Tận dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, san lấp

Tổng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, san lấp, làm đường giao thông vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ, trong đó có chi phí và môi trường.

Lượng lớn tro, xỉ của nhà máy nhiệt được đổ ra ngoài khu dân cư. Ảnh: Hà An.

Lượng lớn tro, xỉ của nhà máy nhiệt được đổ ra ngoài khu dân cư. Ảnh: Hà An.

Hơn 18 triệu tấn tro, xỉ phát thải trong năm 2023

Dẫn số liệu tổng hợp từ các tập đoàn, gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà máy nhiệt điện khác (hiện cả nước có 31 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động), Bộ Xây dựng cho biết, lượng tro, xỉ phát thải có xu hướng tăng dần theo từng năm: Năm 2019 là 13,6 triệu tấn; năm 2020 là 14,8 triệu tấn; năm 2021 là 16,35 triệu tấn; năm 2022 là 15,78 triệu tấn và năm 2023 là hơn 18,07 triệu tấn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tình hình tiêu thụ tro, xỉ nhiệt điện trên phạm vi cả nước có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây và từng bước tiệm cận với mức phát thải. Năm 2023, lượng tro, xỉ được tiêu thụ toàn quốc đạt hơn 18,01 triệu tấn, tương đương 99,6% tổng lượng phát thải trong năm.

Tính đến cuối năm 2023, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 83 triệu tấn, chiếm khoảng 66,2% tổng lượng phát thải từ trước tới nay. Tro, xỉ sử dụng nhiều nhất trong các lĩnh vực làm vật liệu san lấp, phụ gia khoáng cho xi măng, sau đó là dùng làm phụ gia bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt). Đồng thời, tro, xỉ được dùng để thay thế một phần nguyên liệu sản xuất gạch xây (nung và không nung).

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, một số nhà máy nhiệt điện vẫn còn tiêu thụ chậm, lượng tro, xỉ tồn đọng trên bãi chứa còn nhiều (Đông Triều, Cẩm Phả, Mông Dương BOT, Vĩnh Tân 1 BOT, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải). Một số nhà máy có bãi chứa tro, xỉ nằm cách xa nơi tiêu thụ nên chi phí vận chuyển cao, việc sử dụng tro, xỉ chưa hấp dẫn về kinh tế - kỹ thuật nên khó tiêu thụ.

Dùng tro, xỉ trong làm đường giao thông

Bộ Xây dựng mới đây có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các cơ sở phát thải đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ: Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong thi công các công trình giao thông (đường cấp III trở xuống); hướng dẫn việc sử dụng tro, xỉ đắp nền đường giao thông. Vì theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12660:2019 thì tro, xỉ nhiệt điện chỉ được đắp nền đường ở chiều sâu 80cm - 100cm kể từ đáy kết cấu áo đường trở xuống, những khu vực nước ngầm bên dưới thì không được sử dụng tro, xỉ để đắp nền đường.

Bộ Tài chính quy định hạch toán đối với hàng hóa là tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón để phù hợp với các quy định hiện hành, phối hợp với UBND các địa phương nghiên cứu ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ về cước vận chuyển đối với các công trình xây dựng nằm ở xa nguồn cung cấp để khuyến khích tăng cường sử dụng tro, xỉ.

Các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN, TKV, các nhà máy nhiệt điện (BOT), tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích và đầu tư nghiên cứu xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao tiếp cận nguồn phát thải; tiếp tục tìm kiếm đối tác phù hợp để tăng tốc độ tiêu thụ, giảm lượng tồn đọng tro bay tối đa và đảm bảo lượng tồn trữ tại các bãi chứa của mỗi nhà máy không vượt quá tổng lượng thải của 2 năm sản xuất trung bình.

Việc thí điểm sử dụng tro, xỉ của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải làm vật liệu san lấp đường cũng đã được Chính phủ cho phép. Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo công ty này thí điểm triển khai đối với một số dự án đường giao thông của địa phương hoặc đường cao tốc. Địa phương phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường đánh giá toàn bộ các chỉ tiêu cơ lý, môi trường của tro, xỉ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn làm vật liệu xây dựng.

Giới chuyên gia nhận định, việc không sử dụng tro, xỉ trong các hồ sơ đấu thầu công trình dự án xây dựng là sự lãng phí lớn bởi nguồn cát khai thác tự nhiên tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khan hiếm.

Chủ trương lớn của Chính phủ và Đảng là khuyến khích kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ môi trường, nghị định hướng dẫn luật đều quy định sử dụng các vật liệu thải, thu hồi từ ngành sản xuất này, sử dụng cho ngành sản xuất khác với mục đích cao nhất là bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc sử dụng tro, xỉ để phục vụ xây dựng là hợp lý.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần Hoàng Sơn Flyash and Cement cho rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp cần phải tháo gỡ được 2 rào cản chính là chi phí và môi trường. Các doanh nghiệp cần phải đánh giá kỹ chi phí như bốc dỡ, vận chuyển và các vấn đề về an toàn môi trường. Do đó, ông Vũ kiến nghị cơ quan chức năng sớm ban hành các tiêu chuẩn cụ thể xúc tiến việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp. Qua đó đẩy mạnh tiêu thụ, xử lý tro, xỉ, nhất là ở các nhà máy nhiệt điện ở phía Nam hiện đang gặp vấn đề như bãi xỉ gần đầy.

NAM ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tan-dung-tro-xi-lam-vat-lieu-xay-dung-san-lap-10286632.html