Tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP để tăng tốc xuất khẩu sang Canada
Hiệp định CPTPP là đòn bẩy giúp doanh nghiệp Việt Nam và Canada quan tâm hơn đến thị trường của nhau, thúc đẩy xuất khẩu nhiều hàng không có lộ trình giảm thuế.
"Đòn bẩy" tăng tốc xuất khẩu sang Canada
Sau hơn 5 năm có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã góp phần đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tiềm năng và mới mẻ.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường lần đầu tiên có FTA như Canada, Mexico hay Peru đều tăng trưởng mạnh mẽ, có những thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng tới 2 con số kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Canada nhìn nhận, với cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam, thị trường Canada đã và đang được các doanh nghiệp xuất khẩu khai thác khá nhanh nhạy, quan hệ thương mại song phương đã một bước chuyển mình mới.
Nếu như năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada chỉ đạt gần 3,9 tỷ USD thì đến 8 tháng năm 2024, xuất khẩu Việt Nam sang Canada đã đạt 4,2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, sau khi thực thi Hiệp định CPTPP, xuất khẩu những mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như: Điện thoại, điện tử, điện máy hay là kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả, gạo điều, chè, cà phê... dù sử dụng form ưu đãi nào sang địa bàn Canada cũng tăng đột biến, có những mặt hàng tăng đến 1000%.
Điều này cho thấy, CPTPP đã có tác dụng đòn bẩy giúp các doanh nghiệp của hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau, từ đó gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động tích cực đến xuất khẩu Việt Nam tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.
Trong khi đó, theo số liệu trong nước, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Canada cũng tăng tới 110% sau 5 năm thực thi Hiệp định CPTPP, tức đây là thị trường tỷ USD có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP.
Với mức tăng trưởng xuất khẩu cao như vậy, hiện nay Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada. Ở chiều ngược lại, Canada cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam và là nước có thặng dư lớn thứ 3 sau Hoa Kỳ và Hà Lan.
Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 8/1973), quan hệ Việt Nam - Canada đã không ngừng phát triển và được củng cố trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Canada trong Hiệp định CPTPP, mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ của Canada tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như ASEAN. Chiều ngược lại, Việt Nam cũng khai thác hiệu quả Hiệp định này để tăng tốc xuất khẩu hàng hóa sang Canada với nhiều ưu đãi.
Bà Mary Ng - Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại và xúc tiến xuất khẩu Canada, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 26 - 29/3/2024 của phái đoàn doanh nghiệp Canada cũng đã nhấn mạnh: “Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Canada đã tăng trưởng 170%, đưa quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước trở thành ‘ngôi sao sáng’ trong CPTPP. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả 2 nước và sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới để đạt thêm nhiều thành công mới”.
Xây dựng thương hiệu, gia tăng thị phần xuất khẩu
Dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Canada đã có sự tăng trưởng rất cao sau 5 năm triển khai Hiệp định CPTPP, nhưng hiện tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của hàng xuất khẩu Việt Nam sang Canada vẫn rất thấp, mới đạt 18%. Trong khi đó có tới 81% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN trong khi khoảng dưới 1% vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan GPT và GSP.
Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu Việt Nam qua 5 năm tăng đều nhưng khoảng 4 tỷ USD, tức khoảng 60% sản phẩm của chúng ta được hưởng thuế CPTPP bằng 0 nhưng vẫn chưa được tận dụng trong khi mức độ chênh lệch về thuế giữa MFN với CPTPP hay giữa GSP với CPTPP khá lớn.
Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O theo CPTPP chưa cao là do quy tắc xuất xứ trong CPTPP được coi là chặt nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đây cũng là FTA đã có hiệu lực duy nhất tính đến thời điểm này áp dụng quy tắc từ sợi trở đi đối với hàng dệt may của Việt Nam.
