Tận dụng 'thời điểm vàng' để phục hồi nền kinh tế

Việc khống chế được dịch bệnh Covid-19 là thành công lớn của Việt Nam khi đã tận dụng được 'thời điểm vàng' để ngăn chặn sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Ngay sau dịch, các địa phương, trong đó có Tuyên Quang cũng đang tận dụng tối đa 'thời điểm vàng' để phục hồi nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm.

Thời điểm dịch bệnh, gần như tất cả mọi hoạt động đều chịu tổn thất. Sức mua giảm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa; doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường, nguyên liệu; giải ngân vốn đầu tư đạt thấp; xuất nhập khẩu cũng gặp tình trạng tương tự… Ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, nhiều giải pháp cụ thể đã được các cấp, ngành thực hiện đồng bộ, nhằm tận dụng tối da “thời điểm vàng” để phục hồi nền kinh tế. “Thời điểm vàng” này bao gồm sự hỗ trợ, trợ lực từ các chính sách kích cầu kịp thời của Chính phủ, làn sóng thu hút đầu tư sau dịch bệnh và cả sự nỗ lực, chuyển mình từ chính các doanh nghiệp.

Khách hàng giao dịch tại Công ty Honda Linh Lực. Ảnh: Thành Công

Khách hàng giao dịch tại Công ty Honda Linh Lực. Ảnh: Thành Công

Giải ngân vốn đầu tư của tỉnh hiện mới chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch năm. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ngay trong tháng 5 này và tháng 6 tới, Kho bạc Nhà nước tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình tại các chủ đầu tư, các huyện, thành phố, từ đó xây dựng giải pháp tháo gỡ phù hợp. Đơn vị này cũng sẽ thành lập riêng một bộ phận hỗ trợ các chủ đầu tư, đơn vị thi công hoàn thiện các thủ tục liên quan, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.

Thu hút đầu tư cũng đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, đã có nhiều doanh nghiệp tiếp tục đến tìm hiểu thực tế đầu tư tại Tuyên Quang. Ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Huy Land (Hà Nội) vừa có chuyến khảo sát tại 2 huyện Na Hang, Lâm Bình, mục tiêu là tìm kiếm cơ hội phát triển lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Ông Khoa cho rằng, so với nhiều địa phương khác, thì du lịch ở Na Hang, Lâm Bình có nhiều ưu thế hơn để phát triển: Thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơn, danh thắng độc đáo, đẹp, người dân mến khách, thân thiện. Đây là lợi thế khi thu hút đầu tư, và nếu tìm được nhà đầu tư xứng tầm, khai thác đúng điểm mạnh, thì về lâu dài, vùng đất này sẽ thu hút được nhiều khách du lịch hơn, nhất là khách du lịch ở phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp. Hiện ông Khoa cũng đang nghiên cứu, về lâu dài có thể phát triển phân khúc này.

Thị trường nội địa hiện đang được nhiều doanh nghiệp ưu tiên khai thác. Công ty TNHH MTV Duy Vượng, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) kinh doanh xăng dầu và dịch vụ, du lịch, trong đó mảng kinh doanh chính, đem lại nguồn thu nhập lớn nhất, ổn định nhất là dịch vụ, du lịch thì tạm ngừng hoạt động do thị trường du lịch “đóng băng”. Ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc Công ty cho biết, ước tính thiệt hại ban đầu của đơn vị là trên 200 triệu đồng. Quãng thời gian nghỉ đón khách, ông tranh thủ chỉnh trang lại quán xá, nhà nghỉ, tìm kiếm thêm nhiều món ăn mới đáp ứng nhu cầu của khách… Dịp nghỉ lễ 30 - 4, 1 - 5, đã có nhiều đoàn khách du lịch quay lại Lâm Bình, chủ yếu là khách du lịch nội địa. Đây là tín hiệu vui để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong thời gian này.

Thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, đến giữa tháng 5, có 330 doanh nghiệp có đơn đề nghị được giãn thuế, miễn, giảm thuế; 93 doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ tiền vay không lãi suất để trả lương, hỗ trợ công nhân bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập do cắt giảm thời gian lao động; 50 doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ để đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tuyên Quang, mặc dù các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội gặp nhiều khó khăn khi tái khởi động lại sản xuất, nhưng do quy mô doanh nghiệp nhỏ, địa bàn sản xuất tập trung nên điều kiện sản xuất kinh doanh tương đối thuận lợi, áp lực cạnh tranh không quá gay gắt…

Không nằm trong nhóm doanh nghiệp được giãn giảm thuế, giãn nợ… nhưng thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty TNHH Honda Linh Lực cũng chịu ảnh hưởng lớn. Doanh thu 4 tháng năm 2020 chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Vi Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, mặc dù không có khách, nhưng mục tiêu của đơn vị ngay từ đầu là không cắt giảm lương, không cắt giảm lao động làm việc. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đơn vị đã lên kế hoạch thu hút khách. Từ việc hỗ trợ trả góp đến 80% giá trị xe, tăng cường khuyến mại bằng tiền hoặc hiện vật cho khách hàng đến mua xe, đến việc gia tăng các dịch vụ chăm sóc khách hàng… Đến giữa tháng 5, lượng khách hàng đến với các cửa hàng của công ty đã cơ bản ổn định.

Nếu trước đây các doanh nghiệp chủ yếu khai thác thị trường xuất khẩu, thì thời điểm này nên tập trung vào thị trường nội địa: Người tiêu dùng nội địa, khách du lịch nội địa. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng vừa phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh phát động phong trào vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm tái khởi động lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/tan-dung-thoi-diem-vang-de-phuc-hoi-nen-kinh-te-132377.html