Tan 'giấc mơ Mỹ', người trẻ Trung Quốc ấp ủ 'giấc mộng Trung Hoa'

Từng được xem là 'miền đất hứa' của nhiều người trẻ Trung Quốc, giờ đây, sức hấp dẫn của nước Mỹ đã không còn khi ngày càng nhiều người đặt niềm tin vào quê hương.

Nhiều người trẻ Trung Quốc đang đặt niềm niềm tin nhiều hơn vào quê hương. (Nguồn: BBC)

Nhiều người trẻ Trung Quốc đang đặt niềm niềm tin nhiều hơn vào quê hương. (Nguồn: BBC)

Mới đây, nhân viên một ngân hàng đầu tư của Trung Quốc đã đặt câu hỏi trên mạng xã hội Twitter: “Gần 30 năm qua, những sinh viên ưu tú nhất của Trung Quốc đã đến Mỹ nhưng hầu như không đạt được kết quả gì. Trong khi đó, những người bạn của họ, dù không ưu tú bằng, chọn ở lại Trung Quốc lại đạt được rất nhiều thành tựu. Tại sao vậy?".

Một bình luận cho hay, câu trả lời nằm ở vận mệnh của dân tộc.

Đầu tháng 2/2021, một báo cáo được thực hiện bởi tờ The Economist, được ủy quyền bởi Ủy ban 100 - một tổ chức tập hợp những người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng có trụ sở tại Mỹ, chỉ ra rằng nhiều công dân Mỹ gốc Hoa đang đối mặt với khó khăn trong việc phát triển sự nghiệp ở Mỹ. Nhiều người thậm chí đang phải sống dưới mức thu nhập trung bình.

Nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự phát triển vượt bậc của các cá nhân khi lựa chọn ở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, vận mệnh của quốc gia vẫn đóng vai trò quan trọng.

Trong 30 năm vừa qua, những chính sách cải cách và mở cửa sâu rộng của Trung Quốc đã tạo nên sự thay đổi quan trọng, thúc đẩy đất nước phát triển.

Sự phát triển đó bao gồm việc phổ cập giáo dục ở tất cả các cấp, tăng trưởng kinh tế, tiến bộ công nghệ, tăng số lượng việc làm và an sinh xã hội.

CEO Lôi Quân của Tập đoàn Xiaomi bình luận: “Ngay cả một con lợn cũng có thể bay nếu nó đứng ở trung tâm của cơn lốc”. Câu nói này đã trở thành câu cửa miệng trong giới kinh doanh Trung Quốc. Khá nhiều "ông trùm" đã nổi lên từ những làn sóng khởi nghiệp và đạt được thành tựu to lớn tại thị trường Trung Quốc thời gian qua.

Dù Trung Quốc chưa thể có Steve Jobs hay Elon Musk của riêng mình nhưng theo ông Shaun Rein, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc, các thương hiệu Trung Quốc như Li Xiang, XPeng và NIO... cũng tốt không kém gì thương hiệu Telsa của Mỹ.

Giờ đây, sự phát triển công nghệ như vũ bão tại Trung Quốc cũng khiến Washington lo lắng và tìm cách kiềm chế Bắc Kinh khi cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ 5G, máy bay không người lái, cơ sở hạ tầng và sở hữu trí tuệ (AI).

Giáo sư Li Haidong của Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, thế hệ trẻ Trung Quốc đã không còn tin tưởng và học theo nước Mỹ. "Trong mắt họ, hình ảnh về ngọn hải đăng, biểu tượng cho dân chủ, tự do và nhân quyền của Mỹ đã sụp đổ", ông nói.

"Những người thuộc thế hệ của chúng tôi, không nhiều người cho rằng nên học theo phương Tây", tờ Wall Street Journal dẫn lời một sinh viên Trung Quốc từng du học cho hay.

Theo Wall Street Journal, "giấc mơ Mỹ" của nhiều người trẻ Trung Quốc đã trở thành cơn ác mộng. Thay vào đó là "giấc mơ Trung Quốc" khi quốc gia này cũng đang trở thành một vùng đất mới nhiều cơ hội.

Vào tháng 4, Trung tâm Nghiên cứu Global Times, một cơ quan liên kết với tờ Global Times đã khảo sát hơn 1.200 người trẻ của Trung Quốc về quan điểm của họ với các nước phương Tây.

Kết quả cho thấy, chỉ 8,1% người được hỏi nói rằng họ nên "tôn trọng phương Tây", giảm từ 37,2% cách đây 5 năm. Trong khi đó, số người không có thiện cảm với phương Tây tăng từ 18,4% lên 41,7% trong cùng giai đoạn.

(theo Global Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-giac-mo-my-nguoi-tre-trung-quoc-ap-u-giac-mong-trung-hoa-145996.html