Tận dụng thế mạnh xây dựng nhãn hiệu sản phẩm chủ lực
Để đảm bảo đầu ra và tăng lợi nhuận cho thành viên, Hợp tác xã (HTX) Bình Phục Nhứt (xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã chú trọng sản xuất lúa theo quy trình VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, HTX còn xây dựng thương hiệu gạo của đơn vị đạt chuẩn OCOP 3 sao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG SẢN PHẨM OCOP
HTX Bình Phục Nhứt được thành lập vào năm 2020, hoạt động trên 3 lĩnh vực là sản xuất lúa - gạo, cung cấp nước sạch và thu gom rác thải với 107 thành viên. Trên lĩnh vực sản xuất lúa - gạo, HTX luôn tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc và đúng cách) trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Để thực hiện được các nguyên tắc này, HTX đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho thành viên vào thời điểm chuẩn bị xuống giống lúa; sinh hoạt theo chủ đề của từng kế hoạch sản xuất. Đồng thời, liên kết với Công ty TNHH Thương mại HK để trao đổi kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng phân; thuốc đúng cách cho thành viên.
Đến vụ thu hoạch, HTX sẽ trực tiếp thu mua lúa tươi tại ruộng của thành viên với mức giá cao hơn thị trường. Thành viên được hưởng lợi khi HTX thu mua tại ruộng do không phải tốn chi phí vận chuyển. Để đảm bảo đầu ra cho thành viên, HTX đã liên kết, ký hợp đồng với Doanh nghiệp Thanh Hùng để gia công gạo và đóng gói theo đúng tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Văn Trạng, Giám đốc HTX chia sẻ, trong quá trình hoạt động, HTX luôn sản xuất, kinh doanh có kế hoạch. Đơn vị luôn quan tâm củng cố, duy trì tổ sản xuất lúa VietGAP gắn với kiểm tra nội bộ. Nhờ đó, HTX đã dần tăng diện tích sản xuất lúa từ 6,2 ha lên 12 ha.
Bên cạnh xây dựng sản phẩn gạo “Bình dân” đạt chuẩn OCOP, HTX Bình Phục Nhứt còn cung cấp nước sinh hoạt nông thôn cho thành viên và các hộ dân ngoài HTX, với 250 hộ. Trong mùa khô năm 2024, HTX đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân, với giá cả hợp lý.
Đối với hoạt động thu gom rác thải, HTX tổ chức nâng chất hoạt động của tổ thu gom rác trên địa bàn toàn xã. Các tổ đảm bảo thu gom toàn bộ khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, không để tồn động gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều thành viên HTX chia sẻ, trước đây, thấy cây trồng nào có giá là nông dân lại đổ xô trồng, nên việc canh tác rất khó khăn. Sau khi tham gia HTX, từ khâu làm đất, chọn giống đến quy trình sản xuất, thu hoạch đều do HTX phụ trách và chịu trách nhiệm. Thành viên chỉ cần liên hệ HTX đến thu mua, chứ không phải chạy đôn chạy đáo thuê lao động như trước.
Có thể nói, với sự vận hành hiệu quả, ổn định đã tạo tiền đề, tiếp sức cho HTX mạnh dạn thực hiện ý tưởng xây dựng sản phẩm gạo “Bình dân”. Theo đó, ngay từ đầu năm 2024, HTX đã bắt tay thực hiện sản xuất lúa theo quy trình và xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm gạo “Bình dân”. Từ những nỗ lực không ngừng, đến nay, sản phẩm gạo “Bình dân” của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Ông Nguyễn Văn Trạng cho biết thêm: “Phát triển sản phẩm OCOP giúp HTX nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ khi được công nhận sản phẩm đạt OCOP, doanh thu, lợi nhuận hằng năm của HTX tăng ổn định. Trong việc xây dựng sản phẩm OCOP, điều quan trọng đối với các HTX là phải thực hiện theo quy trình khép kín. Đặc biệt là phải thắt chặt mối liên kết giữa “4 nhà”. Đó chính là bàn đạp vững chắc, là cầu nối thành công cho HTX”.
KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHẤT VÀ LƯỢNG
Đến nay, ngoài khách hàng lẻ, HTX đã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Để mở rộng thị trường, HTX đã tích cực tham gia chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sản phẩm.
Đồng thời, sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để bán hàng, từng bước nâng cao vị thế sản phẩm. Trong quá trình này, HTX luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của khách hàng cũng như các ngành và chính quyền địa phương để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Nhờ đó, sản lượng gạo xuất bán mỗi năm của HTX đều có sự tăng trưởng.
Ông Nguyễn Văn Trạng cho biết, trong năm 2025, HTX sẽ vận động thành viên phát triển thêm diện tích đất trồng lúa, đảm bảo vùng trồng ngày càng mở rộng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tăng cường sản xuất, chế biến; chủ động quy hoạch vùng sản xuất lúa sang các địa bàn lân cận. Một trong những công việc quan trọng là liên kết tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo quy trình khép kín với quy mô lớn nhằm đủ cung ứng cho HTX sản xuất và chế biến.
Từ đó, sản phẩm sẽ được đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được thị trường đón nhận. Điều này sẽ giúp cho HTX phát triển hiệu quả, ổn định. Đồng thời, tạo nhiều việc làm cho người dân, góp phần xóa khó giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Trạng, để đạt được những mục tiêu này, HTX rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm gạo cũng như các mặt hàng khác. Việc được công nhận thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm sẽ khích lệ HTX tiếp tục đóng góp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Ngoài việc tập trung phát triển các lĩnh vực chính, HTX đang thực hiện hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp mã số vùng trồng cho cây dừa với diện tích 223,01 ha và cây thanh long 76,7 ha với 549 hộ tham gia. Đây là những hướng đi mới kỳ vọng sẽ giúp HTX tiếp tục phát triển.
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt Võ Thành Hiệp, với tư duy sản xuất thay đổi theo hướng tích cực, chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, HTX Bình Phục Nhứt đã góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, ngày càng khẳng định được thương hiệu, uy tín của sản phẩm với người tiêu dùng.
Thành quả này có được là từ sự tin tưởng, đồng thuận của người dân với mong muốn tạo nên bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa xã Bình Phục Nhứt về đích xã nông thôn mới nâng cao.