Tân Hóa Được vinh danh 'Làng du lịch tốt nhất thế giới': Bước tiến quan trọng đến du lịch bền vững
Với những ưu điểm sáng tạo xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết trong bối cảnh khí hậu biến đổi phức tạp; giúp bảo tồn văn hóa, phong tục, tập quán địa phương, có cơ chế chia sẻ lợi ích trong cộng đồng…, Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đã được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh 'Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023'.
Để hiểu hơn về cách xây dựng và vận hành hiệu quả mô hình này, Người Đô Thị trao đổi với ông Nguyễn Châu Á - nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Công ty Chua Me Đất (Oxalis), đối tác hình thành và duy trì làng du lịch thích ứng với thời tiết Tân Hóa.
Từ cảm hứng và dựa trên thực tế nào Công ty Oxalis đã thuyết phục và phối hợp với bà con cùng cơ quan chức năng địa phương triển khai mô hình “Làng du lịch thích ứng với thời tiết”, thưa ông?
Sản phẩm du lịch là khám phá hệ thống hang động Tú Làn thuộc xã Tân Hóa được Oxalis khai thác từ năm 2014. Ngay từ đầu, mục tiêu kinh doanh của Oxalis ưu tiên 3 trụ cột: an toàn, bảo tồn và sự tham gia của cộng đồng. Do đó việc đưa người dân tham gia kinh doanh du lịch cùng Oxalis nằm trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi.
Những năm đầu, khi hệ thống hang động Tú Làn chưa nhiều người biết, lượng khách chưa ổn định nên người dân địa phương chỉ tham gia khuân vác hành lý, trợ lý an toàn, đầu bếp hay hướng dẫn viên. Mấy năm gần đây lượng khách đến Tú Làn bắt đầu ổn định (6.000 - 9.000 khách mỗi năm), chúng tôi bàn với chính quyền và người dân địa phương để người dân tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách.
Cụ thể, người dân tham gia cung ứng trải nghiệm ăn tối tại nhà dân và dịch vụ lưu trú homestay. Ban đầu chúng tôi tính cho khách ở tại nhà gỗ của người dân để khách trải nghiệm. Nhưng xét tới khía cạnh thời tiết thì dự tính đó không khả thi vì hàng năm khi lũ lên, đồ đạc phải dọn lên cao, ảnh hưởng đến chất lượng và dịch vụ cung cấp cho khách.
Chúng tôi chú ý những căn nhà nổi bên cạnh nhà chính của người dân được sử dụng làm nơi tránh lụt vào những ngày nước dâng, ngày bình thường thì để không hoặc chứa vài nông cụ. Ý tưởng cải tạo những căn nhà nổi thành phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi nảy ra. Sản phẩm này có thể sử dụng ngay cả những ngày nước lũ dâng cao, khách du lịch có thể lưu trú và chèo thuyền đi thăm cuộc sống của người dân. Từ ý tưởng “làng du lịch” nhiều năm trước nhưng để thích ứng với điều kiện của địa phương, chúng tôi định hướng thành “làng du lịch thích ứng thời tiết”.
Người dân Tân Hóa chủ yếu làm nông, trồng hoa màu và chăn nuôi trâu bò, nên việc mở dịch vụ cung ứng trải nghiệm ăn tối tại nhà hay cung cấp dịch vụ homestay, với họ giống như khởi nghiệp vậy. Họ đắn đo và lo lắng. Oxalis đã cùng chính quyền địa phương giải thích để trấn an. Phía công ty sẽ giúp đào tạo nấu ăn, phục vụ, hỗ trợ đăng ký kinh doanh, tham gia khám sức khỏe, học an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là cung cấp nguồn khách thường xuyên và bảo đảm công bằng trong các hộ dân tham gia dịch vụ. Riêng với các hộ kinh doanh homestay, Oxalis hỗ trợ cải tạo những căn nhà nổi thành phòng nghỉ homestay với số tiền 150 triệu đồng/căn, 100% không hoàn lại, đồng thời hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ.
