Tận dụng lợi thế EVFTA

Xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu đã tăng mạnh từ 35 tỷ Euro vào năm 2029 lên tới hơn 48 tỷ Euro năm 2023. Sự tăng trưởng thể hiện rõ trong các lĩnh vực như: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi EVFTA có hiệu lực.

EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu. Ảnh: Quang Vinh.

EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng trưởng rõ nét

Theo nhận định của Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), ông Lương Hoàng Thái, trong số những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, có thể nói, Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU) là hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, sau 4 năm thực thi, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng gần 50%. Ở chiều ngược lại, hàng hóa xuất khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 40%.

Hiện nay, xuất khẩu sang EU luôn chiếm khoảng 12-15% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Quan trọng hơn, đây là một thị trường với quy mô dung lượng rất lớn, có tiềm lực về khoa học công nghệ và quản lý để nếu như doanh nghiệp có khả năng thành công ở thị trường này thì cũng có khả năng đi vào những thị trường khó tính khác.

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi FTA này có hiệu lực

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay, EU đã ban hành nhiều chính sách xanh để thực hiện những nỗ lực về chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Điển hình như: quy định về chống phá rừng (EUDR); cơ chế điều chỉnh cacbon tại biên giới (CBAM); quy định về sử dụng bền vững các sản phẩm bảo vệ thực vật; quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững; chỉ thị về tuyên bố xanh...

Theo nhận định của Bộ Công thương, các chính sách trên có sự tác động khá mạnh đến các thị trường nhập khẩu của EU, trong đó có Việt Nam. Những quy định như EUDR hay CBAM đòi hỏi các DN cần đáp ứng đầy đủ những thông tin liên quan đến các quy chuẩn mà EU đưa ra nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế nói chung, thị trường EU nói riêng.

Đơn cử, theo ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), EUDR yêu cầu 100% sản phẩm phải có định vị GPS đến từng mảnh vườn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỉ lệ này còn thấp, trong khi chi phí định vị lại cao. EUDR cũng yêu cầu truy xuất vật lý đến vườn trồng đòi hỏi các DN cần phải có sự liên kết vùng nguyên liệu quy mô lớn... Đây là những thách thức yêu cầu chúng ta phải nỗ lực để có thể giữ vững được thị trường EU.

Thách thức cũng là cơ hội

Có thể thấy, việc thị trường nhập khẩu đưa ra nhiều quy chuẩn đã và đang đặt ra những thách thức cho DN xuất khẩu của Việt Nam, song cũng là cơ hội để các DN nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Một trong những yêu cầu cần phải tuân thủ đó là hướng đến sản xuất xanh, phát triển xanh, bền vững. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh của EU sẽ giúp các DN dễ dàng thâm nhập các thị trường khó tính, trong đó có EU. Theo giới chuyên gia kinh tế, không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi xanh còn giúp DN Việt tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh; góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Việt Nam.

Đánh giá về tác động của các chính sách xanh của EU với Việt Nam, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, việc tăng chi phí sản xuất khi tuân thủ CBAM là một thách thức. Tuy nhiên, EU áp dụng CBAM với các thị trường bên ngoài sẽ là cơ hội để các DN Việt Nam chuyển đổi công nghệ sản xuất, thực hiện các giải pháp giảm phát thải, giảm chi phí tiêu tốn năng lượng, tối ưu hóa quy trình và tăng năng suất chất lượng sản phẩm.

Với quy định EUDR, Việt Nam cần có một khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định chống phá rừng của EU để DN có thể tự tin xuất khẩu xanh sang thị trường này như: xây dựng khung hợp tác công tư trong EUDR; tuyên truyền, vận động; các giải pháp kĩ thuật; xây dựng và vận hành cơ chế đối thoại và đàm phán với EU về EUDR và các quy định khác; huy động nguồn lực...

Nêu lên giải pháp tận dụng các cơ hội và tiếp tục xuất khẩu vào thị trường EU, TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng: việc hiểu và tuân thủ đầy đủ các quy định xanh ở thị trường là đặc biệt quan trọng với các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Các DN cần chủ động tìm hiểu, thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định cụ thể áp dụng cho từng loại sản phẩm; nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình, từ đó có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động sớm để dần thích ứng, bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.

Về phía nhà quản lý, cơ quan chức năng, hiệp hội cần hỗ trợ DN thích ứng với các tiêu chuẩn xanh của EU thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết theo nhóm sản phẩm cụ thể. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn DN thực hiện; phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp, về các hỗ trợ kỹ thuật cho DN nước nhà.

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tan-dung-loi-the-evfta-10290780.html