Tận dụng FTA trong 'cuộc chơi' mới

Trước những diễn biến khó lường của thương mại thế giới, doanh nghiệp Việt cần tìm hướng đi mới, tận dụng tối đa các FTA để khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào nhiệm kỳ 2, ông đã đưa ra hàng loạt những chính sách áp thuế nhắm trực tiếp đến Trung Quốc, Canada, Mexico và thậm chí cả Liên minh châu Âu (EU).

Nếu giai đoạn 2018-2020, Trung Quốc là mục tiêu trọng điểm mà ông Trump hướng tới thì nay chiến lược áp thuế được mở rộng ra phạm vi toàn cầu, cảnh báo nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại thế giới.

Đáng chú ý, Mỹ và Trung Quốc là những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Điều này là thách thức nhưng cũng là động lực để các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam tìm hướng đi mới, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) để khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trợ lực thúc đẩy xuất khẩu

Hiện tại, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, đồng thời đang và chuẩn bị khởi động đàm phán 3 FTA và khung khổ kinh tế. Những FTA này đã mang đến nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp Việt, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường chủ lực.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2025, xuất khẩu Việt Nam sang 6 thị trường/khu vực thị trường đạt trên 1 tỷ USD là Mỹ, EU (27 nước), Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng cộng 6 thị trường/khu vực thị trường này nhập hơn 60 tỷ USD hàng Việt.

Tháng 1/2025, xuất khẩu Việt Nam sang 6 thị trường/khu vực thị trường đạt trên 1 tỷ USD (Ảnh: Phạm Tùng).

Tháng 1/2025, xuất khẩu Việt Nam sang 6 thị trường/khu vực thị trường đạt trên 1 tỷ USD (Ảnh: Phạm Tùng).

Trong đó, Mỹ là thị trường đạt kim ngạch lớn nhất, với 10,5 tỷ USD, tăng 4,6%; EU (27 nước) đạt 4,72 tỷ USD, tăng 3,5%; Trung Quốc đạt 3,65 tỷ USD, giảm 19,7%; ASEAN đạt 2,79 tỷ USD, giảm 13,8%; Hàn Quốc đạt 2,2 tỷ USD, giảm 5,5% và Nhật Bản đạt 2,15 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong các FTA, CPTPP là một trong ba Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia. Nhờ Hiệp định CPTPP, hàng hóa Việt Nam cũng gia tăng tại nhiều thị trường mới mà trước đây chưa có FTA.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm: Canada, Mexico, Chile và Peru.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023, mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD lên 11,7 tỷ USD trong cùng kỳ. Đồng thời, xuất siêu sang các thị trường này cũng tăng mạnh, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

"Đừng để phí các FTA đã có"

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các doanh nghiệp Việt Nam đang chưa tận dụng được tối đa cơ hội từ những FTA.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cho rằng một số doanh nghiệp Việt thường chỉ tập trung thị trường Mỹ hoặc thị trường Trung Quốc.

“Việc lệ thuộc vào bất quốc gia nào quá nhiều, kể cả về xuất khẩu cũng như về nhập khẩu đều không tốt. Cho nên rất cần tìm kiếm thêm các thị trường khác, nhất là khi Việt Nam có rất nhiều FTA, đừng để phí các FTA đã có”, chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên.

Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng được rất tốt các FTA với Việt Nam. Ví dụ như Hàn Quốc, quan hệ thương mại 2 nước tăng trưởng mạnh từ khi có VKFTA, nhưng chủ yếu là ở các doanh nghiệp Hàn Quốc. Kể cả các chiều xuất từ Việt Nam sang Hàn cũng là các doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng được, còn các doanh nghiệp Việt Nam không làm được như phía Hàn Quốc.

“Vì vậy, Việt Nam rất nên đa dạng hóa các thị trường, kể các nước cường quốc bậc trung hoặc cường quốc nhỏ đi chăng nữa. Các quốc gia có sức mạnh về kinh tế, sức mạnh về công nghệ thì nên mở rộng hợp tác với họ”, bà Lan nói.

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), vì khoảng cách xa xôi khiến chi phí kinh doanh gia tăng, các doanh nghiệp Việt chưa dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực cho thị trường châu Mỹ.

Các tiêu chuẩn, quy định về môi trường, lao động, truy xuất nguồn gốc ngày càng nghiêm ngặt, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng. Vấn đề thanh toán và rủi ro trong giao dịch thương mại trở nên phức tạp hơn, khi các ngân hàng áp dụng các điều khoản thanh toán khắt khe hơn. Đồng thời, chi phí tuân thủ các quy định ngày càng tăng, ăn mòn lợi thế về thuế quan mà các FTA mang lại.

Ngoài ra, ông Khanh cũng cho rằng, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam từ CPTPP đang ngắn dần với các FTA, các nước trong khu vực cũng đang dần tham gia Hiệp định. Vì vậy, cần có thêm cơ chế hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Mỹ.

"Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ lợi ích cũng như cách thức tận dụng CPTPP để đầu tư và phát triển hơn thị trường tiềm năng này", ông Khanh nói.

Đáng chú ý, năm 2026 Việt Nam sẽ là Chủ tịch Hội đồng của CPTPP, ông Khanh kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tối đa và khai thác hiệu quả từ việc thực thi Hiệp định CPTPP.

Phạm Thị Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tan-dung-fta-trong-cuoc-choi-moi-204250218225240145.htm