Tân Lạc chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) là một trong những địa phương đã và đang triển khai có hiệu quả phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhất là các mô hình sản xuất bơ, cà phê, sầu riêng theo hướng VietGAP.

Vườn bơ 034 của gia đình ông Lưu Minh Hải (Thôn 1, xã Tân Lạc) trĩu quả nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao

Vườn bơ 034 của gia đình ông Lưu Minh Hải (Thôn 1, xã Tân Lạc) trĩu quả nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Phan Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, địa phương hiện có hơn 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, với 3 cây trồng chủ lực là cà phê, bơ và sầu riêng. Trong đó, cà phê chiếm đại đa số với hơn 2.100 ha và 100% diện tích đã được chuyển đổi trồng, ghép cải tạo các giống mới như Trường Sơn (TR), Thiện Trường và xanh lùn cho năng suất, chất lượng cao. Nhờ đó, năng suất cà phê của địa phương đã đạt gần 5 tấn/ha.

“Ngoài cà phê, những năm qua, người dân địa phương đã chú trọng chuyển đổi qua trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bơ 034 và sầu riêng ghép các giống Thái Lan. Theo ước tính, toàn xã hiện có khoảng 1.000 ha cây ăn quả gồm bơ và sầu riêng. Trong đó, có khoảng 100 ha trồng chuyên canh được bà con đầu tư bài bản và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Diện tích cây ăn quả còn lại được bà con trồng xen vào vườn cà phê” - ông Chính cho hay.

Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Lạc có 2 hợp tác xã (HTX), 1 tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, thu hút hàng chục hộ dân tham gia sinh hoạt, hợp tác làm ăn. Trong đó, HTX Bảo Nguyên và THT Duy Định chuyên trồng và sản xuất các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng đã được cơ quan chức năng đánh giá, phân hạng nông nghiệp theo bộ tiêu chí OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Ông Nguyễn Duy Định - Tổ trưởng THT Duy Định chia sẻ: “Hiện tại, gia đình tôi có 2,5 ha sầu riêng ghép và 0,5 ha bơ 034 đã cho thu hoạch. Toàn bộ diện tích này đều được tôi đầu tư hệ thống tưới tự động và chăm sóc theo quy trình VietGAP. Trong khoảng 3 năm nay, sau khi trừ hết các loại chi phí gia đình tôi thu được từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm”.

Tương tự là mô hình trồng bơ 034 theo hướng sinh học của gia đình ông Lưu Minh Hải (Thôn 1, xã Tân Lạc). Hiện tại, ông Hải đang sở hữu hơn 1.100 cây bơ 034 trồng đông đặc trên diện tích 3 ha. “Năm nay, vườn bơ của gia đình tôi đã cho thu hoạch khoảng 30%, ước tính sản lượng đạt khoảng 18 tấn. Trong đó, bơ loại 1 đạt khoảng 80%, với giá bán dao động từ 27 - 30 ngàn đồng/kg đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng. Dự tính, bước sang năm 2021, sản lượng vườn bơ của tôi sẽ đạt từ 40 - 50 tấn” - ông Lưu Minh Hải cho biết.

Cùng với cây trồng, thì chăn nuôi tại địa phương cũng được người dân đầu tư phát triển theo hướng tập trung. Trong đó, nổi bật là HTX Chăn nuôi chim cút Gia Phát, với 14 hộ dân tham gia và có 36 trại chim cút. Đến nay, đàn chim cút của HTX Gia Phát đã lên tới hơn 500.000 con chim cút đẻ và chim cút thịt. Ông Vũ Duy Văn - Giám đốc HTX Gia Phát, cho biết: “Chăn nôi luôn tiềm ẩn những rủi ro dịch bệnh, vì thế các hộ trong HTX rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đàn chim cút của HTX luôn phát triển ổn định, ít dịch bệnh và mang lại thu nhập ổn định từ 400 - 500 triệu đồng/hộ/năm”.

Bằng việc khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, đến nay toàn xã đã có trên 80 hộ dân có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; gần 160 hộ đạt mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm và trên 230 hộ có mức thu nhập từ 120 - 300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã đã giảm xuống còn hơn 2%. Đó là những kết quả khả quan, khi người dân Tân Lạc chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua.

HẢI ĐƯỜNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202005/tan-lac-chu-trong-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-3004277/