Tân Khánh phát triển thương mại dịch vụ
Tân Khánh là xã thuần nông thuộc vùng khó khăn của huyện Vụ Bản. Những năm gần đây nhờ nỗ lực chuyển đổi sản xuất, khai thác thế mạnh phát triển thương mại dịch vụ nên đời sống kinh tế của xã được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 của xã bình quân đạt gần 10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43,6 triệu đồng, tăng gần 50% so với 5 năm trước. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Tân Khánh là xã thuần nông thuộc vùng khó khăn của huyện Vụ Bản. Những năm gần đây nhờ nỗ lực chuyển đổi sản xuất, khai thác thế mạnh phát triển thương mại dịch vụ nên đời sống kinh tế của xã được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 của xã bình quân đạt gần 10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43,6 triệu đồng, tăng gần 50% so với 5 năm trước.
Nằm ven sông Sắt, từ xa xưa, người dân Tân Khánh chủ yếu trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi lợn, gà, đánh cá tôm theo lối truyền thống nên thu nhập không cao, đời sống nhiều khó khăn. Kinh tế toàn xã cũng chỉ trông vào nông nghiệp, thu nhập từ nông nghiệp chiếm 76% tổng thu nhập toàn xã. Đổi thay đến với người dân xã Tân Khánh từ khi UBND xã thực hiện quy hoạch lại ruộng đất, khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất, khai thác thế mạnh đồng đất địa phương. Đồng thời khuyến khích tạo điều kiện cho người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Xã đã xây dựng mô hình sản xuất cánh đồng lớn chuyên sản xuất lúa hàng hóa; đồng thời chuyển đổi hơn 50ha ruộng chua, trũng trồng lúa kém sang phát triển kinh tế trang trại đa canh và mô hình nuôi cá luồn lúa ở các thùng đào vùng ven đê sông Sắt. Ban Nông nghiệp xã và hợp tác xã nông nghiệp đã chủ động phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản, kỹ năng tổ chức kinh doanh, phát triển thị trường giúp các hộ thực hành sản xuất tốt, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các hộ nuôi thủy sản đã kết hợp kinh nghiệm truyền thống với áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh cho cá ngay từ đầu vụ nuôi, làm tốt công tác vệ sinh ao nuôi, cải tạo đáy ao kỹ lưỡng, khử trùng bằng vôi, dọn thức ăn thừa, rong rêu phơi đáy để diệt mầm bệnh. Do đó hiệu quả kinh tế từ nuôi kết hợp cá - lúa tăng gấp 2-3 lần so với chuyên canh lúa. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn đều xây dựng theo mô hình VAC kết hợp nuôi cá truyền thống với chăn nuôi lợn, gà, vịt, trồng cây ăn quả như cam canh, bưởi Diễn, xoài… Tiêu biểu như gia đình các ông: Ngô Văn Say, thôn Bàn Kết, Vũ Văn Quý, thôn Phong Cốc; Trần Bá Đạt, Trần Văn Hải, ở Phú Thôn; Trần Viết Tuấn thôn Hạ Xá. Những năm gần đây nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường các hộ nuôi cá ở Tân Khánh nhanh chóng học hỏi kỹ thuật đầu tư nuôi cá Koi. Gia đình anh Phạm Văn Thuần ở thôn Phong Cốc là một trong những hộ đầu tiên thành công với nghề ương nuôi cá cảnh. Anh Thuần cho biết: “nhân giống và chăm sóc cá cảnh khó hơn nuôi cá thịt do cá cảnh có nguồn gốc nhập ngoại, chưa thuần hóa với thổ nhưỡng, khí hậu nên nguy cơ nhiễm dịch bệnh cũng nhiều hơn cá truyền thống, đòi hỏi phải chăm sóc cẩn thận hơn. Bên cạnh đó để thành công khi ương nuôi cá cảnh là phải nắm được bí quyết, phương pháp lai phối màu và luyện để cá khỏe, thân hình đẹp, màu sắc rõ ràng, hoa văn đậm, sắc nét”. Nhờ bí quyết lai màu và thực hành đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, anh Thuần đã thành công trong sản xuất các giống cá Koi (chép Nhật), cá chép 4 đuôi… được nhiều khách hàng và đại lý cá cảnh ở cả trong và ngoài nước đặt mua. Trung bình mỗi năm gia đình anh Thuần xuất bán trên 40 tấn cá Koi thương phẩm và một lượng lớn cá Koi giống cho người nuôi trong vùng cũng như thị trường Trung Quốc. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh còn hỗ trợ các hộ gia đình trong xã cùng phát triển mô hình nuôi cá Koi thay vì cá truyền thống đang bị bão hòa. Cuối năm 2020, anh Thuần đứng ra thành lập Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp tập hợp được 17 thành viên, tổng diện tích sản xuất gần 29ha mặt nước chuyên nuôi thủy sản, trong đó cá Koi là đối tượng nuôi chủ lực. Ước tính chung một năm hợp tác xã cung ứng ra thị trường 80 tấn cá cảnh. Đáng chú ý là dịch bệnh COVID-19 làm nhiều ngành nghề khác bị suy giảm nhưng người nuôi cá cảnh thì không bị ảnh hưởng nhiều; cá Koi nuôi càng lâu và có trọng lượng càng lớn thì giá trị thương mại càng cao nên người nuôi không bị áp lực xuất bán khi cá đến tuổi. Thu nhập của người nuôi vì thế cũng cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi thủy sản truyền thống. Từ xã thuần nông, đến nay vẫn đồng đất đó nhưng sản phẩm nông nghiệp của Tân Khánh đã được đa dạng hóa với giá trị gia tăng cao. Đến nay, giá trị bình quân trên 1ha đất canh tác đạt trên 100 triệu đồng, tăng 52,5% so với 5 năm trước; sản lượng lương thực hàng năm đạt 7.200 tấn. Giá trị sản xuất nông nghiệp ở địa phương đạt 95 tỷ đồng/năm. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển khiến các dịch vụ hậu cần mở rộng theo. Đến nay, ngoài chợ phiên truyền thống, trên địa bàn xã đã dần phát triển các điểm thương mại dịch vụ tại khu vực trung tâm xã, dọc tuyến đường mới Hạnh Lâm (đoạn chạy qua địa bàn xã) cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và nhu yếu phẩm hàng ngày của người dân trong khu vực.
Khai thác lợi thế vùng đất trũng của địa phương để sản xuất nông sản hàng hóa đang là hướng đi đúng của xã Tân Khánh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo vùng sản xuất tập trung nâng cao giá trị gia tăng trên từng sản phẩm./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương