Tân Liễu: Đồng lòng vượt qua lũ dữ

Xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có 3 thôn, gồm: Tân Độ, Liễu Đê và Liễu Nham với hơn 7 nghìn nhân khẩu. Do địa thế của xã nằm bám theo sông Thương, được bao bọc bởi con đê bối, nếu nước tràn qua, khoảng 70% số hộ của xã sẽ bị chìm trong biển nước, thiệt hại về người và tài sản là vô cùng lớn. Bởi vậy, trong mấy ngày qua, cấp ủy, chính quyền và người dân Tân Liễu luôn đồng lòng, chung sức quyết giữ vững tuyến đê trước cơn lũ dữ.

Ngay từ sáng sớm 12/9, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã và Phí Quang Thịnh, Chủ tịch UBND xã Tân Liễu đã có mặt trên tuyến đê bối của xã. Tuyến đê dài gần 7 km, hai đồng chí chia nhau mỗi người đi kiểm tra một đoạn, vừa động viên tinh thần các thành viên đang canh trực trên đê, vừa rà soát những điểm xảy ra sự cố của đêm hôm trước. Mặc dù đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ 4-5 ngày hôm nay song với tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, cả hai đồng chí vẫn liên tục có mặt trên tuyến đê này.

 Các đồng chí lãnh đạo xã Tân Liễu cùng cán bộ thôn kiểm tra vị trí chống tràn trên đê bối của xã.

Các đồng chí lãnh đạo xã Tân Liễu cùng cán bộ thôn kiểm tra vị trí chống tràn trên đê bối của xã.

Đồng chí Phí Quang Thịnh cho biết, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng 11/9, địa phương phát hiện 2 điểm sạt trượt thân đê nằm về phía đồng, trong đó tại cung thôn Tân Độ dài 20 m, tại cung thôn Liễu Nham dài 15 m. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn xã đã báo cáo lên huyện để cử thêm nhân lực hỗ trợ kỹ thuật; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp với đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn cùng tham gia xử lý. Do có sự chuẩn bị tốt từ vật tư đến lực lượng nên đến 14 giờ cùng ngày, các điểm sạt trượt đã được xử lý xong. “Chúng tôi đã huy động khoảng 300 người, hơn 3 nghìn bao dứa, hơn 1 nghìn cọc tre cùng 4 ô tô tải, 2 máy múc để tham gia xử lý sự cố. Cọc tre, bao dứa do xã chuẩn bị sẵn; còn ô tô, máy múc được huy động trong dân. Mọi người đều nhiệt tình tham gia với mục tiêu bảo đảm an toàn đê”, đồng chí Thịnh nói.

Được biết, chiều hôm đó, UBND xã cũng đã khuyến cáo đến người dân chủ động di dời người và tài sản của gia đình đến khu vực an toàn nhất khi có tình huống xấu xảy ra; yêu cầu mỗi gia đình chuẩn bị ngay 5 bao đất hoặc 5 bao cát, sẵn sàng khi có thông báo mang ra điểm tập kết để cứu hộ.

Khoảng 8 giờ 30 phút tối cùng ngày, khi mọi người đang tranh thủ nghỉ ngơi sau một ngày tập trung xử lý điểm sạt trượt thì nhận tin ở cung thôn Tân Độ xuất hiện một mạch sủi rộng khoảng 30 cm và 3 điểm có nguy cơ bị tràn với chiều dài khoảng 70 m. Sau khi báo cáo cấp trên, xã tiếp tục huy động lực lượng xử lý sự cố. “Với kinh nghiệm nhiều năm xử lý sự cố, chúng tôi chỉ xin huyện cử cán bộ chuyên môn về hỗ trợ cách xử lý mạch sủi chứ không huy động thêm lực lượng quân đội đóng trên địa bàn và mọi người dân vì sợ gây hoang mang. Tuy nhiên, không ai bảo ai, mọi người dân cả 3 thôn đều mang cuốc xẻng, bao đất đến tham gia chống tràn, xử lý sự cố”, đồng chí Thịnh nói.

 Người dân xã Tân Liễu tham gia xử lý sự cố, đắp đất chống tràn trên đê.

Người dân xã Tân Liễu tham gia xử lý sự cố, đắp đất chống tràn trên đê.

Trong đêm tối, dưới trời mưa, hàng trăm cán bộ, người dân xã Tân Liễu khẩn trương chuyển đất, đóng cọc. Nhiều người dân tự mang nước uống, bánh kẹo ra phục vụ, thậm chí còn kéo điện thắp sáng để công việc thuận lợi hơn. Quần áo ướt sũng, mệt mỏi, song với sự quyết tâm, đồng lòng, đến khoảng 2 giờ sáng 12/9, các điểm chống tràn và mạch sủi đã được xử lý xong.

