Tận hưởng kỳ nghỉ lễ ở thành phố hiếu khách của Việt Nam
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay mang đến cho du khách cơ hội lý tưởng để tận hưởng những điểm đến vừa đẹp, yên bình, giàu giá trị văn hóa. Mới đây, Ninh Bình đã được bình chọn là một trong những thành phố hiếu khách nhất Việt Nam khiến cho sức hút càng thêm mạnh mẽ.

Du khách tận hưởng không khí hân hoan, rực rỡ sắc màu tại các điểm du lịch Ninh Bình. Ảnh: Minh Đường
Không ồn ào, náo nhiệt như nhiều điểm du lịch khác vào dịp lễ, Ninh Bình có nhịp sống thanh bình, trầm mặc, như chính bề dày nghìn năm lịch sử của mảnh đất từng là kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt. Để có được sự ngăn nắp, yên ả ấy là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp dịch vụ và người dân.
Từ nhiều tuần trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các cơ sở lưu trú, điểm du lịch, nhà hàng, quán cà phê tại thành phố Hoa Lư - nơi có hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ nhất đã “lên dây cót” chuẩn bị đón khách.
Bà Phạm Lan Hương, Phụ trách bộ phận Du lịch, Khu du lịch sinh thái Thung Nham cho biết: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đón tiếp du khách từ cách đây nửa tháng. Trong đó huy động 100% lực lượng sẵn sàng trực và bổ sung cho các bộ phận khác trong những ngày cao điểm. Riêng bộ phận bảo vệ bố trí hơn 50 người để đảm bảo các điều kiện về an toàn giao thông, an ninh trật tự tối đa cho du khách.
Ngoài ra, gần 30 xe điện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, hệ thống cửa ra vào cũng được rà soát lại. Bộ phận lễ tân, bếp ăn được tăng gấp đôi nhân lực so với ngày thường. Với sự chủ động, trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, khu du lịch đã đón tiếp chu đáo, an toàn cho hàng chục nghìn lượt khách.
Tương tự tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, các dịch vụ cũng không ngừng được nâng cấp: hệ thống bán vé điện tử, các bảng chỉ dẫn bằng ba thứ tiếng, ứng dụng di động giúp du khách tra cứu thông tin và đặt dịch vụ đều được triển khai đồng bộ. Ngoài ra, việc nâng cao văn hóa, văn minh trong giao tiếp, ứng xử tiếp tục được cán bộ, nhân viên, đội ngũ lái đò tuân thủ và thực hiện tốt.
Bà Đặng Thị Tương, xã Trường Yên, thành phố Hoa Lư - người đã có hơn 15 năm làm nghề chèo đò tại Tràng An cho biết: “Những ngày này, tôi thường có mặt tại Khu du lịch từ 5 giờ sáng để chuẩn bị thuyền, áo phao và phụ giúp chị em trong tổ dọn vệ sinh. Khi chở khách, tôi đều cố gắng kể cho họ nghe câu chuyện về văn hóa, lịch sử nơi đây… để họ hiểu thêm và yêu hơn mảnh đất này. Có nhiều khách nước ngoài, dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng chỉ cần thấy họ mỉm cười, chụp ảnh là tôi vui lắm.”
Dễ nhận thấy trong từng chi tiết nhỏ, từ bãi đỗ xe rộng rãi; đến những bình nước miễn phí đặt ở lối vào các điểm tham quan; những chiếc ô che nắng; hay đội ngũ tình nguyện viên, lực lượng bảo vệ, cán bộ du lịch sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ khách ở cổng vào… Tất cả đều cho thấy tinh thần “đón khách như đón người thân” của người Cố đô Hoa Lư.
Chị Đỗ Thị Len, chủ một nhà hàng trên đường Tràng An, thành phố Hoa Lư chia sẻ: “Tôi luôn nhắc nhân viên, khẩu vị mỗi người khác nhau nên không thể làm hài lòng tất cả. Tuy nhiên, giá cả phải rõ ràng, chất lượng sạch sẽ, luôn niềm nở như phục vụ như người thân trong nhà để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của con người, du lịch Ninh Bình”.
Chính từ sự chuẩn bị chu đáo và suy nghĩ, ứng xử văn hóa của người Ninh Bình đã góp phần mang đến sự hài lòng cho du khách khi được tận hưởng dịch vụ tại đây. Trong dòng người nườm nượp đổ về Hoa Lư những ngày này, không khó để bắt gặp những nụ cười hài lòng của du khách.
Anh Mark Evans (du khách Anh), lần đầu đến Ninh Bình, chia sẻ: “Điều khiến tôi ấn tượng nhất là sự tử tế. Ở quán ăn, con tôi làm rơi thìa, người chủ quán liền chạy lại lấy cái mới, còn dỗ cháu như người nhà. Một người hướng dẫn viên đã giúp chúng tôi tìm lại điện thoại rơi khi dạo chơi. Họ rất thân thiện và mến khách”.

Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm tại Bến xe Đồng Gừng, xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư.
Việc cuối tháng 4 vừa qua, Ninh Bình tiếp tục được vinh danh là một trong mười thành phố hiếu khách nhất Việt Nam từ những đánh giá xác thực có quy mô toàn cầu không phải là điều ngẫu nhiên. Đó là kết quả của cả một quá trình xây dựng thương hiệu du lịch dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử và đặc biệt là con người nơi Cố đô ngàn năm văn hiến.
Từ các doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc vào chất lượng dịch vụ, gia tăng các trải nghiệm văn hóa; đến từng người dân làm du lịch bằng sự chân thành, tử tế; tất cả cùng nhau tạo nên một môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, đáng tin cậy. Thương hiệu này khiến cho hành trình về với Hoa Lư trong kỳ nghỉ lễ 30/4 của du khách không chỉ là chuyến tham quan, mà còn là hành trình đi tìm những điều bình yên, giản dị giữa đời thường.
Có thể nói, trong bối cảnh du lịch đang có nhiều cạnh tranh thì sự hiếu khách, thân thiện của người dân là một trong những cách đơn giản và vô cùng hiệu quả để khẳng định thương hiệu du lịch của vùng đất đó.
Thành phố Hoa Lư những ngày này không chỉ mang vẻ đẹp của lịch sử hào hùng, của thiên nhiên tươi đẹp với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc mà nơi đây còn ghi dấu bởi sự hiếu khách, tinh thần phục vụ tận tâm của những người dân địa phương.