Sau nhiều nỗ lực và chứng minh hiệu quả từ việc có thu nhập ổn định, khách du lịch đánh giá cao chất lượng dịch vụ, các bên phối hợp với nhau ăn ý thì người dân đã yên tâm trở thành một phần trong chuỗi giá trị mà Oxalis mang lại cho du khách.
Làng du lịch Thái Hải của Việt Nam đã nhận danh hiệu làng du lịch tốt nhất vào năm 2022, sau khi UNWTO đưa ra sáng kiến này một năm trước đó. Năm nay, Việt Nam có 4 làng đến từ Quảng Bình, Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu tham gia, theo ông yếu tố nào giúp Tân Hóa vượt trội và được chọn?
Năm 2023, có 260 làng du lịch từ 60 nước tham gia mục “Làng du lịch tốt nhất”. Kết quả có 54 làng được UNWTO trao giải.
Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” không phải chọn ra những làng du lịch nổi tiếng và có hàng ngàn lượt khách đến tham quan mỗi ngày mà là bầu chọn cho làng du lịch có những sáng kiến trong xây dựng sản phẩm, phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và đời sống người dân của chính ngôi làng đó.
Tân Hóa có điểm nhấn là sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp trên toàn cầu; bảo tồn văn hóa, phong tục, tập quán địa phương và cơ chế chia sẻ lợi ích trong cộng đồng đối với hoạt động du lịch.
Theo tôi, làng du lịch Tân Hóa hội tụ được những yếu tố trên, cùng với bộ hồ sơ tham dự chặt chẽ nên đã thuyết phục hội đồng chấm giải. Ngoài ra, Tân Hóa đã đạt 12/17 tiêu chí về mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Mô hình “Làng du lịch thích ứng với thời tiết” và danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới 2023” mang lại giá trị thực tế gì về kinh tế và tinh thần cho cộng đồng người dân tham gia cũng như cho ngành du lịch Việt Nam?
Cả hai mang lại nhiều giá trị thực tế về cả kinh tế và tinh thần.
Về kinh tế, mô hình này tạo ra nguồn thu nhập ổn định và cao hơn cho các hộ dân. Theo thống kê, mỗi hộ dân tham gia có thể kiếm được 10-15 triệu đồng mỗi tháng. Mô hình này cũng tạo ra nhiều việc làm; góp phần phát triển kinh tế của xã, huyện và tỉnh thông qua tăng thu ngân sách, thu hút đầu tư và tạo ra một điểm du lịch hấp dẫn.
Về tinh thần, nó tạo ra sự gắn kết, đoàn kết giữa các hộ dân tham gia, giữa người dân và cơ quan chức năng. Các hộ dân đã hỗ trợ và chia sẻ nhau trong các công việc liên quan đến du lịch. Họ cũng tham gia các hoạt động cộng đồng như tổ chức lễ hội, bảo vệ môi trường, giáo dục trẻ em... Các hộ dân có cơ hội giao lưu và học hỏi từ du khách. Lớp trẻ cũng có cơ hội được học tập tốt hơn.
Tân Hóa đạt giải và trở thành thành viên của mạng lưới Làng du lịch tốt nhất thế giới toàn cầu hứa hẹn thêm nhiều cơ hội được hỗ trợ từ UNWTO. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững, và là mô hình cho các làng du lịch khác học hỏi và phát triển. Làm du lịch nhưng không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, không làm biến dạng hay quá tải cho ngôi làng, không gây ảnh hưởng đến môi trường…, đó được gọi là du lịch bền vững theo tiêu chuẩn của UNWTO.
Trước khi triển khai mô hình du lịch thích ứng thời tiết, 100% số lượng khách tham gia tour Tú Làn, Hang Tiên đều không ở lại Tân Hóa sau khi kết thúc tour. Nhưng từ tháng 11.2022, lượng khách ở lại qua đêm tăng 10 - 20 khách mỗi ngày. Dự tính từ nay trở đi, mỗi tháng có 600 - 1.000 khách lưu trú qua đêm tại Tân Hóa, giúp tạo nguồn thu nhập ổn định cho những hộ gia đình tham gia cung ứng các dịch vụ liên quan.
