Tận dụng văn hóa để phát triển kinh tế ở Hà Giang

Mới đây, Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị Văn hóa năm 2023 nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện về các giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong giai đoạn mới. Đây là hội nghị quan trọng mang đến những định hướng lớn trong phát triển văn hóa của tỉnh.

Hội nghị Văn hóa của tỉnh Hà Giang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: Ngô Khiêm

Hội nghị Văn hóa của tỉnh Hà Giang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: Ngô Khiêm

Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng Đông Bắc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Quá trình hình thành nền văn hóa của vùng đất cực Bắc Tổ quốc gắn bó chặt chẽ với điều kiện tự nhiên và xã hội nơi đây. Sự khắc nghiệt của địa hình tự nhiên chia cắt, núi cao - thung sâu, vùng đá khô khát, vùng cao núi đất tiềm ẩn nguy cơ sạt lở..., khó khăn chồng chất đã tạo cho nhân dân các dân tộc ở Hà Giang những nét đặc thù trong lao động và sinh hoạt, trong cách ứng xử với tự nhiên và xã hội. Đồng thời, mỗi dân tộc ở Hà Giang đều thể hiện những giá trị văn hóa riêng, độc đáo, đa dạng, giàu bản sắc, phản ánh chân thực đời sống văn hóa của dân tộc mình qua từng thời kỳ lịch sử.

Tất cả điều đó đã tạo nên những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc, nhân văn mang đậm tâm hồn, cốt cách con người Hà Giang, thấm đẫm trong suy nghĩ, hành động của biết bao thế hệ, người Hà Giang luôn ý thức đây chính là bệ đỡ, là nền tảng, là động lực góp phần xây dựng quê hương trong suốt tiến trình 132 năm qua, kể từ khi thành lập tỉnh Hà Giang năm 1891, ngày càng phát triển như hiện nay.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn quan tâm phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, đầu tư, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị và di sản văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh và động lực phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới và hội nhập quốc tế của tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự nhận diện, đánh giá một cách khách quan, toàn diện để từ đó đề ra những chủ trương, định hướng, hoạch định những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm rút ngắn khoảng cách, giảm thiểu sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng; bảo vệ các di sản văn hóa quý báu của dân tộc nói chung và của Hà Giang nói riêng trước nguy cơ bị xuống cấp, mai một.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Hà Giang cần vận dụng những mô hình phù hợp để bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa mà Hà Giang có nhiều lợi thế là du lịch văn hóa. Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang với tư cách là một Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận có đầy đủ điều kiện để xây dựng “Bảo tàng sinh thái”. Đây là một dạng thức, một mô hình mới trong bảo tồn di sản văn hóa một cách toàn diện và hoàn chỉnh hơn.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị Văn hóa của tỉnh Hà Giang. Ảnh: Ngô Khiêm

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị Văn hóa của tỉnh Hà Giang. Ảnh: Ngô Khiêm

Các chuyên gia bảo tàng học trên thế giới quan niệm, Bảo tàng sinh thái là một dạng “bảo tàng mở”, “bảo tàng sống” được thể hiện qua các chiều cạnh không gian và thời gian, nhằm khẳng định và quảng bá các giá trị di sản văn hóa, di sản tự nhiên, di sản văn hóa phi vật thể và các hoạt động sống của cộng đồng cư dân trong một không gian văn hóa cụ thể. Việc xây dựng Bảo tàng sinh thái trên Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang còn gắn kết mật thiết với vấn đề an ninh sinh thái. Theo đó, Hà Giang cần ưu tiên nghiên cứu, đầu tư xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái trên Cao nguyên đá Đồng Văn với tư cách là phương tiện bảo tồn nguồn tài nguyên quan trọng cho phát triển du lịch văn hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, để phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong những năm tới, cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng để con người Hà Giang phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, với những phẩm chất yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, thật thà, cần cù, nghĩa tình, nhân văn. Hà Giang cũng cần tiếp tục khai thác, phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn để phát triển du lịch. Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đã có, Hà Giang cũng cần rút ra một số bài học từ thực tế của địa phương và các tỉnh miền núi có điều kiện tương đồng để có bước đi bền vững trong những năm tới.

Cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, của thành phố Hà Giang và các huyện, các xã, thôn, bản; phát hiện và xử lý nhanh, dứt điểm tình trạng xây dựng, cơi nới tùy tiện, xô bồ, mạnh ai nấy làm. Các khu vực huyện lỵ, các vùng đất đang và sẽ khai thác du lịch, có tiềm năng du lịch cần xây dựng và công bố công khai quy hoạch tổng thể, chi tiết, hài hòa với điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa bản địa.

“Bên cạnh việc kế thừa, phát huy di sản văn hóa của tỉnh, Hà Giang cần đẩy mạnh việc xây dựng nền văn hóa số thích ứng với nền kinh tế số, kinh tế xanh, xã hội số, công dân số... Chú trọng đầu tư, phát triển công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa. Số hóa các di sản văn hóa, các nguồn tài nguyên văn hóa nhằm tạo dựng nguồn dữ liệu số đầy đủ, hấp dẫn về văn hóa, con người Hà Giang. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh theo định hướng của nền kinh tế số. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hành lang pháp lý nhằm khuyến khích phát triển thị trường văn hóa số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số. Ngoài ra, có các biện pháp hạn chế, ngăn chặn các ảnh hưởng, tác động từ mặt trái, mặt tiêu cực quá trình chuyển đổi số đến đời sống xã hội, nhất là với văn hóa, con người, đặc biệt là giới trẻ” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tan-dung-van-hoa-de-phat-trien-kinh-te-o-ha-giang-post469210.html