Đang trò chuyện với cán bộ xã Tân Liễu trên bờ đê vừa được gia cố, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn Liễu Đê đỗ xe máy xuống ngó nghiêng những bao đất xếp thành hàng dài dọc bờ đê, cách mép nước chừng 30 cm. Chị Duyên bộc bạch nói: “Lũ đến đột xuất thì không kịp trở tay, chứ mình chủ động như vậy thì yên tâm rồi”. Được biết, cả tối hôm qua, chỉ có chồng con chị Duyên ra đây đắp đất be bờ, chị phải ở nhà cùng một số người dân di chuyển đồ đạc lên vị trí an toàn. Do nhà chị ở vị trí cao nên một số gia đình trong thôn đã chuyển đồ đạc đến gửi. Hiện trong nhà chị đang để hơn chục xe máy, xe đạp điện cùng mấy chiếc ô tô. Chị Duyên cũng chuẩn bị thêm bao gạo nếu mọi người phải đến ở nhờ thì sẽ nấu cơm hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Thăng, 62 tuổi ở thôn Tân Độ thỉnh thoảng lại ra điểm chống tràn hôm trước ngó nhìn thước dây được buộc chặt vào chiếc cọc cắm xuống bờ đê để kiểm tra mực nước sông. Ông Thăng cho biết, đêm hôm trước, ông cũng cùng mọi người trong xã ra đê chống tràn, xử lý sự cố, đến sáng nay mắt vẫn cay sè vì bùn đất bắn vào. “Năm 2008, nước lũ cũng lên cao có nguy cơ bị tràn như thế này, mặc dù lúc ấy mặt đê chưa đổ bê tông, chưa có ô tô vận chuyển đất như ngày nay song chúng tôi vẫn xử lý được”, ông Thăng nói.

 Điểm sạt trượt thân đê ở thôn Liễu Nham đã được xử lý an toàn.

Điểm sạt trượt thân đê ở thôn Liễu Nham đã được xử lý an toàn.

Cùng cán bộ xã Tân Liễu đi dọc tuyến đê bối đã được phát quang bụi rậm hai bên đường nhằm dễ quan sát, theo dõi sự cố xảy ra, chúng tôi thỉnh thoảng lại bắt gặp các thành viên tổ canh đê đi tuần. Ai cũng chăm chú để ý mọi động tĩnh trên thân đê để kịp thời báo tin xử lý những tình huống xấu.

Tân Liễu là vùng đất trũng nằm sát sông Thương. Người dân nơi đây bao đời nay đã quen với cảnh mưa lũ, thế nhưng với bão lũ sẽ không bao giờ chủ quan. Để giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do thiên tai, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã luôn chủ động mọi mặt theo phương châm “4 tại chỗ”. Các phương án dự phòng về vật tư, nhân lực đều được chuẩn bị chu đáo. Hiện xã đã tổ chức thành lập 3 tổ canh trực đê ở 3 thôn với tổng số 63 thành viên, gồm cán bộ công chức xã và lãnh đạo, trưởng các ban, ngành, đoàn thể thôn cùng lực lượng dân quân tự vệ. Xã cũng bố trí sẵn 3 chiếc máy xúc đỗ ở các điểm tập kết đất dự phòng và nhiều xe tải, khi có tình huống xấu sẽ tham gia vận chuyển đất, đóng cọc…

 Nước sông Thương vẫn đang ở mức cao.

Nước sông Thương vẫn đang ở mức cao.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: “Nhà sống gần sông, mặc dù tuyến đê vẫn giữ vững song mỗi khi nghe tiếng mưa rơi cùng sóng vỗ rì rầm mà lòng không yên. Lúc nào tôi cũng nghĩ làm sao giữ cho vững con đê này trước cơn lũ. Vì thế, Đảng ủy, UBND xã hạ quyết tâm phải giữ vững tuyến đê”. Theo đồng chí Hùng, để làm được điều này, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, không ngại khó, ngại khổ, sợ hiểm nguy. Có như vậy mới khích lệ, động viên mọi người dân làm theo.

Cuối giờ chiều 12/9, nước sông Thương vẫn ở mức cao, trên báo động số 3 - mức nguy hiểm; khu vực xã Tân Liễu trời vẫn có mưa. Cấp ủy, chính quyền và mọi người dân Tân Liễu luôn sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu, quyết giữ vững tuyến đê trước mưa lũ, bảo đảm cho sự bình yên cho mọi người, mọi nhà.

Bài, ảnh: Thành Nam- Hữu Trình

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tan-lieu-dong-long-vuot-qua-lu-du-191741.bbg