Tân Hồng - Vươn lên từ gian khó
Kỳ 1: Chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển
Huyện Tân Hồng được tách ra theo Quyết định số 41-HĐBT ngày 22/4/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/6/1989. Là huyện biên giới của tỉnh Đồng Tháp, với diện tích 311km2, đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 24,5km, với cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và 2 Cửa khẩu phụ là Bình Phú và Thông Bình.
Những ngày đầu mới thành lập, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện gặp muôn vàn khó khăn. Song, với tinh thần năng động, sáng tạo, nỗ lực lớn, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và Nhân dân đã tập trung khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế địa phương, khai thác tốt các nguồn lực để xây dựng và phát triển. Sau 35 năm thành lập, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Hồng đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Những tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 63,77 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách đạt 92,393/101.150 triệu đồng, đạt 91,34%. Phấn đấu có thêm 1 hợp tác xã (HTX) được xếp loại tốt; duy trì 9 HTX xếp loại khá. Phấn đấu xây dựng xã Tân Phước đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đa chiều 1,22%. 116/107 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,50%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 98%. Tỷ lệ thu gom rác trên địa bàn đạt 80%. Có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Kết nạp mới 95/105 đảng viên. Phấn đấu có 94% Ban Công tác Mặt trận, Chi đoàn, Chi hội, Hội quán, Tổ Nhân dân tự quản hoạt động từ khá trở lên.
Về nông nghiệp nếu như trước đây là vùng đất ngập nước và phèn nặng, hầu hết sản xuất 1 vụ, lệ thuộc vào thiên nhiên, thì sau khi khai hoang phục hóa, làm thủy lợi, cải tạo đất phèn và vận động Nhân dân chuyển từ 1 vụ lên 2 vụ, bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Đặc biệt, khi Trung ương, tỉnh có chủ trương, địa phương vận động Nhân dân hiến đất để đào, nạo vét kênh tạo nguồn (Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, Tân Thành - Lò Gạch, Thống Nhất), làm thủy lợi nội đồng... đã chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Dự án VnSAT và các mô hình khuyến nông... Năm 2024, diện tích xuống giống lúa được 46.911ha, năng suất bình quân 66,37 tấn/ha; diện tích liên kết tiêu thụ lúa đạt 20.897ha; diện tích lúa áp dụng phương pháp sản xuất giảm giá thành được 15.818ha; diện tích lúa chất lượng cao 37.976ha.
Huyện có 8/8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 100%. Năm 2024, huyện tiếp tục xây dựng xã Tân Phước đạt chuẩn NTM nâng cao và phấn đấu đến cuối năm 2024, huyện sẽ hoàn thành hồ sơ để được công nhận huyện NTM. Huyện có 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Ước tính đến năm 2024 sẽ có thêm 5 sản phẩm, nâng tổng số 26 sản phẩm OCOP; 100% sản phẩm OCOP của huyện được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Lĩnh vực Tiểu thủ công nghiệp những ngày đầu thành lập, huyện chỉ có 47 cơ sở, đến nay là 236 doanh nghiệp. Khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục được quan tâm hỗ trợ, phát triển. Trong năm 2024, huyện có 15 HTX và 77 Tổ hợp tác với hơn 6.331 tổ viên, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Đến nay, hệ thống giao thông đảm bảo xe ôtô đi đến được trung tâm các xã và ấp, xe gắn máy đi đến các nơi có dân cư sinh sống. Các tuyến đường huyện, liên xã được láng nhựa, lát đan, rải đá... việc giao thương, đi lại của người dân rất thuận lợi.
Giáo dục, đào tạo được quan tâm, toàn huyện có 1.402 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ở các bậc học; trình độ của cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng được nâng lên. Công tác khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,50%, 100% Trạm y tế các xã, thị trấn có cơ sở vật chất khang trang và đạt chuẩn. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng; người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn... được quan tâm thực hiện.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao: Phát triển rộng khắp, nhất là các môn thể thao thế mạnh như bóng đá, võ thuật...; người dân tham gia luyện tập thường xuyên đạt tỷ lệ khá cao. Phối hợp tổ chức và tham gia nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch địa phương. Đặc biệt, phát huy giá trị văn hóa lịch sử Tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung và các địa điểm tham quan du lịch.
Công tác cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 tiếp nhận và xử lý hỏi - đáp thông tin kịp thời; hoạt động Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện tiếp tục duy trì hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 49 đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó, có 2/49 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% kinh phí hoạt động.
Công tác xây dựng Đảng: Đảng bộ luôn quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Tính đến tháng 10/2024, tổng số đảng viên toàn huyện là 3.461, chiếm 4,60% so với dân số toàn huyện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm đúng mức.
Để đạt được kết quả trên, sau 35 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Hồng đã ra sức phấn đấu không ngừng, ban hành nhiều đề án, kế hoạch dài hạn, trung hạn; chương trình hành động... sát thực tiễn. Khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày một nâng lên.
Kỳ cuối:Quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Đinh Văn Năm - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/tan-hong-vuon-len-tu-gian-kho-127851.aspx