Tận hiến vì nhân dân là đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 8/10, tại tỉnh Phú Thọ, báo Quân đội nhân dân phối hợp với Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tổ chức tọa đàm 'Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc'.
Tọa đàm do Đại tá Lê Ngọc Long - Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân, Đại tá Nguyễn Trung Đắc - Chính ủy Sư đoàn 316, chủ trì; với sự tham dự của Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân.
Tại buổi tọa đàm, các tham luận của đại biểu, cán bộ, chiến sĩ đã làm rõ thêm những phẩm chất làm nên giá trị danh xưng Bộ đội Cụ Hồ. Đồng thời, đại biểu cũng phân tích ý nghĩa của danh xưng Bộ đội Cụ Hồ đối với việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất của người quân nhân cách mạng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Đặc biệt, các đại biểu cũng làm nổi bật phẩm chất tận hiến vì nhân dân là đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ. Danh xưng - danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trở thành tên gọi thân thương, trìu mến mà nhân dân đã trao tặng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bộ đội Cụ Hồ hội tụ những phẩm chất đạo đức, văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam thời đại mới. Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở khách quan để khẳng định danh xưng - danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một nét văn hóa quân sự đặc trưng, tiêu biểu đã góp phần làm giàu những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam trong 8 thập kỷ qua, xứng đáng được đề nghị là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đại úy Đỗ Khắc Trình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, vừa qua việc thực hiện nhiệm vụ cứu nạn thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cho biết, cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn đã khắc phục khó khăn, sẵn sàng chấp nhận hi sinh ngày đêm thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Chính việc làm này đã để lại hình ảnh tốt đẹp về phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, được nhân dân ghi nhận và yêu mến.
Còn theo Binh nhất Trần Minh Thảo, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, giữ vững đoàn kết, giúp dân trong gian khó là yếu tố để xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Sau 2 tuần thực hiện nhiệm vụ cứu nạn giúp người dân tại Làng Nủ, khi bộ đội rút quân, dọc hai bên đường là hàng dài người dân cùng với từng nắm xôi, từng gói bánh... gửi bộ đội.
“Tình cảm của nhân dân làm cho tôi ấm lòng và tự hào vì hình ảnh khó khăn, vất vả đã để lại trong tâm trí người dân, được người dân ghi nhận. Chúng tôi tự hào vì được tận hiến cho nhân dân, được người dân gọi với các tên thân thương Bộ đội Cụ Hồ. Từ sự yêu mến của nhân dân, tôi quyết tâm huấn luyện, chiến đấu, lao động để xứng đáng với danh hiệu đó”, Binh nhất Trần Minh Thảo chia sẻ.
Kết luận tọa đàm, Đại tá Lê Ngọc Long nhấn mạnh, những câu chuyện được đại biểu nêu tại tọa đàm về sự đoàn kết, gắn bó, sẵn sàng hi sinh giúp đỡ, tận hiến vì dân là đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ.
Cùng với đó, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã in sâu trong tâm trí người dân. Vậy nên, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cần được giữ gìn, phát huy, đề nghị các cơ quan chức năng công nhận danh hiệu cao quý này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.