Tận dụng hiệu quả nguồn rơm rạ

Nông dân xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân vận chuyển rơm cuộn làm thức ăn cho bò. Ảnh: LÊ TRÂM

Mỗi năm, các cánh đồng trong tỉnh sản xuất được khoảng 390.000 tấn lúa, tương đương có chừng ấy tấn rơm rạ. Nông dân tận dụng phần lớn lượng rơm rạ này để trồng nấm rơm, làm thức ăn gia súc…, góp phần tăng giá trị cây lúa. Tuy nhiên, ở một số vùng, nông dân còn thói quen đốt đồng, không chỉ lãng phí rơm rạ mà còn ô nhiễm môi trường.

Theo tập quán canh tác của nông dân, sau khi thu hoạch lúa, rơm được phơi khô, vun thành nọc làm thức ăn dự trữ cho trâu bò; số còn lại được xử lý bằng cách đốt hoặc vùi lấp, để phân hủy tự nhiên. Những năm gần đây, khi phong trào trồng nấm rơm phát triển, nhiều người phải mua rơm để trồng nấm rơm. Bà Bùi Thị Lệ, một người trồng nấm rơm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: Đến mùa thu hoạch lúa, tôi chọn mua rơm có chất lượng tốt, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trồng nấm. Rơm chất lượng tốt thì năng suất nấm cũng cao và ngược lại.

Nhà nuôi nhiều bò nên sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ông Nguyễn Văn Bình ở xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) thuê máy cuộn rơm khô chở về tích trữ làm thức ăn cho bò. Còn theo ông Nguyễn Văn Tánh ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, nếu rơm bị ướt hoặc hôi bùn do ngập nước, bò không ăn thì ông đem rải vào chuồng cho chúng giẫm lẫn với phân rồi cào ra ủ. Nguồn phân hữu cơ này bón cho đất trồng sắn, mía, lúa đều rất tốt. “Đối với phân vô cơ, thời gian đầu, cây trồng ăn phân nhanh, sinh trưởng mạnh nhưng càng về sau đất đai càng bạc màu, khô cứng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Còn khi bón phân bò ủ rơm rạ, bón 1 vụ tốt đến 2-3 năm, cây trồng ít bị sâu bệnh”, ông Tánh nói.

Theo Sở NN&PTNT, lượng rơm rạ rất lớn có được từ sản xuất lúa cần được tận dụng để tạo ra giá trị tăng thêm ngoài hạt gạo. Vì vậy, nông dân cần sử dụng hết, không nên để lãng phí.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng đốt rơm trên đồng ruộng, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, làm giảm đa dạng sinh học. Ông Nguyễn Văn Bình cho biết: Riêng vụ hè thu, vùng lúa này gieo sạ muộn nên đến kỳ thu hoạch thường gặp mưa, rơm bị ngập nước hôi bùn, bò ít ăn nên bà con bỏ lại ruộng. Một số người tận dụng chở rơm mục về trồng rau nhưng không nhiều, hầu hết rơm bị ướt đều chờ khô rồi đốt bỏ.

Nhiều nông dân ở huyện Phú Hòa cho hay, vụ đông xuân và hè thu sản xuất gối đầu nên nông dân cày vùi rơm rạ xuống ruộng rồi sạ. Khi cây lúa ra lá thì rơm nằm dưới đất chưa mục dẫn đến lúa non bị nghẹt cổ rễ, ngộ độc hữu cơ trong đất, lúa khó phát triển. Vì vậy cần có công nghệ và thiết bị cơ giới hóa hỗ trợ thu gom rơm khô và rơm ướt, phù hợp với từng địa phương hay những cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm... Từ đó xử lý, tận dụng hết rơm rạ trên đồng ruộng một cách đồng bộ, mang lại hiệu quả và không gây ảnh hưởng môi trường.

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, giải pháp để dần khắc phục tình trạng nông dân đốt đồng, vùi lấp rơm rạ là thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ. Cụ thể, nông dân cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong thu gom rơm rạ để trồng nấm rơm, làm thức ăn cho bò, ủ rơm rạ làm phân bón...

Đối với phân vô cơ, thời gian đầu cây trồng ăn phân nhanh, sinh trưởng mạnh nhưng càng về sau đất đai càng bạc màu, khô cứng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Khi bón phân bò ủ rơm rạ, bón 1 vụ tốt đến 2-3 năm, cây trồng ít bị sâu bệnh.

Ông Nguyễn Văn Tánh ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/303319/tan-dung-hieu-qua-nguon-rom-ra.html