Tận dụng phân voi, Thảo Cầm Viên Sài Gòn và nhóm sinh viên làm giấy thủ công

Thảo Cầm Viên Sài Gòn phối hợp với nhóm sinh viên dùng phân voi, làm ra giấy vẽ tranh, làm thiệp, hình nổi 3D, ...

Với mục đích bảo vệ môi trường, đồng thời giúp mọi người nhận thức đúng hơn về bảo vệ động vật hoang dã, cách tiết kiệm giấy, Thảo Cầm Viên Sài Gòn phối hợp với nhóm sinh viên Trường đại học Công nghệ TP. HCM sản xuất giấy từ phân voi, sau 8 tháng nghiên cứu.

Được biết, trên thế giới đã có một số nước tận dụng phân voi làm giấy. Vì thế, Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng đã bắt đầu làm giấy từ hồi tháng 2 năm nay.

Bài liên quan

Thảo Cầm Viên đông đúc trẻ em trong ngày Quốc tế Thiếu nhi

Dinh Độc Lập, Thảo Cầm Viên ngày 30/4: Xếp hàng mua vé quá lâu, nhiều du khách ‘quay xe’

Người dân chen nhau đưa con em tham quan Thảo Cầm Viên dịp lễ Giỗ Tổ

TP. HCM chi hơn 13 tỉ đồng hỗ trợ Thảo Cầm Viên

Ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, do voi chủ yếu ăn cỏ, mía,… nên không tiêu hóa hoàn toàn, phân nhiều chất xơ, không nặng mùi, có thể tận dụng làm giấy được.

Phân voi sau khi được thu thập, sẽ đem rửa qua ít nhất 7 lần nước để loại bỏ hết tạp chất, chỉ còn lại xơ thực vật.

Phần xơ thu được sau làm sạch sẽ đem luộc ở 200 độ C trong hai tiếng để loại bỏ vi khuẩn, mùi hôi.

Nước thải từ việc rửa phân voi sẽ được tận dụng làm nước tưới cây.

Tiếp đó, nhóm nghiên cứu sẽ đem phơi các sợi xơ trong một ngày trời nắng to. Phân khi sơ chế và phơi khô sẽ chỉ còn lại sơi xơ có màu vàng nhạt thay vì màu đậm như trong rổ.

Trung bình một cân phân voi qua quá trình tái chế thu được nửa kg nguyên liệu.

Phần nguyên liệu trên tiếp tục được cho vào máy xay sinh tố cùng nước để nghiền nhuyễn.

Đặc biệt không sử dụng hóa chất công nghiệp nên chỉ cho thêm bột năng, ít giấy vụn để tăng độ kết dính, mịn cho sản phẩm.

Nguyên liệu được cân đo, đong đếm theo tỉ lệ chính xác.

Phần nguyên liệu được xay nhuyễn sẽ đem đi pha thêm nước, rồi dùng khuôn khổ A4 để lọc ra giấy thành phẩm.

Khuôn có màng lọc chế từ lưới bắt thú được nhúng vài lần trong nước để chắt lọc lấy bột giấy.

Nguyên liệu này được Đặng Kiều Anh (22 tuổi) và Nguyễn Kiều Tuyết Ngân (22 tuổi, sinh viên Trường đại học Công nghệ TP. HCM) se giấy lên khuôn.

Sau 8 tiếng phơi, phần giấy thành phẩm trên tấm vải sẽ được lấy ra khi đã hoàn toàn khô, cứng.

Công việc làm giấy chỉ được thực hiện vào hai ngày cuối tuần, mỗi lần sử dụng từ 3 - 5 kg phân.

Giấy thành phẩm có màu đục, bề mặt hơi nhám nhưng khá dai, không bị gẫy vụn.

Số giấy làm ra chủ yếu phục vụ thiếu nhi vẽ tranh, làm thiệp, hình nổi 3D,...

Theo Đặng Kiều Anh, thời gian đầu tiếp xúc với phân voi, Kiều Anh và các bạn khá ngại ngùng, nhưng dần về sau lại thành quen, bản thân lại là sinh viên ngành thú y nên cảm giác rất bình thường.

“Lúc đầu cũng hơi khó khăn, vì chưa có công thức thực hiện chi tiết nên chúng tôi phải mài mò từng bước, tỉ lệ các nguyên vật liệu cũng chưa cân bằng, thành ra giấy không thể kết dính. Sau này, chúng tôi rút kinh nghiệm nên chất lượng giấy ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, nhóm vẫn đang cố gắng cải thiện, giúp giấy loáng được cả hai mặt, độ dày phải đồng đều”, Ngân nói.

Trung bình cứ 100g bột phân voi làm được 7-8 tờ giấy độ dày như nhau. Nếu trời nắng, nhóm sẽ làm được khoảng 20-30 tờ giấy/buổi, trường hợp trời mưa, phải chờ đến khi có nắng mới có thể tiếp tục.

Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ tìm cách cải thiện chất lượng, để giấy được ứng dụng rộng rãi hơn. Ngoài ra, đơn vị không dự định bán ra thị trường mà sẽ cung cấp giấy cho các đơn vị giáo dục trẻ em.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tan-dung-phan-voi-thao-cam-vien-sai-gon-va-nhom-sinh-vien-lam-giay-thu-cong-post202390.html