Tận dụng nguồn lực người lao động cao tuổi
Sau khi nghỉ hưu, nhiều người cao tuổi có sức khỏe, khả năng và điều kiện vẫn mong muốn được tiếp tục đóng góp trí và lực cho sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, cũng còn một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp xã hội có nhu cầu làm việc để tự nuôi sống bản thân. Từ thực tiễn này đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp để tận dụng, phát huy nguồn lực người cao tuổi đồng thời bảo đảm quyền, chế độ cho họ.
Nhiều người cao tuổi vẫn khát khao làm việc
Dù đã gần 70 tuổi, nhưng hằng ngày, bà Nguyễn Thị Thu vẫn đều đặn bán đồ ăn sáng (cháo sườn, trứng vịt lộn) ở một chợ tạm thuộc địa bàn phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà Thu cho biết, những đồng tiền bà kiếm được từ gánh hàng nhỏ không chỉ dành để trang trải cho cuộc sống của hai “vợ chồng già”, mà còn đỡ đần con cháu phần nào. “Trước tôi làm công nhân dệt, nhưng thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống, nên đã sớm thôi việc, về bán hàng. Giờ lương hưu không có, con cái đều chưa ổn định, sức khỏe vẫn cho phép, nên tôi tiếp tục bán hàng để trang trải cuộc sống”- bà Thu chia sẻ.
Khác với bà Thu, mặc dù có lương hưu, nhưng bà Nguyễn Thị Ngoan - 65 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội vẫn xoay sở làm thêm. Bà Ngoan nói: “Trước tôi là giáo viên mầm non. Đang đi làm quen, về nghỉ hưu ở nhà chơi không cũng buồn. Trong khi đó, hàng xóm quanh đây lại có nhiều người có nhu cầu gửi con để đi làm, nên tôi phát huy nghề cũ, nhận trông mấy cháu vừa vui cửa vui nhà, vừa có thêm thu nhập”.
Trên đây không phải là những trường hợp cá biệt người cao tuổi vẫn mong muốn và đang tham gia thị trường lao động. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, người cao tuổi hiện chiếm 17% dân số cả nước, tương đương khoảng 17 triệu người. Trong đó, chỉ có 27% số người cao tuổi có lương hưu, 23% được nhận trợ cấp xã hội. "Phần đông ông bà, cha mẹ của chúng ta từ nông nghiệp đi lên, họ không có lương hưu. Nhiều người trên 60 tuổi vẫn “buôn thúng bán mẹt”, làm ăn buôn bán để có thu nhập. Chính vì vậy, bên cạnh những chính sách về chăm sóc y tế, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm để có những chính sách hỗ trợ về việc làm cho người cao tuổi được tốt hơn và toàn diện hơn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Giảng viên Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng, nếu trước đây, quan điểm văn hóa truyền thống ở nước ta là người cao tuổi cần được nghỉ ngơi, thì hiện nay, trong bối cảnh già hóa dân số, có một quan điểm khác được hình thành, đó là người cao tuổi cần phát huy được năng lực của mình. “Động cơ tham gia thị trường lao động của người cao tuổi ở nước ta cũng khác nhau, một bộ phận làm là để có đời sống tinh thần phong phú, được bảo đảm sức khỏe, nhưng cũng có người là vì sinh kế. Họ không muốn khi bản thân về già sẽ phải phụ thuộc vào con cái” - bà Nga nói.
Có chính sách hỗ trợ đặc thù
Người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được nghỉ hưu; những người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp..., tuy giảm sút về thể lực, nhưng nhiều người còn đủ sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm, có nhu cầu khởi nghiệp, học nghề để chuyển đổi sang việc làm mới phù hợp hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, với người lao động từ 60 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu là bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già... Nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng lại thiếu vốn...
Một vấn đề đáng quan tâm đó là hiện nay, mặc dù các trung tâm giới thiệu việc làm có ở khắp các tỉnh, thành phố, nhưng những trung tâm việc làm dành riêng cho người cao tuổi lại chưa có. Việc thiếu các thông tin về việc làm, cũng như thiếu các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích việc làm cho người cao tuổi cũng là một thách thức trong quá trình tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho người cao tuổi. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có các quy định cụ thể hay các chương trình khuyến khích, cho phép người cao tuổi tham gia vào các công việc có trả lương phù hợp với nhu cầu, như giờ làm việc linh hoạt, hoặc rút ngắn thời gian làm việc trong ngày. Người cao tuổi thường làm việc trong khu vực phi chính thức, các công việc lao động tự do, hoặc làm các công việc gia đình không được trả lương... Việc thiếu các quy định đã làm hạn chế cơ hội tham gia vào khu vực chính thức của người cao tuổi.
Bàn về giải pháp để thích ứng với vấn đề già hóa dân số trong bối cảnh hiện nay, bà Mai nhấn mạnh: “Người cao tuổi là nguồn lực để phát triển xã hội. Chúng ta cần tiếp tục động viên người cao tuổi làm những công việc phù hợp, để họ có đời sống tinh thần vui hơn, nâng cao sức khỏe và cải thiện thu nhập, dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý”. Ông Phạm Đại Đồng - Trưởng phòng Người cao tuổi (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, cần có các chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội Người cao tuổi cấp xã để sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; có chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp tình hình thực tế của địa phương nơi người cao tuổi cư trú; chính sách miễn giảm phí chuyển giao công nghệ, khuyến khích hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh.
“Nhà nước cũng cần cung cấp cơ hội đào tạo lại cho người cao tuổi để họ được nâng cao tay nghề và kỹ năng mới, giúp họ có khả năng cạnh tranh tìm việc làm ở thị trường lao động mới; đồng thời, thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm cho lao động cao tuổi để họ tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ tìm việc làm; bảo đảm môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi” - ông Đồng đề xuất.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tan-dung-nguon-luc-nguoi-lao-dong-cao-tuoi-178319.html