Ở vài vụ sản xuất gần đây, thay vì trồng ngô lấy hạt theo cách truyền thống, một số diện tích được người dân ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối. Với 2 vụ/năm, thường thì ở vụ hè thu, diện tích trồng ngô sinh khối chủ yếu đáp ứng nhu cầu thu mua của các đơn vị tỉnh ngoài. Vụ đông xuân, bà con giữ lại hầu hết diện tích để phục vụ chăn nuôi. Điều đáng nói là trồng ngô sinh khối, thời vụ được rút ngắn hơn, giá trị thu nhập tương đương so với trồng ngô lấy hạt. Tân Lạc là một trong những địa phương chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối khá mạnh.
Hộ chăn nuôi các huyện Tân lạc đang chuyển dịch trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi ở vụ đông. Ông Bùi Văn Tương ở xóm Mí, xã Bắc Sơn vừa thu hoạch xong 7.000 m2 ngô sinh khối. Thương lái từ Mộc Châu (Sơn La) về xóm thu mua và xử lý, chế biến cả cây gồm phần thân, lá, bắp non thành thức ăn chăn nuôi phục vụ các trang trại nuôi bò sữa chất lượng cao. Ông Tương cho biết: Trước đây, tôi trồng ngô hạt, năng suất cũng khá, nhưng từ khi chuyển sang trồng sinh khối, thời gian thu hoạch được rút ngắn đi. Vụ vừa rồi, tôi thu 11 tấn sinh khối, bán tại ruộng với giá 10.000 đồng - 12.000 đồng/yến, mang lại thu nhập hơn chục triệu đồng. Một mặt, tôi để dành theo khoảng và trồng thêm ngô gieo dày để phục vụ sản xuất chăn nuôi của gia đình. Với đàn gia súc lớn, thân, lá ngô là nguồn thức ăn xanh nhiều dinh dưỡng. Theo anh Đinh Văn Oan, Trưởng xóm Mí, người dân xóm Mí đã bắt đầu chuyển đổi trồng ngô sinh khối kể từ năm 2017 đến nay. Hiện, có 65 hộ tham gia trồng với tổng diện tích khoảng 15 ha. Nếu ở vụ hè thu, toàn bộ diện tích đều được trồng hàng hóa để bán cho chăn nuôi khu vực tỉnh bạn thì ở vụ đông, phần lớn diện tích được bà con trong xóm giữ lại làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Trong điều kiện vùng cao khắc nghiệt, việc lựa chọn cây ngô gieo dầy, ngô sinh khối để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò trong những ngày mưa rét được các hộ chú trọng. Với xã Địch Giáo, kể từ vụ đông 2019, tận dụng lợi thế về đồng đất bãi, bà con nông dân bước đầu thực hiện thí điểm trồng 5 ha ngô sinh khối. Anh Bùi Thanh Tùng, công chức Địa chính - Nông nghiệp xã cho biết: UBND xã đã tuyên truyền, vận động nông dân trồng ngô đông với tổng diện tích 24 ha. Diện tích này bao gồm cả trồng ngô lấy hạt và sinh khối làm nguồn thức ăn cho gia súc. Công tác tuyên truyền, vận động chuyển đổi, tận dụng diện tích đất bãi màu trồng ngô được bà con các xóm tích cực hưởng ứng, nhất là ở một số xóm như Kem, Kha Lạ... Cách làm này cũng góp phần gia tăng giá trị kinh tế đối với cây ngô, đảm bảo nguồn lương thực dự trữ quanh năm cho đàn gia súc. Vấn đề đặt ra hiện nay là trồng ngô sinh khối để bán cho thị trường hàng hóa đang chỉ dừng lại ở mức độ tự phát. Người dân chưa thực sự yên tâm về đầu ra bởi không có liên kết sản xuất và tiêu thụ, không có hợp đồng giao dịch mua bán, bao tiêu. Các xã có diện tích trồng ngô sinh khối tập trung gồm Địch Giáo, Lũng Vân, Bắc Sơn, Phú Vinh, Phú Cường... Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho rằng, điều quan trọng qua thực hiện chuyển đổi mô hình này là nâng cao nhận thức của người dân trong việc đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, ý thức chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc ở vụ đông được nâng lên rõ rệt. Về đầu ra, trong trường hợp ngô sinh khối bấp bênh tiêu thụ, sản xuất của người dân không bị ảnh hưởng nhiều vì vẫn cho thu hạt. Tổng đàn trâu, bò hiện có toàn huyện khoảng trên 26.000 con. Ở vụ đông, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngoài lượng rơm rạ gom được sau thu hoạch lúa mùa thì diện tích ngô, mía là nguồn thức ăn chăn nuôi dự trữ chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh diện tích cỏ voi, cỏ VA06 khoảng hơn 50 ha, vụ đông này, toàn huyện trồng trên 1.100 ha ngô, trong đó, diện tích ngô sinh khối, ngô gieo dày phục vụ nhu cầu chăn nuôi của các hộ khoảng 200 ha. Bùi Minh