Hiện tại có 10 hộ homestay và 10 hộ kinh doanh ăn uống. Tổng số người dân trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch cùng với Oxalis là khoảng 120 người, bao gồm phục vụ trong các tour Tú Làn, homestay, dịch vụ ăn nhà dân và phục vụ tại tour ATV (xe địa hình) khám phá rừng lim…
Để duy trì mô hình bền vững, các bên tham gia cần đáp ứng những điều gì?
Các hộ dân cần chủ động, sáng tạo, hợp tác cung cấp các dịch vụ du lịch chất lượng cao cho du khách; tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh, môi trường, văn hóa; tham gia các hoạt động cộng đồng như tổ chức các lễ hội, bảo vệ môi trường, giáo dục trẻ em.
Các doanh nghiệp cần tiếp tục hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân, cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật khi cần. Đồng thời cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thiết bị, nhân sự, dịch vụ du lịch chất lượng cao...
Cơ quan chức năng cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động du lịch tại Tân Hóa, như cung cấp vốn vay ưu đãi, hỗ trợ vật liệu xây dựng, cam kết mua lại homestay (nhà nổi) nếu hộ dân muốn chuyển đổi; cấp phép và giám sát hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn, bền vững và pháp lý cho hoạt động du lịch. Các cơ quan chức năng cũng cần cải thiện cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, nước, thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai… Cùng với đó, phải nâng cao hình ảnh du lịch Tân Hóa - Quảng Bình và Việt Nam trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước.
Quan điểm của tôi, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) cũng có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng, thông qua cung cấp nguồn lực và hỗ trợ các bên tham gia; tổ chức các chương trình giáo dục, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân địa phương; thực hiện các nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và theo dõi hoạt động du lịch cộng đồng, để cung cấp các thông tin, dữ liệu, khuyến nghị cho các bên tham gia...
Có cơ hội tiếp cận các mô hình, cách thức phát triển du lịch bền vững trên thế giới, ông thấy tại Việt Nam địa phương nào có thể phát triển mô hình làng du lịch có bản sắc riêng đáp ứng nhu cầu du khách trong điều kiện và xu hướng mới?
Việt Nam có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi phát triển mô hình này vì thiên nhiên Việt Nam rất đẹp với nhiều di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó Việt Nam có nhiều làng nghề truyền thống, làng văn hóa, làng sinh thái, làng biển có bản sắc riêng biệt, thu hút sự quan tâm và yêu thích của du khách trong và ngoài nước…
Việt Nam đã có kinh nghiệm về du lịch bền vững, cả thành công và thất bại, như làng Tân Hóa ở Quảng Bình, làng Cù Lần ở Đà Lạt, làng Đại Bình ở Quảng Nam... Các mô hình này được công nhận và đánh giá cao bởi các tổ chức trong và ngoài nước như UNWTO, UNESCO, WWF. Ngoài ra, các mô hình này cũng đã tạo ra những lợi ích to lớn cho cộng đồng địa phương như tăng thu nhập, cải thiện đời sống, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa...
Sống trong "rốn lũ" không còn sợ lụt
Nhằm cung cấp thông tin dự báo thời tiết kịp thời và thúc đẩy tuyên truyền, quảng bá loại hình du lịch thích ứng thời tiết, Công ty Oxalis đã mời tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - một chuyên gia dự báo thời tiết và biến đổi khí hậu độc lập hàng đầu Việt Nam, làm Đại sứ du lịch thích ứng thời tiết.
Với khả năng dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai chính xác và hiệu quả, trong nhiều năm qua tiến sĩ Huy đã giúp người dân phòng tránh được rủi ro cũng như phòng bị kỹ càng trước và trong các đợt thiên tai bão lũ. Tiến sĩ Huy cũng là người khuyến khích các mô hình du lịch thích ứng thời tiết tại các địa phương thường xuyên gặp các điều kiện thời tiết cực đoan. Với nguồn kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu đồng thời là người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, tiến sĩ Huy sẽ giúp quảng bá loại hình du lịch thích ứng thời tiết tại Tân Hóa đến với nhiều người hơn, góp phần đưa Tân Hóa sớm trở thành trung tâm du lịch vùng tây bắc tỉnh Quảng Bình. Nhiệm kỳ Đại sứ du lịch thích ứng thời tiết của tiến sĩ Huy là 3 năm, kể từ ngày 1.3.2023.