Theo chuyên gia, CPTPP đã tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam tiếp cận thị trường mới, nhưng doanh nghiệp cần phải tăng tốc hơn nữa, tìm hiểu tường tận hơn về cam kết của Hiệp định với từng ngành hàng, đáp ứng tốt yêu cầu về quy tắc xuất xứ để có ưu đãi...
Mặt khác, mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada khá cao, tuy nhiên theo ước tính có đến trên 60% hàng xuất khẩu sang địa bàn là các sản phẩm của khu vực FDI có thương hiệu riêng, trong khi khu vực công nghiệp nội địa của Việt Nam xuất khẩu sang địa bàn chủ yếu vẫn là xuất thô hoặc gia công.
“Các mặt hàng như giày dép, quần áo, đồ chơi, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nhựa… đều là những sản phẩm mà Việt Nam có thể phát triển theo hướng thương hiệu riêng, nhưng thực tế cho đến nay các sản phẩm thương hiệu Việt Nam vẫn chưa có mặt nhiều tại địa bàn Canada” - bà Trần Thu Quỳnh trăn trở.
Từ thị trường sở tại, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, tới đây Canada đã có một loạt các FTA ở khu vực châu Mỹ như với Peru, Chile, Costa Rica, Colombia… và sắp tới có thể ký cả với Ấn Độ và Indonesia. Tình hình này sẽ làm cho rất nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp những khó khăn để cạnh tranh và gia nhập thị trường.
Do vậy, hơn lúc nào hết, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam phải xây dựng thương hiệu riêng. Mà trong câu chuyện phát triển thương hiệu riêng, các doanh nghiệp cần phải đi chung với nhau và đặc biệt phải đi chung với các hiệp hội ngành hàng của mình để cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường theo giai đoạn đúng với câu “buôn có bạn, bán có phường”. Thái Lan, Trung Quốc là những nước rất thành công trong việc hợp tác, hỗ trợ để quảng bá sản phẩm cho nhau ở nước ngoài.
“Buôn có bạn, bán có phường” cũng có nghĩa là sự đồng bộ giữa các tiêu chuẩn sản xuất, sự kết nối thông tin mạng lưới đối tác nhập khẩu, nhà cung cấp, sự phối hợp trong các khâu kho vận và logistics… và ở bậc cao hơn nữa là khả năng phát triển cả hệ sinh thái cho ngành hàng để có thể phát triển được thương hiệu riêng.
Đấy là con đường không chỉ từng doanh nghiệp mà các ngành hàng của chúng ta phải có một chiến lược để cùng hợp tác với nhau.
Chia sẻ về giải pháp để xây dựng thương hiệu hàng Việt tại CPTPP nói chung và thị trường Canada nói riêng, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - cho rằng, về vấn đề xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp không nên cứng nhắc.
Các doanh nghiệp nên “đi bằng hai chân”, một mặt doanh nghiệp không nên từ chối các đơn hàng mang tính chất gia công, bởi vì sẽ giúp ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định nguồn tiền, dòng tiền để có công ăn việc làm cho công nhân. Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm gia công thì những giá trị sẽ càng ngày càng mòn đi và các cơ hội thị trường mà chúng ta có được từ các FTA càng ngày càng giảm dần.
“Các cơ quan chức năng nên nghiên cứu xây dựng, hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, giúp tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước. Bên cạnh đó, cần trao đổi, xác định ra những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm và tạo ra những kênh song phương trao đổi. Không nhất thiết phải cứ có cuộc họp CPTPP thì chúng ta mới bàn” - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên khuyến nghị.
Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành, hiệp hội, các tỉnh thành để xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA. Mục tiêu là muốn kết nối các chủ thể, không chỉ trong chuỗi giá trị của một sản phẩm mà kể cả những chủ thể ngoài giá trị của các sản phẩm. Không chỉ kết nối các doanh nghiệp, các chủ thể ở Việt Nam mà kết nối với các doanh nghiệp, các chủ thể ở các thị trường nước ngoài. Có kết nối như vậy thì sẽ bảo đảm được hiệu quả gia tăng giá trị từ CPTPP.