Tận dụng tối đa quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc chứng nhận quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định này.

Lợi ích từ các hiệp định thương mại

Trong thời gian qua, nhờ vào các hiệp định FTA, kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam với các nước thành viên của các hiệp định đã tăng lên đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu sang Canada và Mexico năm 2020 đã tăng 45% và 41% so với cùng kỳ năm 2018 trước khi có hiệp định CPTPP. 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các nước CPTPP tăng 22,52% so với cùng kỳ năm 2020.

Tương tự, nhờ có hiệp định EVFTA, tính đến tháng 6/2021, xuất khẩu từ Việt Nam vào EU tăng liên tục và ổn định ở mức 18,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu nông sản từ Việt Nam vào EU tăng 19,8% (so với 4,3% cả năm 2020). Trong đó, tỉ lệ kim ngạch xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA trong 6 tháng đầu 2021 đạt 29% kim ngạch xuất khẩu, tăng cao so với con số 14,8% kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng cuối 2020 kể từ khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020.

“Chúng ta có thể thấy tỉ lệ sử dụng C/O ưu đãi cũng tương đối, một số hiệp định có tỉ lệ tận dụng ưu đãi rất cao.” – ông Lê Khánh Lâm – Phó Tổng Giám đốc RSM Việt Nam đánh giá tại hội thảo trực tuyến “Làm thế nào để tối ưu lợi ích của FTA cho Doanh nghiệp” với chuyên đề “Thuế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các điều kiện phi thuế” diễn ra mới đây. Ông lấy dẫn chứng, hiệp định thương mại giữa Việt Nam – Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có tỉ lệ tận dụng C/O ưu đãi năm 2019 lên đến 31% và năm 2020 cũng đạt 29,6%. Hay đối với hiệp định thương mại tư do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) có tỉ lệ tận dụng C/O ưu đãi lên đến 38,3% năm 2019 và 40,2% năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp còn loay hoay

Ông cũng cho biết thêm, một số hiệp định vừa đi vào hiệu lực như CPTPP hay EVFTA nhưng lại diễn ra trong bối cảnh đại dịch nên kết quả tận dụng chưa được như kì vọng. Ví dụ như đối với hiệp định CPTPP, tỉ lệ tận dụng C/O ưu đãi năm 2019 mới đạt 1,7% và năm 2020 là 4%. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là tỉ lệ tận dụng C/O này không đại diện cho lộ trình cắt giảm của hiệp định thương mại. Ông cho rằng, hai hiệp định này mới ở giai đoạn đầu của lộ trình và bày tỏ sự tin tưởng chắc chắn tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi sẽ tăng trong các năm sau.

Ông Lâm khuyến nghị, các cơ quan quan xây dựng chính sách cần có các công tác xây dựng chính sách, pháp luật và hoàn thiện thể chế để thực thi các hiệp định FTA. Các chính sách này cần đồng bộ, dễ tiếp cận, dễ đọc. Bên cạnh đó, cần có các công tác phổ biến, tuyên truyền các hiệp định FTA cho các doanh nghiệp, nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại, giao thương dễ dàng hơn. Mặt khác, các hội chợ quảng bá, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có vai trò hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp nhằm tìm hiểu thị trường.

Cũng tại buổi hội thảo, bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng lưu ý, để tận dụng các ưu đãi về xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp trước khi xuất hàng hóa sang nước nhập khẩu, cần phải trao đổi thật kỹ với đầu nhà nhập khẩu để xác định hải quan nước bạn phân loại mã HS theo phương thức nào, tránh tình trạng doanh nghiệp phải làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ nhiều lần.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tan-dung-toi-da-quy-tac-xuat-xu-trong-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-167649.html