Theo tiến sĩ Huy, xã Tân Hóa được coi là rốn lũ của Quảng Bình, nơi nước lụt có thể dâng đến 10m trong khu dân cư. Người dân Tân Hóa sống và canh tác nông nghiệp ở một thung lũng bao quanh bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Cảnh quan đó tuyệt đẹp nhưng lại là vùng chứa nước mỗi khi có mưa lớn. Trước năm 2010, lụt có xảy ra ở Tân Hóa nhưng ít khi nào ngập sâu. Năm 2010, trận lụt lớn nhất xảy ra, tất cả các ngôi nhà trong vùng đều ngập lút nóc. Người dân phải sơ tán lên núi tránh lụt, tài sản mất hết.
Kể từ năm 2011 và những năm sau đó, những chiếc nhà phao (nhà nổi) đầu tiên được làm với mục đích giúp người và tài sản tránh lũ an toàn, với sự tham gia cùng chính quyền địa phương của các tổ chức xã hội như “Nhà chống lũ” (Quỹ Sống), Oxalis, các nhà hảo tâm khác... đã cung cấp một mô hình thích ứng với thiên tai rất hiệu quả. Hiện nay hầu như nhà nào ở Tân Hóa cũng có thể làm một nhà phao để ở mỗi khi có lũ lụt. Năm 2019 và 2020 lụt lớn lặp lại, nhà phao trở thành cứu tinh đối với người dân Tân Hóa, và giờ có thể khẳng định người dân Tân Hóa không còn sợ lụt. Họ có thể sống trên nhà phao cả tuần nếu có mưa lớn cực đoan. Mọi hoạt động diễn ra bình thường vì nơi đây là vùng nước khá tĩnh, không có dòng chảy. Quan trọng là phải có dự báo mưa sớm để người dân sơ tán trâu bò lên núi và chuẩn bị nhu yếu phẩm đưa lên nhà phao.
Thiên nhiên thách thức Tân Hóa với mưa lụt nhưng cũng ban tặng cho nơi đây cảnh đẹp hùng vĩ với thảo nguyên xanh bao la, những dãy núi đá vôi, rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn, đặc biệt là hệ thống hang động Tú Làn có vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo. Trước đây người Tân Hóa xem tài nguyên từ thiên nhiên là gỗ, muông thú..., giờ đây tài nguyên của họ là cảnh quan thiên nhiên và một cộng đồng gắn kết. “Nếu để thiên nhiên ngủ quên thì người dân không được lợi gì, du khách cũng không có cơ hội trải nghiệm, tận hưởng những giá trị từ thiên nhiên. Vì vậy, cần tới một cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên mà không làm tổn hại đến thiên nhiên, đồng thời người dân cũng phải có thu nhập từ chính tài nguyên thiên nhiên nơi họ sinh sống. Mỗi mùa lũ về, thay vì chỉ cứu trợ mì gói cho đồng bào, hãy đến trải nghiệm các dịch vụ độc đáo mà người dân nơi đó cung cấp. Đó mới là sự đồng hành bền vững nhất”, tiến sĩ Huy chia sẻ.
Theo ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, được vinh danh một trong những Làng du lịch tốt nhất thế giới mới chỉ là bước đầu trong phát triển du lịch tại Tân Hóa. Giải thưởng danh giá này là cơ hội để Tân Hóa vững bước ra thế giới và từng bước trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch, Tân Hóa cần phải giữ được bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam, không phá vỡ không gian sống xanh...
Tuấn Phạm
Ninh Hạ thực hiện
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/buoc-tien-quan-trong-den-du-lich-ben-vung-41974.html