang nước ta mới có thể không lo bị đánh bật. Người nông dân cố gắng cùng cơ quan quản lí, các hiệp hội, ngành hàng (hiện đang bị xem nhẹ) dẫn dắt người nông dân sản xuất đúng hướng”, ông Dương khẳng định.
Cũng theo ông Dương, hễ nói tới chăn nuôi, chúng ta sẽ hình dung ngay ở Việt Nam nhà nào cũng có chuồng gà, chuồng lợn, với 11 triệu hộ nông dân. Nhưng bây giờ, không nói tới chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nữa, mà là chăn nuôi trang trại, doanh nghiệp.
“Chuỗi liên kết là việc tất yếu phải làm, qua đó gắn với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Hộ làm ăn nhỏ lẻ không thể làm ăn trực tiếp với doanh nghiệp được đâu, mà phải liên kết thành nhóm hộ, hợp tác xã, tăng quy mô, chuyên nghiệp thì mới làm ăn được với doanh nghiệp”, ông Dương đề xuất.