Tận dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển

Phú Tân là huyện cực Tây tỉnh Cà Mau, có xuất phát điểm khó khăn, thế nhưng sau 20 năm chia tách (2004 từ huyện Cái Nước), địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình phát triển. Phú Tân trở thành huyện đầu tiên có 100% xã (8/8 xã) về đích NTM, trở thành điểm sáng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ông Trương Hoàng Khải, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân, khẳng định: 'Nguồn lực từ các chương trình đã được địa phương tận dụng, phát huy tối đa, mà mục tiêu là để cải thiện, nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân'.

Chăm lo cho đồng bào

Huyện Phú Tân có 743 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua rà soát còn 50 hộ nghèo và 48 hộ cận nghèo. Ông Trương Hoàng Khải thông tin: “Năm 2023, nguồn vốn từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của huyện hơn 2,4 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 88% vốn. Ðây là nguồn lực quý giá để hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên trong cuộc sống”.

Xã Nguyễn Việt Khái tập trung đông hộ đồng bào DTTS sinh sống với 151 hộ. Bà Phạm Thị Tám, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Ngày 4/11 vừa qua, địa phương đã tổ chức lớp dạy đan đát cho đồng bào DTTS tại ấp Gò Công với 35 học viên theo học. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi sinh kế cho bà con đang được quyết liệt triển khai, đây đều là những sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho đồng bào”.

Chăm lo toàn diện cho đồng bào DTTS là chính sách ưu việt của Ðảng, Nhà nước. (Trong ảnh: Lớp dạy nghề đan đát cho đồng bào DTTS tại ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, với 35 học viên theo học).

Chăm lo toàn diện cho đồng bào DTTS là chính sách ưu việt của Ðảng, Nhà nước. (Trong ảnh: Lớp dạy nghề đan đát cho đồng bào DTTS tại ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, với 35 học viên theo học).

Chị Kim Muôl (dân tộc Khmer) ở ấp Gò Công, chia sẻ: “Tham gia học lớp đan đát, tôi mừng lắm. Học được nghề rồi thì mình có thêm công ăn việc làm, có thu nhập ổn định hơn”. Cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên đứng lớp dạy nghề đan đát, phấn khởi: “Bà con học rất nhanh, có người sau 1 tuần là khá thành thạo. Về lâu dài, nghề đan đát này có thể giúp bà con có thu nhập khá theo đơn đặt hàng, với mức vài triệu mỗi tháng. Với bà con đồng bào dân tộc vùng ven biển Gò Công, đây là nguồn thu nhập góp phần cải thiện đời sống hiệu quả, bền vững”.

Gia đình chị Sơn Mi (đồng bào Khmer) ấp Gò Công, được hỗ trợ 2 con heo giống, thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi. Qua thời gian chăm sóc, lứa heo phát triển tốt, kèm theo đó là quyết tâm thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, như lời chủ gia tâm sự: “Nghề chăn nuôi phù hợp với điều kiện của gia đình. Từ lứa heo này, tôi sẽ tiếp tục gầy thêm lứa mới nhiều hơn, để có thu nhập khá hơn. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, gia đình tôi có cơ hội vươn lên”.

Còn gia đình anh Huỳnh Ngọc (người Khmer) ở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, sau khi nhận được căn nhà hỗ trợ 48 triệu đồng, dự kiến sẽ thoát nghèo trong năm 2023 này, niềm vui thật rộn rã: “Có căn nhà rồi, vợ chồng tôi có điều kiện để làm ăn, tích lũy để cuộc sống gia đình tốt hơn. Bà con đồng bào DTTS vùng Gò Công này giờ có cuộc sống ổn định hơn trước nhiều lắm”.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (bìa trái), trực tiếp đến thăm hỏi, nắm bắt tình hình cuộc sống gia đình anh Huỳnh Ngọc.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (bìa trái), trực tiếp đến thăm hỏi, nắm bắt tình hình cuộc sống gia đình anh Huỳnh Ngọc.

Phát huy tối đa nguồn lực

Năm 2023, huyện Phú Tân có tổng vốn các chương trình: xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS là hơn 23 tỷ đồng, đến đầu tháng 11, tỷ lệ giải ngân đạt gần 74%. Theo ông Trương Hoàng Khải: “Ðịa phương xác định tiến độ giải ngân nguồn vốn từ các chương trình là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Phú Tân đã nắm bắt, rà soát chặt tiến độ giải ngân, khó khăn ở đâu tháo gỡ ngay ở đó hoặc có báo cáo kịp thời để trên hỗ trợ”.

Không chỉ quyết liệt đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn từ các chương trình, Phú Tân còn chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của toàn hệ thống chính trị, Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của các chương trình; lồng ghép các chương trình, dự án để phát huy tối đa, toàn diện nguồn lực được hỗ trợ tại địa phương. “Không chỉ các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS, Phú Tân còn đặc biệt chú trọng đến các đối tượng vừa thoát nghèo, hoặc có nguy cơ tái nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp theo điều kiện, nhu cầu cụ thể”, ông Khải cho biết thêm.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra thực tế tại lớp dạy nghề đan đát cho đồng bào DTTS thuộc ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra thực tế tại lớp dạy nghề đan đát cho đồng bào DTTS thuộc ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái.

Trong chuyến kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình tại Phú Tân, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Ðiều đáng mừng là Phú Tân đã chủ động, quyết liệt, thực hiện đúng quy định các chương trình tại địa phương. Tuy nhiên, cần phải nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn và sâu sát với điều kiện thực tế của địa phương hơn nữa, để nguồn lực từ các chương trình thực sự, thực chất mang lại lợi ích, sự thụ hưởng của Nhân dân”. Ông Nguyễn Minh Luân cũng đề nghị, các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh có liên quan cần cắt cử nhân lực để hỗ trợ trực tiếp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của địa phương.

Phú Tân trở thành huyện đầu tiên của Cà Mau có 8/8 xã về đích NTM, đó là thành tựu đầy tự hào, nhưng cũng không thể chủ quan, tự thỏa mãn. Như lời ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: “Các chương trình là nguồn lực, động lực thúc đẩy sự phát triển của địa phương cần phải được tận dụng, phát huy tối đa cho những mục tiêu mới cao hơn. Mà mục đích cuối cùng chính là vì sự thụ hưởng của Nhân dân. Ðó là quyết tâm chính trị lớn của địa phương và sẽ được triển khai thực hiện bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, giải pháp, với những kết quả cụ thể trong thực tiễn”./.

Phạm Hải Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tan-dung-hieu-qua-nguon-luc-de-phat-trien-a30030.html